Ba điểm sáng của dân chủ trong kinh doanh

LS Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch trung tâm trọng tài quốc tế việt nam (VIAC) 16/02/2018 06:06

Tự do kinh doanh có nghĩa là tự do gia nhập thị trường, tự do hoạt động, kinh doanh trên thường trường và tự do rút khỏi thị trường.

Quyền tự do kinh doanh mở rộng cao nhất từ trước đến nay

Tự do gia nhập thị trường mà không được qui định bắt buộc về quy mô, vốn liếng, cơ sở vật chất, nguồn lực ban đầu, không bị bó hẹp bởi giới hạn ngành nghề (trừ những ngành nghề mà Luật cấm), địa bàn, thời gian hoạt động. Tự do hoạt động kinh doanh trên thương trường là tự do hợp đồng, tự do lựa chọn các hình thức tổ chức kinh doanh, lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp, tự do cạnh tranh trong khuôn khổ của pháp luật và cuối cùng là tự do rút khỏi thị trường mà không bị ràng buộc bởi bất kỳ điều kiện gì, trừ việc phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính và các nghĩa vụ khác với bạn hàng, người lao động, Nhà nước,... Có bao nhiêu quyền tự do kinh doanh cụ thể của người dân là bấy nhiêu nghĩa vụ tương ứng của Nhà nước nhằm bảo vệ và thực thi các quyền đó.

Vài chục năm gần đây, quyền tự do kinh doanh càng ngày càng được mở rộng về khái niệm, thực thi trong đời sống tốt hơn nhờ vào việc đổi mới cải cách môi trường kinh doanh theo hướng phân vai rõ hơn giữa Nhà nước và thị trường, phân công lao động rõ ràng hơn theo cách Nhà nước phải tổ chức tốt để phục vụ cho người dân kinh doanh được tốt hơn. Đã qua rồi một thời công chức, cơ quan Nhà nước hành xử theo kiểu ban phát quyền lực, cho cái này, rút cái kia, nhất là trong việc cấp phép, quy định điều kiện kinh doanh hết sức tréo ngoe, phi lý và trói chặt khiến doanh nghiệp Việt không thể và cũng không muốn lớn. Họ hiểu quy định “công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật” tại điều 57 Hiến pháp 1992 nghĩa là phải được pháp luật cho phép làm cái gì thì người dân, doanh nghiệp mới được phép làm cái đó và họ, nhân danh Nhà nước, nhân danh pháp luật để cho hay không, mở hay đóng, với quan niệm hồn nhiên “quản đến đâu, mở ra đến đó”, và trong không ít trường hợp họ dựa vào quyền uy xin cho, ban phát để nhũng nhiễu.

Quyền tự do kinh doanh là quyền con người, được quy định trong Hiến pháp năm 2013, theo nghĩa rộng hơn, đó còn là cam kết của Nhà nước, bằng trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, bảo đảm để mỗi người (kể cả người nước ngoài tại Việt Nam) được thực hiện quyền này với chi phí thấp nhất và độ an toàn cao nhất.

Hiến pháp năm 2013, với quy định sáng như ban ngày “Mọi người được quyền kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp liên quan đến quyền kinh doanh, Luật đầu tư năm 2015 đã công khai “đóng đinh” 6 ngành nghề kinh doanh bị cấm, 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đồng thời tuyên bố một nguyên tắc rất pháp quyền: “muốn cấm hoặc hạn chế kinh doanh thì phải bằng luật. Đây là bước khởi đầu như mơ cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Với cách tiếp cận này, người dân, doanh nghiệp như được giải thoát khỏi cảnh “mờ mờ nhân ảnh như người người đi đêm”, rủi ro luôn rình rập mà rủi ro lớn nhất là rủi ro cơ chế. Cùng với cách tiếp cận này, một phương thức quản lý xã hội, quản lý kinh doanh mới đã được xác lập theo hướng từ “quản đến đâu, mở đến đó” sang “mở đến đâu, phục vụ đến đó”, một sự đổi ngôi đẹp từ Nhà nước quản lý sang Nhà nước phục vụ, đây là điểm sáng thứ nhất của dân chủ trong kinh doanh.

