Loạt doanh nghiệp lớn đã rót tiền mua lại trái phiếu trước hạn, tuy nhiên bất động sản vẫn là nhóm có giá trị đáo hạn lớn nhất năm 2025.
Theo tính toán của VNDirect, tổng giá trị trái phiếu bất động sản đáo hạn là hơn 130 nghìn tỷ đồng, chiếm 64% tổng giá trị đáo hạn năm 2025.
Cũng theo thống kê của đơn vị này, 43,4% trong số trái phiếu bất động sản sản tương đương 56 nghìn tỷ đồng là giá trị các trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã gia hạn kỳ hạn sẽ đến hạn. Nếu so với giá trị đáo hạn trong năm 2024, giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn của nhóm bất động sản tăng mạnh với mức tăng 113%.
Trong khi đó, MBS ước tính khoảng 177.300 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong năm 2025. Đáng chú ý, việc nghị định 08/2023/NĐ-CP quy định về việc giới hạn gia hạn trái phiếu tối đa 2 năm, sẽ dẫn đến khối lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn kể từ quý II/2025. Theo đó, áp lực đáo hạn sẽ gia tăng dần và đạt đỉnh vào quý III/2025 với lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn lên tới khoảng 70.000 tỷ đồng, gấp khoảng 1,6 lần so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng, dù khối lượng đáo hạn lớn nhưng nhóm doanh nghiệp bất động sản đang có khoản trái phiếu đến hạn ghi nhận một số tín hiệu lạc quan. Thị trường bất động sản đang trong bước đầu phục hồi khi nhiều dự án dần được tháo gỡ “nút thắt” pháp lý, tạo điều kiện cho việc tiếp tục xây dựng, bàn giao sản phẩm.
Theo VIS Rating, nguồn cung và cầu nhà ở được cho sẽ cải thiện trong năm 2025, thúc đẩy dòng tiền cũng như lợi nhuận của các công ty bất động sản, qua đó cải thiện hồ sơ tín nhiệm của các doanh nghiệp này, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thêm nguồn tiền để trả nợ trái phiếu.
Theo TS Nguyễn Duy Phương - Giám đốc đầu tư chiến lược của DG Capital, giai đoạn rủi ro nhất của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã qua, đặc biệt là khi các quy định pháp lý mới được áp dụng, giúp thị trường minh bạch, bền vững hơn. Mặt bằng lãi suất tiết kiệm ổn định ở mức 4 - 5%/năm cũng thúc đẩy dòng tiền từ nhà đầu tư chuyển dịch sang các kênh đầu tư có lợi suất cao hơn.
"Bên cạnh đó, nền kinh tế tăng trưởng tốt cũng sẽ kéo theo kỳ vọng về sự hồi phục trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, từ đó giúp cho chất lượng tài sản của các doanh nghiệp tốt hơn và là cơ sở để nhà đầu tư gia tăng niềm tin vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp", ông Phương cho biết.
Đáng chú ý, tín hiệu tích cực cũng đến từ việc loạt doanh nghiệp địa ốc đã tích cực mua lại trái phiếu trong cuối năm 2024. Đơn cử như ngày 25/12/2024, Công ty CP Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG) đã mua lại toàn bộ 500 tỷ đồng lô trái phiếu NLGH2229001 và 500 tỷ đồng lô trái phiếu NLGH2229002. Cả 2 lô trái phiếu trên đều được phát hành vào năm 2022, kỳ hạn 7 năm.
Tương tự, Tập đoàn Novaland (mã chứng khoán: NVL) công bố mua lại trước hạn 5 lô trái phiếu, gồm NVL2020-03-140, NVL2020-03-190, NVL2020-03-240, NVL2020-03-480 và NVL2020-03-500 với tổng giá trị mua lại là 1.550 tỷ đồng. Các lô trái phiếu trên phát hành hồi tháng 7-8/2020 với kỳ hạn 60 tháng, thời gian đáo hạn theo kế hoạch là tháng 7-8/2025.
Tính tổng chung 2024, khoảng 214.700 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được mua lại trước hạn.
Theo đánh giá của TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, năm 2025, Chính phủ quyết tâm tăng trưởng cao 8%, chắc sẽ tìm cách vực dậy thị trường bất động sản, giúp thị trường tăng trưởng, thậm chí bứt phá. Nhưng đó vẫn chỉ là hi vọng, thị trường hồi phục đến đâu là một chuyện khác. Theo vị chuyên gia, giá nhà đất quá cao, trong khi thu nhập bình quân của người dân Việt Nam chỉ 4.700 USD/năm, rất khó để thị trường có sự hồi phục nhanh chóng.
Ở một góc nhìn lạc quan hơn, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế cho rằng, áp lực trái phiếu trong năm 2025 không phải là mối lo lớn. Tình trạng vỡ nợ là khó có thể xảy ra. Ông nhận định rằng thị trường bất động sản đang có dấu hiệu phục hồi tích cực. Các doanh nghiệp nếu có chiến lược tài chính vững mạnh và giảm giá sản phẩm khoảng 10%, có thể dễ dàng thu hồi vốn và bán được sản phẩm, thay vì giảm giá sâu ở mức 40-50% như trước đây.
Nhiều doanh nghiệp lớn, có chiến lược tài chính vững mạnh, cũng đã bắt đầu chuyển hướng để thích ứng với tình hình mới. Các giải pháp tái cấu trúc nợ, giảm giá bán và mở rộng các phân khúc bất động sản phù hợp với nhu cầu của thị trường là những chiến lược họ đang thực hiện để cải thiện thanh khoản và tránh nguy cơ vỡ nợ.