Triển lãm Automechanika TP.HCM 2023 sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp ô tô của thế giới.
>>Giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô
Phát biểu tại buổi họp báo giới thiệu thông tin về triển lãm về ngành Công nghiệp dịch vụ Ô tô 2023 (Automechanika TP.HCM 2023), bà Bùi Thị Hồng Hạnh – Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, với quy mô dân số gần 100 triệu dân, Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiềm năng cho ngành dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm. Theo bà Hạnh, GDP/đầu người của Việt Nam cũng đã tăng lên hơn 4.000 USD/người vào năm 2022 và tính từ năm 2000 – 2021, GDP của Việt Nam từ vị trí 173, xuống 124 trên thế giới, giảm 49 bậc.
“Với con số này, các nhà kinh tế đã nhận định, Việt Nam cũng giống như xu hướng phát triển của các nước trên thế giới, sẽ là quốc gia ô tô hóa. Khi thu nhập của người dân tăng lên, thói quen tiêu dùng của người dân cũng sẽ tăng lên, nên yếu tố phục vụ cho đời sống của người dân sẽ trở nên thoải mái hơn, phương tiện đi lại cũng thuận lợi hơn”, bà Hạnh chia sẻ.
Về xuất nhập khẩu, Phó chủ tịch VASI cho biết, các doanh nghiệp FDI chiếm 70% giá trị xuất khẩu của Việt Nam, trong số 70% này, ngành sản xuất cũng chiếm 70%. Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp FDI vẫn chiếm một tỷ lệ lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Do đó, bà Hạnh hy vọng, trong thời gian tới, cùng với sự phát triển cũng như những hỗ trợ từ các cơ quan ban ngành, các doanh nghiệp Việt sẽ phát triển tốt hơn về công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, bà cũng hy vọng, trong tương lai gần, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tạo ra được những giá trị lõi từ việc sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có chuyên môn hơn, chất lượng hơn.
Ngoài ra, khi các doanh nghiệp phát triển mạnh hơn nữa về công nghiệp hỗ trợ, ngoài việc phục vụ 100 triệu dân ở trong nước, thì cơ hội xuất khẩu sang các nước trong khu vực và trên thế giới cũng rất lớn. Đây cũng là một cơ hội lớn để các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có thể tin tưởng để đầu tư cũng như phát triển các lĩnh vực, ngành nghề chuyên môn của mình.
Đối với ngành công nghiệp ô tô, bà Hạnh cho biết, hiện nay, việc tham gia vào chuỗi cung ứng cho ngành công nghiệp ô tô của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế và các doanh nghiệp cũng đang tích cực điều chỉnh để tham gia vào chuỗi cung ứng của ngành này.
Theo bà Hạnh, năm 2020, Việt Nam đã tiêu thụ 510.000 chiếc, dự đoán vào năm 2025, Việt Nam sẽ đạt mức tiêu thụ từ 800.000-900.000 xe ô tô/năm và đến năm 2030, lượng tiêu thụ sẽ đạt từ 1,5-1,8 triệu xe/năm.
“Khi lượng tiêu thụ xe tăng mạnh, các phần dịch vụ, hậu mãi cũng sẽ phát triển theo. Do đó, triển lãm Automechanika TP.HCM 2023 không chỉ là nơi để khách hàng có thêm thông tin về các dịch vụ hậu mãi để việc sử dụng xe được thuận tiện hơn, mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam tìm hiểu các đối tác và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp ô tô của thế giới”, bà Hạnh đánh giá.
Ông Kalvin Lau – Giám đốc Công ty TNHH Messe Frankfurt Hong Kong cũng đánh giá, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Trong quá trình đô thị hóa ngày càng phát triển, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam cũng đang rất phát triển và hướng tới một kỷ nguyên mới. Trong đó, việc phát triển về xe điện, số hóa, xản xuất ô tô và tự động hóa cũng đã mở ra rất nhiều cơ hội trong chuỗi cung ứng các sản phẩm phụ trợ cho ngành công nghiệp ô tô.
“Như thường lệ, triển lãm Automechanika TP.HCM 2023 mang đến một cửa ngõ cho thương mại và trao đổi quốc tế tạo thuận lợi cho cả sự phát triển về công nghệ cũng như phát triển về kinh doanh trong nước. Từ mục tiêu này, chúng tôi đã xây dựng một chương trình xoay quanh các hoạt động kinh doanh, hội thảo, giải trí để tham gia vào hoạt động kinh doanh, đồng thời, nắm bắt thông tin chi tiết về sở thích của người tiêu dùng trong nước”, ông Kalvin Lau chia sẻ.
Triển lãm Automechanika TP.HCM 2023 sẽ diễn ra từ ngày 23-25/6/2023 tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Sài Gòn (SECC). Triển lãm với sự tham gia của hơn 450 nhà triển lãm đến từ 21 quốc gia và khu vực như: Úc, Trung Quốc, Ai Cập, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Litva, Malaysia, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Việt Nam. Với quy mô và tầm ảnh hưởng quốc tế, triển lãm Automechanika TP.HCM 2023 góp phần xây dựng câu chuyện “nội địa hóa” cũng như mục tiêu của Chính phủ đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Với mục tiêu là thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô tăng tỷ lệ nội địa hóa lên 40% (giảm giá thành xe để tiếp cận người tiêu dùng gần hơn), xúc tiến hoạt động thương mại xuất nhập khẩu từ các nhà đầu tư nước ngoài. Từ những nỗ lực này, mục tiêu lớn là trở thành cơ sở sản xuất ô tô hàng đầu trong khu vực với hơn 1.000 nhà cung cấp phụ tùng, sản xuất tăng lên một triệu chiếc và tăng doanh số lên 900.000 xe mỗi năm. |
Có thể bạn quan tâm