ASEAN đa dạng hóa đối tác để ứng phó thuế quan từ Mỹ
Cẩm Anh•27/05/2025 11:08
Theo các chuyên gia, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 46 có thể chứng kiến các bước tiến trong việc hợp tác giữa khối với các cường quốc khác.
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 46 có thể chứng kiến các bước tiến trong việc hợp tác giữa khối với các cường quốc như Trung Quốc và các quốc gia vùng Vịnh.
Thương mại giữa các thành viên ASEAN, cũng như với đối tác kinh tế hàng đầu của khối là Trung Quốc có thể sẽ tăng mạnh hơn trong thời gian tới, khi khối này thúc đẩy những bước đi mạnh mẽ hơn nhằm tránh nguy cơ bị áp thuế cao từ Hoa Kỳ.
ASEAN đã hoàn tất đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) và Khu vực Mậu dịch Tự do Trung Quốc – ASEAN (ACFTA). Các thỏa thuận nâng cấp dự kiến sẽ được ký kết vào tháng 10 tới, theo lời Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia Tengku Zafrul Abdul Aziz phát biểu trước báo chí trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46.
“Chúng tôi vẫn tin tưởng rằng các cột mốc này sẽ trở thành yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng bền vững và năng lực cạnh tranh của ASEAN. Việc đàm phán thành công các hiệp định này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho ASEAN trong bối cảnh chúng ta đang đối mặt với một môi trường kinh tế toàn cầu ngày càng biến động", ông Tengku Zafrul nói.
Là Chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm nay, Malaysia đã kêu gọi khối này đa dạng hóa đối tác thương mại nhằm đối phó với thuế quan từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Bên cạnh đó, ông Tengku Zafrul cảnh báo: “ASEAN cần từ bỏ tư duy kinh doanh kiểu cũ. Chúng ta cần áp dụng các chiến lược mạnh mẽ hơn, linh hoạt hơn và mang tầm nhìn dài hạn hơn. Chúng ta cần bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích kinh tế - xã hội của ASEAN”.
ASEAN cũng tái khẳng định cam kết duy trì các nguyên tắc chủ nghĩa đa phương và trật tự thương mại toàn cầu dựa trên luật lệ, đồng thời vẫn giữ lập trường không trả đũa trước các mức thuế của Mỹ.
Ông Tengku Zafrul cũng nhấn mạnh rằng mỗi quốc gia thành viên ASEAN là một “quốc gia có chủ quyền” và cần được ủng hộ trong việc theo đuổi các cuộc đàm phán song phương về thuế quan với Hoa Kỳ.
Hiện nay, ASEAN cũng đang hướng tới việc cải thiện thương mại nội khối. Trên thực tế, thương mại giữa các nước ASEAN hiện chỉ chiếm khoảng 23% tổng kim ngạch thương mại của khối.
Theo ông Tengku Zafrul, vẫn còn rất nhiều dư địa để cải thiện thương mại nội khối ASEAN. "Khi nhìn sang các khối kinh tế khác, họ có tỷ lệ thương mại nội khối cao hơn nhiều so với ASEAN hiện nay", ông nhận định.
Tại cấp độ nội khối, Malaysia được kỳ vọng sẽ kêu gọi các nước thành viên đẩy nhanh hội nhập kinh tế khu vực, loại bỏ hành vi bảo hộ và cam kết “xóa bỏ mạnh mẽ” các rào cản phi thuế quan.
Malaysia cũng dự kiến sẽ thúc đẩy đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đẩy nhanh thực thi RCEP, và Hiệp định Khung Kinh tế số ASEAN (DEFA) như một đối trọng số với các nền kinh tế lớn.
Mặt khác, các nước ASEAN cũng kỳ vọng sẽ hoàn tất đàm phán về DEFA, được coi là hiệp định thương mại số khu vực đầu tiên vào cuối năm 2025. Hiệp định nhằm mục tiêu biến ASEAN thành một nền kinh tế số hàng đầu, thông qua tích hợp số sâu rộng hơn và tăng trưởng bao trùm.
