Nghiên cứu - Trao đổi

Áp thuế VAT 5% với phân bón: Người dân đang hưởng lợi ở “câu từ”

Nguyễn Giang 25/11/2024 11:05

Chuyên gia cho rằng, việc phân bón không nằm trong nhóm chịu thuế VAT tưởng như người nông dân được hưởng lợi, nhưng ngược lại họ chỉ được hưởng lợi ở “câu từ”…

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, từ khi thực hiện Luật số 71/2014/QH13 (Luật số 71) đến nay, so với những năm còn áp dụng thuế giá trị gia tăng 5% đối với phân bón, giá thành các loại phân bón đã tăng từ 5,2% - 7,8% tuỳ loại.

Các doanh nghiệp sản xuất phân bón cũng cho biết, từ khi Luật số 71 có hiệu lực, hầu hết máy móc thiết bị sản xuất phân bón nhập khẩu đều chịu thuế VAT đầu vào. Số thuế này không được hoàn, mà tính vào tổng mức đầu tư, làm tăng tổng mức đầu tư, giảm hiệu quả của các dự án đầu tư sản xuất phục vụ nông nghiệp.

Đánh giá về việc này, nhiều chuyên gia cho rằng, về bản chất chi phí thuế vẫn phải cộng vào giá bán để bán cho người tiêu dùng, vô hình trung người nông dân phải chịu thiệt khi vẫn đang chịu thuế này. Đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước dường như bị phân biệt đối xử so với các mặt hàng thông thường khác và gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.

Nhìn xa hơn nữa, việc không được hoàn thuế đầu vào đối với mặt hàng phân bón còn không khuyến khích được việc đầu tư đặc biệt là vào các dự án quy mô lớn, hàm lượng khoa học kỹ thuật cao... mang đến sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng, phục vụ ngành nông nghiệp.

Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phụng - nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) xung quanh vấn đề này.

ap-thue-vat-5-voi-phan-bon-dung-de-nguoi-dan-chi-huong-loi-o-cau-tu-1.jpg
Ông Nguyễn Văn Phụng - nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) trong một sự kiện. Ảnh: NVCC

Thưa ông, vừa qua Hiệp hội phân bón Việt Nam đã có kiến nghị sửa Luật 71/2014/QH13 (phần liên quan đến mặt hàng phân bón), trong đó chuyển phân bón sang mặt hàng chịu thuế VAT 5%. Các doanh nghiệp cho rằng, việc phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT đã gây ra rất nhiều bất cập. Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này?

Từ 10 năm trước, nhiều người cho rằng, thức ăn chăn nuôi, phân bón không phải nộp thuế sẽ tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp; đồng thời tạo điều kiện cho nông dân được mua phân bón, thức ăn chăn nuôi giá rẻ, tăng sức cạnh tranh của hàng nông sản khi xuất khẩu, cải thiện đời sống nông dân...

Thực tế, thuế VAT có tính chất liên hoàn, số thuế VAT phải nộp bằng số thuế đầu ra trừ số thuế đầu vào. Nói một cách dễ hiểu, doanh nghiệp nộp thuế GTGT ở đầu ra được khấu trừ thuế VAT đã nộp ở đầu vào. Còn nếu thuộc đối tượng không chịu thuế thì doanh nghiệp không phải nộp thuế ở đầu ra, nhưng đầu vào mua nguyên liệu để sản xuất phải nộp thuế VAT 5% hoặc 10% thì không được khấu trừ.

Như vậy, doanh nghiệp, nông dân vẫn phải mua đầu vào với giá đắt hơn, do không được khấu trừ thuế. Về phía Nhà nước sẽ mất khoản thu thuế nhập khẩu từ doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực phân bón. Trong khi đó, theo thỏa thuận WTO, Việt Nam không phân biệt hàng nội và hàng ngoại. Phân bón nhập khẩu không chịu thuế nên doanh nghiệp nước ngoài luôn có lợi thế so sánh với doanh nghiệp nội về không chịu thuế, về chi phí thấp hơn và Nhà nước bị thất thu một khoản tiền lẽ ra phải thu được nếu duy trì thuế VAT 5%.

Nhiều đại biểu Quốc hội cùng các chuyên gia đều cho rằng, nội dung Chính phủ đề nghị sửa đổi đưa phân bón trở về chịu thuế GTGT 5% là hợp lý nhất. Quan điểm của ông thì sao?

Hiện có 2 luồng quan điểm về thuế GTGT áp dụng với phân bón. Một là đồng thuận với phương án chuyển về quy định ban đầu tại Luật thuế GTGT năm 2008 là áp dụng thuế suất 5% đối với mặt hàng phân bón. Hai là giữ nguyên quy định hiện hành, phân bón thuộc diện không chịu thuế GTGT. Quá trình thực hiện Luật số 71 từ năm 2015 đến nay, thực tiễn vận động của nền kinh tế đã có tác động bất lợi đối với cả ngành nông nghiệp và công nghiệp sản xuất phân bón trong nước, dẫn tới không đạt được kỳ vọng như mục tiêu ban đầu do nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, ngân sách Nhà nước (NSNN) đã mất đi số thu thuế GTGT khâu nhập khẩu (ước tính mỗi năm mất thu khoảng trên 1.000 tỷ đồng) do phân bón nhập khẩu áp dụng thống nhất như hàng sản xuất trong nước theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); thứ hai, giá bán phân bón trong nước bị tăng lên (hiệu ứng tác động đẩy giá) do toàn bộ số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ buộc doanh nghiệp phải hạch toán vào giá thành và đẩy giá bán tăng lên. Theo báo cáo của Hiệp hội Phân bón, sau khi Luật 71/2014 có hiệu lực, giá thành phân đạm trong nước tăng 7,2 - 7,6%; phân DAP tăng 7,3 - 7,8%, phân supe lân tăng 6,5 - 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng 5,2 - 6,1%