Tách bạch vai trò Nhà nước và thị trường

Để toàn tâm, toàn ý phục vụ công cuộc kinh doanh của toàn dân, một lần nữa Nhà nước lại phải định vị vai trò của mình trong cuộc kinh doanh này. Trước đây, Nhà nước với các doanh nghiệp nhà nước trên thị trường tự cho là thống soái, chủ đạo, dẫn dắt các thành phần kinh tế còn lại, nay các thành phần kinh tế đều bình đẳng, hợp tác cạnh tranh và cùng với thời gian, triết lý cái gì Dân làm được thì Nhà nước sẽ không làm, như cách hiện nay mà Nhà nước đang thực hiện là Chính phủ không đi bán bia, bán sữa. thì việc phân vai đã khá rõ ràng hơn. Trên con đường bình đẳng, dân chủ hóa trong kinh doanh khó có thể chấp nhận tình cảnh số đông các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) phải gồng mình đóng thuế, phí để rồi trong không ít các trường hợp, đồng tiền này lại chảy về tài khoản của các “quả đấm thép” doanh nghiệp nhà nước, quay trở lại cạnh tranh chính với các SME này! Rút khỏi các thị trường, ngành nghề, nơi dân muốn làm và dân có thể làm, Nhà nước quay trở lại vai trò của ”vị trọng tài” công minh, đáng kính, nơi tiếng còi cất lên vô tư, trong sáng, nơi các quyết định đưa ra minh bạch, dứt khoát, không nhập nhằng công tư, không cài cắm lợi ích nhóm. Cùng với việc thay đổi phương thức xây dựng pháp luật trong đó đặc biệt chú ý đến vai trò của khâu phân tích chính sách (là khâu đang yếu hiện nay) và hy vọng trong tương lai, đây sẽ là khâu được cải thiện nhiều nhất nếu ở chính khâu này, người dân, doanh nghiệp được quyền tham gia trực tiếp vào việc góp ý chính sách và Ban soạn thảo sẵn sàng lắng nghe. Đây là điểm sáng thứ hai của dân chủ trong kinh doanh.

Doanh nghiệp thành đối tác

Điểm sáng thứ ba của dân chủ trong kinh doanh, đó là vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, nhìn từ góc độ chủ thể bảo vệ quyền tự do kinh doanh của mình, từ chỗ họ là đối tượng chịu sự quản lý, nay họ đã tham gia cùng Nhà nước quản lý môi trường kinh doanh, từ chỗ là người chuyên đóng vai đi xin trong quan hệ xin cho, bây giờ họ là người biết đòi hỏi phải thực hiện quyền hiến định: tự do kinh doanh. Thật khó hình dung nổi khi cách đây hai mươi năm trước, sự tham gia của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp khi thì còn rụt rè, mờ nhật vào quá trình cải cách môi trường kinh doanh, khi thì loay hoay vật lộn với việc bãi bỏ mấy trăm giấy phép con, thì nay, doanh nghiệp, hiệp hội đã tự tin mà chấm điểm chính quyền địa phương (Chỉ số PCI), chấm điểm các bộ ngành (Chỉ số MEI) hoặc thảo luận sòng phẳng với cơ quan quản lý Nhà nước trong các diễn đàn đối thoại như VBF, doanh nghiệp trẻ, sâu hơn nữa là tham gia vào Hội đồng cải cách thủ tục hành chính, thuế của Thủ tướng Chính phủ, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân... cùng với các hình thức đối thoại công tư đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng doanh nhân Việt với các cấp chính quyền như cà phê doanh nhân, cà phê khởi nghiệp, đối thoại thường niên... Các hình thức công khai bày tỏ các kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp ở ngay cả ở những nơi “quan trên ngó xuống, người ta trông vào” như Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, của các tỉnh thành, của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để tố “cái khó, cái khổ” của mình theo lời kêu gọi của Chính phủ, và từ đó không ít cái “khó, khổ”đó đã được giải quyết. Thêm nữa, khi Chính phủ gồng mình để điều khiển cuộc cạnh tranh thời hội nhập, gánh thêm các trách nhiệm cải cách theo tiêu chí của các tổ chức quốc tế như WB, WEF, IT, WIPO, UNDP... nhằm tăng điểm xếp hạng trên bản đồ năng lực cạnh tranh toàn cầu, hy vọng thu hút thêm các dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào, chúng ta hiểu “cuộc chơi” mới này đang nâng lên tầm quốc tế. Đây là điểm sáng thứ ba của dân chủ trong kinh doanh.
Tất cả cũng đang chỉ là bắt đầu, nhưng nếu không có bắt đầu, làm sao có bước tiếp? Vẫn còn đó muôn vàn chông gai, thử thách, bất bình đẳng... còn ở phía trước, vẫn sẽ phải còn đấu tranh với điều khó nhất: chiến thắng chính mình, cả từ phía Nhà nước lẫn từ phía các hiệp hội, doanh nghiệp. Và phải thắng ! Bởi không thắng trong cuộc đua này, có nghĩa là sẽ thất bại.

Xuân đã sang và hy vọng lại về !

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ba điểm sáng của dân chủ trong kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO