Hội đồng tư vấn doanh nghiệp ASEAN (ASEAN BAC) đã thúc đẩy 12 sáng kiến chiến lược hướng tới một cộng đồng kinh tế ASEAN vững mạnh và sẵn sàng cho tương lai.
Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 diễn ra tại Kuala Lumpur, Malaysia, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh đã tham dự phiên Đối thoại giữa Lãnh đạo ASEAN và Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC).
Tại phiên họp, hội đồng đã trình bày 12 sáng kiến ưu tiên và tất cả đều được các nguyên thủ quốc gia trong khu vực đón nhận tích cực.
Với chủ đề "Thống nhất các thị trường vì thịnh vượng chung", Chủ tịch ASEAN BAC Việt Nam đã cùng các đại biểu tích cực đóng góp vào các thảo luận quan trọng, qua đó thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực và tăng cường vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập ASEAN.
Bên cạnh đó, Hội đồng đã đề xuất các trọng tâm ưu tiên gồm: Tăng cường thương mại và đầu tư nội khối, nâng cao tích hợp kết nối kinh tế, xây dựng tương lai bao trùm và bền vững, và xây dựng một ASEAN tự cường số.
Nhấn mạnh sự cần thiết của hội nhập kinh tế sâu rộng, phát triển bền vững và chuyển đổi số toàn diện, ASEAN‑BAC đưa ra nhiều sáng kiến cụ thể như xây dựng Thực thể Doanh nghiệp ASEAN nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động xuyên biên giới, sớm hình thành Thị trường vốn tư nhân ASEAN, Khung thị trường carbon chung, phát triển chiến lược thúc đẩy lưu chuyển nhân tài trẻ, và xây dựng nền tảng số nhằm đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian và chi phí giao dịch, mở ra kỳ vọng tăng GDP ASEAN thêm 5,5 tỷ USD nhờ số hóa thương mại.
Để hỗ trợ phát triển thị trường vốn, ASEAN-BAC cũng đề xuất ASEAN IPO Prospectus, một mẫu chuẩn cho các đợt IPO trên toàn khu vực.
Các sáng kiến văn hóa và xã hội cũng nằm trong chương trình nghị sự, bao gồm Bản sắc ASEAN — Đại hội Thể thao ASEAN nhằm thúc đẩy sự đoàn kết khu vực, và Khung Thiện nguyện Doanh nghiệp ASEAN nhằm khuyến khích thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
Tập thể Hòa nhập ASEAN (ASEAN Inclusivity Collective - AIC) tập trung thúc đẩy đa dạng và công bằng, trong khi Nhóm Hợp tác Vận động Báo cáo Phát triển Bền vững ASEAN (ASEAN Sustainability Reporting Advocacy Collaborative - ASRAC) thúc đẩy công bố thông tin tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Cuối cùng, các Nền tảng Hợp tác Trí tuệ Nhân tạo (AI) Khu vực và Quốc gia nhằm tăng cường hợp tác về AI và đổi mới số. Các sáng kiến này thể hiện cam kết của ASEAN-BAC trong việc xây dựng một cộng đồng kinh tế ASEAN vững mạnh hơn, thích ứng tốt hơn với tương lai.
Theo ông Mohamed Nazir, Chủ tịch ASEAN-BAC của Malaysia đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư, cũng như giữa các doanh nghiệp trong các quốc gia thành viên ASEAN.
“Trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay, chúng ta cần phải cùng nhau hành động - khu vực công và tư, và cả khu vực tư giữa các nước với nhau. Tất cả chúng ta cần hợp tác, và nỗ lực hơn nữa để hợp tác, vì chúng ta có thể làm được nhiều điều hơn khi cùng nhau hành động”, ông nói thêm.
Ông Mohamed Nazir cho biết cộng đồng doanh nghiệp đã sẵn sàng đáp lại lời kêu gọi từ các nhà lãnh đạo về việc tăng cường hợp tác, nhưng lưu ý rằng một số điều chỉnh chính sách sẽ giúp thúc đẩy các sáng kiến từ khu vực tư nhân.
“Chúng tôi lắng nghe những gì chính phủ và các nhà lãnh đạo nói, và chúng tôi muốn thực hiện điều đó,” ông Nazir nhấn mạnh.
Các nhà lãnh đạo ASEAN BAC cũng khuyến khích các doanh nghiệp trong khu vực tập trung khai thác các cơ hội nội khối ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh rủi ro từ bên ngoài ngày càng gia tăng.
Hoan nghênh và đánh giá cao các đề xuất có tính khả thi cao của ASEAN‑BAC, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ hy vọng những sáng kiến này sẽ góp phần hiện thực hóa một ASEAN "Bao trùm và Bền vững". Nhìn lại chặng đường 10 năm xây dựng Cộng đồng ASEAN, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh cộng đồng doanh nghiệp là động lực tiên phong cho đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng và tăng cường kết nối kinh tế khu vực.
Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng ASEAN‑BAC tiếp tục là tiếng nói mạnh mẽ của khối kinh tế tư nhân để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh khu vực, tăng cường kết nối chuỗi cung ứng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, góp phần hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2045.
Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, cả trong thương mại, đầu tư nội khối và với các đối tác bên ngoài, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, nhất là về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tăng cường kết nối chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, bảo đảm sự tự chủ chiến lược về kinh tế của ASEAN, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong kỷ nguyên mới trên cơ sở tăng cường hợp tác giữa ba nhà "nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà trường".
Thủ tướng Chính phủ khẳng định doanh nghiệp là "trái tim" của tăng trưởng ASEAN và cam kết Chính phủ Việt Nam kiến tạo "thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh" để cùng với các Chính phủ và doanh nghiệp các nước thành viên đưa ASEAN trở thành một thực thể kinh tế năng động, tự cường, bao trùm và bền vững, sẵn sàng thích ứng với mọi biến động toàn cầu.