Về dài hạn, ông Abdul Rahman Yaacob, nhà nghiên cứu tại chương trình Đông Nam Á của viện nghiên cứu Lowy (Australia) dự báo ASEAN sẽ có xu hướng giảm phụ thuộc vào Mỹ trong lĩnh vực thương mại, đồng thời mở rộng hợp tác với các đối tác khác để giảm bớt cú sốc từ một nước Mỹ khó đoán định.
“Việc tăng cường hợp tác với Trung Quốc, Nga hay các khối khác như GCC sẽ giúp ASEAN không muốn lệ thuộc vào một cường quốc nào, mà có thể mở rộng kết nối với nhiều đối tác nhất có thể,” chuyên gia này lưu ý.
Hội nghị Bộ trưởng RCEP giữa kỳ lần thứ 8 tại Bắc Kinh vào ngày 3/8/2019. Ảnh: CNA/Chan Chun Sing
ATIGA hướng tới việc tạo điều kiện lưu thông hàng hóa tự do giữa các quốc gia thành viên ASEAN, qua đó giảm chi phí kinh doanh, tăng cường thương mại, mở rộng thị trường và đạt được hiệu quả quy mô lớn hơn cho các doanh nghiệp.
Bản nâng cấp của hiệp định này nhắm tới việc tiếp tục cắt giảm thuế quan và loại bỏ các rào cản phi thuế quan giữa các quốc gia thành viên. "Hiệp định này sẽ bao gồm những quy định mang tính tiên phong và có ý nghĩa thương mại, nhằm thúc đẩy hơn nữa thương mại khu vực, tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, và làm sâu sắc thêm sự hội nhập kinh tế trong nội khối ASEAN,” ông Tengku Zafrul cho biết.
Singapore, nước chủ trì quá trình đàm phán nâng cấp ATIGA tuyên bố sẽ tiếp tục hợp tác với các thành viên khác của ASEAN và các đối tác toàn cầu để đảm bảo tăng trưởng dài hạn, khả năng cạnh tranh và thịnh vượng chung của khối.
Ngoài Trung Quốc và các nước vùng Vịnh, các chuyên gia cho rằng với vai trò Chủ tịch ASEAN, Malaysia có thể đề xuất mở rộng RCEP để kết nạp thêm các đối tác thương mại lớn của ASEAN như Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu.
Chuyên gia này cũng cho rằng ASEAN nên tìm cách đa dạng hóa thương mại ra ngoài khu vực, bao gồm cả các quốc gia ở Mỹ Latin.
“Thương mại luôn là huyết mạch sống còn của ASEAN, vì vậy tôi cho rằng Nhóm Công tác Địa kinh tế của ASEAN sẽ báo cáo sơ bộ cho các lãnh đạo về tiến độ và kế hoạch sắp tới,” bà Sharon Seah, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), nhấn mạnh.
Bên cạnh RCEP, bà Seah cho rằng cần “tư duy vượt khuôn khổ” để xem liệu các hiệp định thương mại khác như CPTPP có thể hưởng lợi từ việc kết nạp thêm các quốc gia đang muốn gia nhập như Trung Quốc, Uruguay, Costa Rica và Ecuador.
Đồng thời, ASEAN có thể khởi xướng mạng lưới tăng cường khả năng chống chịu chuỗi cung ứng cùng các đối tác thương mại quan trọng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU.
90% doanh nghiệp trong ASEAN là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), họ là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây cũng là những đối tượng dễ tổn thương nhất trong bất kỳ sự gián đoạn nào vì quy mô nhỏ và thiếu năng lực thích ứng.
“ASEAN có thể cân nhắc lập một nhóm chuyên trách về SME trong Nhóm Công tác Địa kinh tế để hỗ trợ các doanh nghiệp tồn tại trong chiến tranh thương mại", bà Seah gợi ý.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.