Nhiều nền kinh tế trong khối ASEAN đang dự đoán tăng trưởng cả năm yếu hơn dự kiến.
Năm trong sáu nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á ghi nhận tăng trưởng chậm lại trong quý I/2025, cho thấy đà phục hồi kinh tế đã bắt đầu suy yếu ngay cả trước khi các mức thuế mới của Mỹ được áp dụng.
Các nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Malaysia, Singapore và Thái Lan hiện đang chuẩn bị cho khả năng tăng trưởng cả năm yếu hơn kỳ vọng, phản ánh tác động từ những bất ổn toàn cầu đang đè nặng lên hoạt động xuất khẩu và nền kinh tế trong nước nói chung, bao gồm cả các quyết định đầu tư của doanh nghiệp.
Theo dữ liệu được Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia Thái Lan (NESDC) công bố hôm thứ Hai, GDP của Thái Lan trong quý I tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, giảm so với mức tăng đã điều chỉnh là 3,3% của quý trước đó.
Xuất khẩu trong quý I tăng 12,3% so với mức 11,5% trong quý IV năm 2024. Tuy nhiên, chi tiêu chính phủ và tiêu dùng tư nhân yếu kém đã kéo giảm tốc độ tăng trưởng tổng thể của Thái Lan.
Thái Lan đang chịu ảnh hưởng từ mức nợ hộ gia đình cao, làm suy giảm sức mua, đặc biệt là trong lĩnh vực ô tô.
“Chi tiêu cho hàng hóa lâu bền giảm 1,4%, nối tiếp mức giảm 9,5% của quý trước, trong đó doanh số mua xe giảm 2,0%, so với mức giảm 21,2% trong quý trước,” NESDC cho biết trong một thông báo gần đây.
Bốn quốc gia láng giềng đã công bố số liệu GDP quý I cũng cho thấy đà tăng trưởng chậm lại, bao gồm cả nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á là Indonesia. Nước này ghi nhận mức tăng trưởng 4,87% trong quý I, so với 5,02% của quý trước, là mức tăng trưởng yếu nhất kể từ quý III năm 2021.
Tăng trưởng GDP quý I của Malaysia đạt 4,4%, Singapore đạt 3,8% theo số liệu sơ bộ, và Việt Nam đạt 6,93%, đều giảm so với các mức 4,9%, 5% và 7,55% trong quý IV năm ngoái.
Bên cạnh đó, Philippines cũng là 1 ngoại lệ, với mức tăng trưởng 5,4% trong quý I, nhỉnh hơn mức 5,3% của quý trước đó, nhờ chính sách cắt giảm lãi suất và lạm phát thấp.
Đà suy giảm tăng trưởng kinh tế xuất hiện trong bối cảnh các nền kinh tế Đông Nam Á, vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, được dự báo sẽ đối mặt với nhiều lực cản trong năm nay do các mức thuế toàn diện từ Tổng thống Donald Trump, có thể làm giảm mạnh lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ.
Sự giảm tốc của Trung Quốc do những tác động của căng thẳng thương mại với Mỹ cũng có thể ảnh hưởng tới Đông Nam Á, vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều quốc gia trong khu vực.
“Trong ngắn hạn, xuất khẩu có thể được thúc đẩy khi các doanh nghiệp tranh thủ đẩy mạnh giao hàng sang Mỹ trước khi các mức thuế theo ngành hàng, đặc biệt là với điện tử, được áp dụng. Tuy nhiên, với đà tăng trưởng của cả Trung Quốc và Mỹ dự kiến chậm lại, chúng tôi cho rằng xuất khẩu sẽ yếu đi vào cuối năm nay", ông Gareth Leather, chuyên gia kinh tế cấp cao khu vực châu Á của Capital Economics nhận định.
Chính quyền Trump đã giảm mức thuế chung xuống 10% trong vòng 90 ngày để các quốc gia có thể đàm phán giảm thuế, nhưng một số nước Đông Nam Á đã bắt đầu điều chỉnh lại dự báo tăng trưởng năm 2025.
Tháng trước, Singapore đã hạ dự báo tăng trưởng cả năm xuống còn từ 0% đến 2%, so với mức trước đó là từ 1% đến 3%, do lo ngại về sự bất ổn trong thương mại bắt nguồn từ thuế quan của Mỹ.
Nikkei Asia trích lời ông Gan Kim Yong, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore, cho biết rằng tình hình bất ổn trong thương mại đã khiến các doanh nghiệp trì hoãn kế hoạch đầu tư. “Sự chậm lại trong đầu tư cũng sẽ dẫn đến sự chậm lại của kinh tế toàn cầu và kinh tế trong nước,” ông nói thêm.
Trong khi đó, ngân hàng trung ương Malaysia cũng cho biết tốc độ tăng trưởng năm nay sẽ thấp hơn một chút so với mức dự báo trước đó là từ 4,5% đến 5,5%.
Mặt khác, NESDC cho biết tăng trưởng cả năm của Thái Lan sẽ chỉ đạt từ 1,3% đến 2,3%, thấp hơn so với dự báo trước đó là từ 2,3% đến 3,3%.
“Đà tăng trưởng kinh tế tiếp tục bị kìm hãm bởi gánh nặng nợ cao của các hộ gia đình và doanh nghiệp, cùng với các biện pháp bảo hộ thương mại. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế còn có rủi ro giảm sâu hơn do biến động trong lĩnh vực nông nghiệp,” NESDC nêu rõ.
Các nhà kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng mức thuế mới của Mỹ sẽ làm giảm mạnh xuất khẩu của Thái Lan, khiến kinh tế nước này hoạt động yếu kém trong quý II/2025.
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Kasikorn đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Thái Lan năm nay xuống còn 1,4%, so với mức 2,4% trước đó, và so với mức tăng 2,5% trong cả năm 2024. “Từ quý II trở đi, các nền kinh tế ASEAN có thể sẽ chứng kiến tăng trưởng chậm lại,” nhóm chuyên gia phân tích của trung tâm Kasikorn nhận định.
Ngân hàng trung ương Philippines, Singapore và Thái Lan đã nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng trước sau khi Mỹ công bố các mức thuế, nhằm hỗ trợ nền kinh tế trước những khó khăn dự kiến.
Ngân hàng trung ương Malaysia vẫn giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 3% suốt hai năm qua, nhưng chuyên gia Leather từ Capital Economics cho rằng áp lực đang gia tăng. Ông nhận định: “Với triển vọng tăng trưởng không mấy khả quan, áp lực buộc ngân hàng trung ương Malaysia phải cắt giảm lãi suất sẽ ngày càng tăng.”