Những ai được đào tạo bài bản về đổi mới sáng tạo (innovation) sẽ biết cách áp dụng các khái niệm, triết lý, công cụ innovation vào các hoàn cảnh công việc khác nhau.
Những ai được đào tạo bài bản về đổi mới sáng tạo (innovation) sẽ biết cách áp dụng các khái niệm, triết lý, công cụ innovation (lean startup – khởi nghiệp tinh gọn, business model canvas – Mô hình kinh doanh BMC,...) vào các ngữ cảnh công việc khác nhau.
Trước 2015, ở Việt Nam chưa xuất hiện thuật ngữ chuyên gia đổi mới sáng tạo (innovation expert); hay cố vấn/tư vấn đổi mới sáng tạo (innovation coach/consultant). Khi khởi nghiệp và xu hướng kinh doanh tinh gọn trở nên phổ biến, thuật ngữ này cũng được nhiều người biết hơn. Tuy nhiên, biết và hiểu đúng vai trò này lại khác nhau.
Tôi trực tiếp tham gia huấn luyện Innovation (đổi mới sáng tạo) cho các giảng viên đại học, cao đẳng nhiều nơi tại Việt Nam. Cảm giác luôn là niềm vui khi có cơ hội tiếp xúc, hướng dẫn, cùng thực địa với thầy cô cho dù thời gian làm việc với họ không nhiều. Do nguồn lực có hạn, các chương trình huấn luyện Innovation (đổi mới sáng tạo) cho giảng viên – gọi là chương trình TOT chỉ từ 3 - 7 ngày. Vì vậy, niềm vui, hứng khởi của học viên không kéo dài khi nhà trường quá kỳ vọng, mong họ trở thành người hướng dẫn các bộ môn liên quan Innovation cho sinh viên.
Về khách quan, nội dung các chương trình TOT ở Việt Nam là rất đầy đủ để hướng dẫn lại những kiến thức cơ bản cho sinh viên bởi đây là kiến thức chuẩn toàn cầu. Tuy nhiên, để hướng dẫn nâng cao năng lực Innovation thì được; còn hướng dẫn như một chuyên gia Innovation cho các em đi thi khởi nghiệp, lại là câu chuyện khác. Nhiều trường rất mong chờ thầy cô trở thành mentor/coach để huấn luyện/cố vấn/ươm tạo cho các nhóm dự án khởi nghiệp (hay gọi là startup) của sinh viên.
Khi phát triển sự nghiệp cá nhân theo hướng chuyên gia Innovation đúng nghĩa thì nên cẩn trọng để tránh mình rơi vào tình thế luôn hướng dẫn khách hàng/doanh nghiệp phải hiểu rõ đối tượng/phân khúc khách hàng mình phục vụ là ai? Ra sao?... Trong khi đó, chính mình lại bị áp lực phục vụ mọi đối tượng khách hàng
Áp lực cho thầy cô đến từ đây. Không ít thầy cô bị chất vấn: chưa kinh doanh cho bản thân mình thì làm sao hướng dẫn sinh viên (?!). Theo tôi, điều này không cần thiết vì kỳ vọng/yêu cầu đặt cho thầy cô chưa phù hợp. Nếu để thầy cô truyền đạt các kiến thức Innovation cho các sinh viên, giúp các em nâng cao năng suất lao động, tư duy giải quyết vấn đề, rất có thể, các em sinh viên sẽ mở ra cơ hội nghề nghiệp tốt hơn. Cơ hội nghề nghiệp, làm việc thực tế, va chạm cuộc sống quan trọng hơn 100 lần, 1.000 lần so với đi thi khởi nghiệp. Chưa nói đến, kinh nghiệm sống của thầy cô hoàn toàn có thể giúp họ trở thành những cố vấn đúng nghĩa.
Quan sát cá nhân, đa phần cộng đồng khởi nghiệp, chủ doanh nghiệp (nhỏ, siêu nhỏ) mạnh dạn đón nhận, ứng dụng Innovation vào ngữ cảnh kinh doanh của mình; cũng sẵn lòng phối hợp với những chuyên gia Innovation. Tuy nhiên, doanh nghiệp quy mô vừa đến lớn có vẻ không mặn mà – điều này không có gì ngạc nhiên. Ở đâu cũng vậy, sự thay đổi và hệ lụy của nó tại bối cảnh nhỏ luôn nhanh và gọn hơn; càng lớn, càng cồng kềnh, càng nhiều rủi ro, càng nhiều đắn đo. Sự đón nhận không đồng nghĩa sẵn sàng/có khả năng đầu tư chi phí đúng mực. Điều này cũng tương tự như thực tế, có nhiều nhu cầu tải ứng dụng về thiết bị di động thông minh, nhưng đăng ký trả phí theo mức kỳ vọng của người viết ứng dụng để sử dụng đầy đủ tính năng thì PHẢI COI LẠI.
Với doanh nghiệp là vậy, còn các cá nhân liệu có thể phát triển sự nghiệp của mình bằng công việc cố vấn/tư vấn/huấn luyện đổi mới sáng tạo? Câu trả lời là có thể, nhưng trong tương lai. Việc dấn thân theo đuổi con đường sự nghiệp này mang đầy rủi ro cho mô hình kinh doanh của chính cá nhân chuyên gia. Innovation có thể áp dụng cho doanh nghiệp ở các quy mô, giai đoạn, ngành nghề khác nhau hay không? Điều này đúng! Dù ở giai đoạn "ý tưởng và kiểm chứng", "tăng trưởng", "mở rộng" hay "phát triển bền vững", innovation đều có không gian rộng rãi để ứng dụng.
Vậy, các chuyên gia Innovation sẽ có khả năng tham vấn cho doanh nghiệp ở các giai đoạn khác nhau? Đó là điều trong mơ! Rất tiếc là dù được đào tạo, huấn luyện bài bản để hiểu lộ trình phát triển doanh nghiệp, thủ sẵn trong túi bộ công cụ (chân dung người dùng, hành trình khách hàng, mô hình kinh doanh ...) thì cũng sẽ không bao giờ đồng nghĩa với việc có thể hiểu rõ và có năng lực tham vấn cho mọi doanh nghiệp ở các ngữ cảnh khác nhau.
Hiện tại, con số chuyên gia Innovation có thể chủ động chỉ phát triển sự nghiệp, hay nói cách đơn giản hơn, sống bằng nghề này chỉ đếm trên đầu ngón tay ở Việt Nam. Trong khi đó, hằng năm, môi trường lại sản sinh thêm hàng trăm chuyên gia khác. Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận thực tế rằng nhu cầu cần cố vấn thì có và ngày càng cao nhưng khả năng chi trả là dấu hỏi lớn. Startup không có ngân sách, thường phải phụ thuộc vào tài trợ. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể đầu tư một ít ngân sách, nhưng vẫn cần nguồn lực hỗ trợ. Thị trường có nhu cầu và ngày càng cao - đúng! Nhưng khả năng chi trả là dấu hỏi lớn.
Có thể bạn quan tâm