Chính sách thuế quan của tân Tổng thống Mỹ, không phân biệt đồng minh hay đối thủ, được cho sẽ mang lại những rủi ro đáng kể cho nước Mỹ.
Cho tới trước khi các mức thuế quan áp lên 2 nước láng giềng của Mỹ, phần lớn giới đầu tư và chuyên gia cho rằng đây chỉ là cách để ông Trump đe dọa nhằm đạt được các mục tiêu đàm phán tốt hơn. Nhưng mức thuế gần như toàn diện 25% đối với Canada và Mexico cho thấy một cách tiếp cận khác của lãnh đạo Mỹ với việc chấp nhận nhiều rủi ro đáng kể đi kèm.
Khác biệt quan trọng so với nhiệm kỳ đầu tiên, lần này ông Trump đánh vào cả đồng minh, với mức thuế ước tính 1,4 nghìn tỷ USD hàng nhập khẩu hàng năm. Thuế quan trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump chủ yếu nhắm vào Trung Quốc, với 380 tỷ USD hàng nhập khẩu hàng năm bị áp thuế.
Theo các chuyên gia, việc ông Trump vẫn tiến hành biện pháp này cho thấy sự quyết tâm “viết lại hoàn toàn” nền tảng của các mối quan hệ kinh tế Hoa Kỳ, dựa trên suy nghĩ nước Mỹ lâu nay đã bị các nước khác "lợi dụng".
Tuy nhiên, kể cả với suy nghĩ đó, cho tới nay các mục tiêu rõ ràng về kinh tế, chính trị hay chiến lược của ông Donald Trump vẫn bị đánh giá là mù mờ.
“Có thể sẽ có một số đau đớn? Có thể có (hoặc có thể không!). Nhưng chúng ta sẽ làm nước Mỹ vĩ đại trở lại, và điều đó hoàn toàn xứng đáng với cái giá phải trả,” ông Trump viết trên mạng xã hội.
Ông Trump lý giải thuế quan bổ sung đối với Trung Quốc là một cách để ngăn chặn dòng chảy fentanyl và người nhập cư bất hợp pháp. Trong khi đó, thuế quan lên Canada và Mexico vừa là một nguồn thu và công cụ bảo hộ, mà còn là một hình thức ngoại giao tài chính, có thể buộc Canada phải chấp nhận sáp nhập vào Mỹ và Đan Mạch phải từ bỏ Greenland. Nhưng các mục tiêu đó đều không đủ thuyết phục.
Điều rõ ràng nhất, theo các nhà quan sát, là quan điểm rằng Hoa Kỳ phát triển nhờ vào hợp tác và hội nhập với các đồng minh và láng giềng kể từ sau thế chiến II đã không còn. Nước Mỹ dưới thời ông Trump đang theo đuổi một cuộc chiến thương mại liên tục mà người chiến thắng sẽ là người có thể gây ra và chịu đựng được nhiều tổn thất kinh tế nhất.
Trong khi hiệu quả vẫn chưa rõ ràng, tác động tiêu cực đối với các nền kinh tế đã bắt đầu lộ diện. Vào thứ Sáu tuần trước, lo ngại về thuế quan đã khiến thị trường chứng khoán toàn cầu giảm mạnh và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, do các nhà đầu tư dự đoán thuế quan sẽ gây ra lạm phát đình trệ: làm chậm tăng trưởng và đẩy giá cả lên cao.
Goldman Sachs ước tính thuế quan với Canada và Mexico, nếu kéo dài, sẽ làm tăng 0,7% giá tiêu dùng và giảm 0,4% tăng trưởng kinh tế của Mỹ. Deutsche Bank từng ước tính một mức thuế 25% đối với Mexico sẽ làm giá xe mới tại Mỹ tăng 1.300 USD và giảm doanh số hàng năm 3 triệu chiếc.
Các chuyên gia quốc tế cho rằng ông Trump dường như đặt cược rằng Mexico và Canada có quá nhiều thứ để mất nếu để chiến tranh thương mại leo thang hoặc quan hệ ngoại giao và an ninh, chẳng hạn như vấn đề biên giới phía Nam, bị ảnh hưởng.
Nhưng Michael Froman, cựu Đại diện Thương mại Hoa Kỳ dưới thời Obama, cho rằng sự ép buộc này không làm các nước xích lại gần Mỹ hơn mà ngược lại. “Chính sách đó của ông Trump có thể sẽ tạo ra chủ nghĩa dân tộc,” ông nói.
Một cuộc thăm dò của BGC Ulises Beltrán y Asociados cho thấy 70% người Mexico ủng hộ lập trường của Tổng thống Claudia Sheinbaum đối với ông Trump.
Tại Canada, dù Thủ tướng Trudeau đang yếu thế và có thể thua trong cuộc bầu cử sắp tới, nhưng các đảng lớn đều đồng thuận trả đũa. Gần đây, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã kêu gọi người dân mua sản phẩm sản xuất trong nước và du lịch trong nước để hạn chế tác động của thuế quan.
Hoa Kỳ nhập phần lớn kali, một nguyên liệu quan trọng cho phân bón, từ Canada. Công ty khai khoáng BHP của Australia dự kiến bắt đầu khai thác kali ở Saskatchewan vào năm tới. Nếu xuất khẩu sang Mỹ không còn có lợi vì thuế quan, họ có thể tìm đến các thị trường khác như Brazil, theo Ragnar Udd, Giám đốc thương mại của công ty. Khi đó, Mỹ có thể phải nhập khẩu từ Nga và Belarus, hai nhà sản xuất lớn khác.