Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Từ nhiều nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp đã giúp cácĐVTN ở các địa phương được tiếp cận vay vốn. Từ đó, thêm cơ hội khởi nghiệp, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.
Thời gian qua, Thị đoàn Tân Châu (An Giang) đã giúp ĐVTN ở địa phương tiếp cận và sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích. Tham gia bảo lãnh với Ngân hàng Chính sách xã hội TX. Tân Châu xét cho các hộ đoàn viên, hội viên được vay vốn với nhiều dự án nhằm mục đích chăn nuôi, trồng trọt, mua bán nhỏ...
Từ đầu năm đến nay, từ nguồn của Ngân hàng Chính sách xã hội, Thị đoàn đã hỗ trợ, giúp giải ngân hồ sơ vay vốn, với số tiền 100 triệu đồng cho 2 thanh niên ở địa phương phát triển kinh tế, với mô hình kinh doanh quán cơm và cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật.
Theo Bí thư Thị đoàn Tân Châu Trần Phan Duy, đối với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội thì tùy vào nguồn được vay mà thời gian trả có thể đến 5 năm. Trong đó, hồ sơ vay của thanh niên sẽ gửi đến các tổ vay vốn do cán bộ đoàn thể quản lý, sau đó đưa ra xét trong hội đồng vay vốn tại xã, phường.
Bên cạnh đó, hàng năm, MTTQ thị xã có nguồn ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội để ưu tiên cho các tổ chức đoàn thể hỗ trợ cho hội viên, đoàn viên phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp.
“Ngoài nguồn vốn trên còn nguồn kinh tế sáng tạo từ Phòng Kinh tế. Các mô hình thanh niên lập nghiệp từ nông nghiệp kết hợp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất sẽ hỗ trợ các bạn từ nguồn này” - anh Duy thông tin.
Theo thống kê, thanh niên trên địa bàn thị xã vay vốn để phát triển sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm đa số, tuy nhiên vẫn có một số bạn chọn các ngành nghề kinh doanh, mua bán, tiểu thủ công nghiệp... nên thanh niên khởi nghiệp ở TX. Tân Châu khá đa dạng ngành nghề, tạo được phong trào làm kinh tế ngay tại địa phương.
Anh Duy cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, kinh tế của người dân, đặc biệt là các bạn thanh niên đang khởi nghiệp, phát triển kinh tế có vay vốn. Nắm được tình hình, Thị đoàn đề xuất ngân hàng xem xét giãn nợ trong thời gian tới, tạo điều kiện cho ĐVTN ổn định sản xuất.
Bạn Trần Thị Trúc Ly (thị trấn Phú Mỹ, Phú Tân) là một trong những thanh niên được Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh hỗ trợ vốn vay 50 triệu đồng, với lãi suất thấp để phát triển nghề làm bánh phồng truyền thống của địa phương. Được tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp, trả chậm trong 2 năm là cơ hội để nhiều thanh niên phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập.
Gia đình Trúc Ly đã gắn với nghề làm bánh phồng được khoảng 10 năm, nhưng chủ yếu làm thủ công, sản lượng bánh không nhiều. Trăn trở với cái khó của gia đình, Trúc Ly mạnh dạn đề xuất vay vốn với dự án “Nâng cao cơ sở sản xuất bánh phồng” của gia đình, bằng việc đầu tư thêm máy móc, cơ giới hóa các công đoạn làm bánh nhằm giải phóng sức lao động, tăng sản lượng bánh xuất ra thị trường.
Khi đầu tư máy cán, phải mua thêm chiếu làm bánh vì khi sử dụng máy cán bánh, chiếu làm sẽ nhỏ hơn, tính ra chi phí trên 100 triệu đồng. Giờ được nguồn vốn hỗ trợ 50 triệu đồng, phần nào giúp gia đình Trúc Ly trong việc xoay sở tìm nguồn đầu tư ban đầu.
“Bình thường, nếu làm thủ công, 1 ổ bánh phải mất từ 30-40 phút, khi làm máy chỉ mất từ 10-15 phút. Như vậy, khi đầu tư máy sẽ rút ngắn được thời gian làm bánh và đỡ cực hơn. Chưa hết, khi làm được nhiều sản phẩm sẽ kiếm thêm được nhiều mối ở các nơi khác, khi cơ sở được trang bị máy móc, làm ra được số lượng bánh lớn sẽ tạo thêm uy tín, năng lực cạnh tranh cao hơn” - Trúc Ly giải thích.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh Nguyễn Phượng Thư, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên thời gian qua trung tâm cố gắng duy trì hoạt động hỗ trợ vay vốn, tìm đầu ra cho sản phẩm xoài cát Hòa Lộc của bà con nông dân tại cửa hàng khởi nghiệp... Bên cạnh đó, triển khai các nội dung Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp năm 2020 về các địa phương để phát động phong trào khởi nghiệp trong năm nay.