Thứ ba, gắn liền với việc mất thu ngân sách Nhà nước khâu nhập khẩu, còn tạo ra nhiều khó khăn cho ngành công nghiệp sản xuất phân bón trong nước bởi phân bón nhập khẩu không chịu thuế GTGT mà còn được nước xuất khẩu hoàn lại thuế (ví dụ Trung Quốc 17%, Nga 22%).

Nhiều phản ánh cho thấy, phân bón được chuyển sang diện không chịu thuế GTGT, Việt Nam bị thua thiệt cả ba nhà: Nhà nước bị mất thu ngân sách nhà nước mà vẫn không thể thực hiện được cơ chế hỗ trợ hợp pháp cho nông nghiệp để giảm giá bán trong nước khi giá phân bón thế giới tăng. Nhà nông không được hưởng lợi giảm giá, giảm chi phí đầu vào dù giá phân bón tăng hay giảm do doanh nghiệp phải hạch toán thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ đưa vào giá thành, cộng vào giá bán để bảo toàn vốn. Nhà sản xuất phân bón trong nước luôn bị yếu thế trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu trong cả 2 trường hợp phân bón thế giới tăng và giảm.

Do quy định phân bón không thuộc diện chịu thuế GTGT, nhiều trường hợp các doanh nghiệp phân bón vừa thực hiện xuất khẩu (để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của lô hàng xuất khẩu theo quy định); đồng thời vừa phải nhập phân bón từ nước ngoài. Điều này sẽ tiếp tục xảy ra trong thời gian tới nếu như tiếp tục duy trì quy định hiện hành về thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón có thể dẫn tới tiềm ẩn rủi ro trong quản lý vĩ mô.

Quy định mặt hàng phân bón không chịu thuế GTGT, không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào được thực hiện đúng vào giai đoạn ngành phân bón thế giới rơi vào tình trạng cung vượt cầu, giá trên thị trường thế giới giảm mạnh làm cho doanh nghiệp sản xuất trong nước rất khó cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.

Theo Hiệp hội Phân bón, giai đoạn 2015 - 2020 cả 10 doanh nghiệp sản xuất phân bón đều có giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng âm, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng âm, riêng 4 doanh nghiệp thuộc Đề án 168 lỗ trầm trọng (tăng lỗ bình quân 37,7%/năm, có doanh nghiệp nguy cơ phá sản.

ap-thue-vat-5-voi-phan-bon-dung-de-nguoi-dan-chi-huong-loi-o-cau-tu-2.jpg
Việc phân bón không nằm trong nhóm chịu thuế VAT tưởng như người nông dân được hưởng lợi, nhưng ngược lại họ chỉ được hưởng lợi ở “câu từ”. Ảnh minh hoạ

Thưa ông, khi áp dụng thuế VAT 5%, giá phân bón sẽ giảm và người nông dân được hưởng lợi?

Khi áp thuế GTGT 5%, về nguyên tắc, mọi người sẽ nghĩ rằng áp thuế gây tăng giá nhưng thực tế không phải. Khi áp thuế GTGT 5%, phần thuế đầu vào của doanh nghiệp (thường là 10%) sẽ được khấu trừ. Lúc này, chi phí sản xuất của doanh nghiệp sẽ giảm xuống và theo quy luật cạnh tranh thị trường, doanh nghiệp có điều kiện để hạ giá thành sản phẩm để tăng tính cạnh tranh nhất có thể.

Đồng thời, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cùng với Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) và Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cần tăng cường giám sát để các doanh nghiệp phân bón trong nước không tăng mà có thể giảm giá khi bắt đầu áp dụng Luật Thuế GTGT mới. Đối với doanh nghiệp nhập khẩu, họ sẽ phải giảm lợi nhuận chứ không thể cộng 5% vào giá bán vì mặt bằng giá lúc này đã ổn định hoặc sẽ giảm sau đó.

Như vậy, sản phẩm trong nước được nâng cao vị thế cạnh tranh và đảm bảo cạnh tranh bình đẳng với phân bón nước ngoài. Và rõ ràng khi áp thuế GTGT 5%, nông nghiệp, nông dân được hưởng lợi vì giá cả bình ổn và chắc chắn sẽ giảm nếu xét trong cùng một điều kiện, thời điểm.

Dự kiến ngày 26/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Thuế GTGT. Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) lần này là sửa đồng bộ cả khấu trừ thuế và hoàn thuế. Vì vậy áp thuế GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón có lợi hơn là không trừ thuế.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Áp thuế VAT 5% với phân bón: Người dân đang hưởng lợi ở “câu từ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO