Các giải pháp đồng bộ, Bạc Liêu sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI… tạo điều kiện thuận lợi nhất để các DN, NĐT triển khai dự án, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đó là khẳng định của ông Phạm Văn Thiều, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu với Diễn đàn Doanh nghiệp về kế hoạch thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.
>>BAN QLDA ĐTXD CÁC Công trình giao thông Bạc Liêu: Chất lượng và tiến độ cho đô thị hiện đại
- Thưa ông, ông có thể phác thảo đôi nét về bức tranh thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh?
Với phương châm luôn đồng hành và chia khó cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, thời gian qua, Bạc Liêu đã quyết liệt triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Cùng với việc tổ chức các buổi họp mặt, đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư, tỉnh tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn trên tinh thần cầu thị và phục vụ, nhất là tập trung thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, hỗ trợ tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển.
Trong năm 2022, Bạc Liêu đã chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 17 dự án. Trong đó, có 16 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 12.090 tỷ đồng và 1 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư 18,35 triệu USD. Đặc biệt, Bạc Liêu đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022, có trên 500 đại biểu tham dự, trao chủ trương đầu tư cho 13 dự án, với tổng vốn đầu tư gần 17.000 tỷ đồng.
Lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh đã thu hút đầu tư được 184 dự án. Trong đó, có 167 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 53.474 tỷ đồng; 17 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư là 4,508 tỷ USD. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có 3.038 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, với số vốn đăng ký là 42.266 tỷ đồng.
>>UBND huyện Hồng Dân (Bạc Liêu): Sức sống mãnh liệt của vùng đất anh hùng
Thông qua quá trình đầu tư kinh doanh, doanh nghiệp đã đóng góp phần lớn trong tổng mức đầu tư toàn xã hội, từ đó góp phần cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như giúp tỉnh khai thác các tiềm năng, thế mạnh, góp phần định hình, hiện thực hóa các định hướng phát triển của tỉnh theo 5 trụ cột, gồm: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển năng lượng sạch; du lịch; giáo dục, y tế chất lượng cao; phát triển kinh tế biển.
- Thưa ông, công tác cải cách hành chính (CCHC) đã trở thành điểm sáng của tỉnh trong thời gian qua. Vậy ông có thể cho biết điểm đột phá trong công tác này trên địa bàn tỉnh?
Trên cơ sở Chương trình tổng thể CCHC nhà nước của Chính phủ và Kế hoạch triển khai nhiệm vụ CCHC của tỉnh, thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện có hiệu quả công tác CCHC phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đặc biệt, công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh có nhiều đổi mới, văn bản chỉ đạo được ban hành kịp thời, đúng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng nội dung, lĩnh vực của công tác CCHC; có nhiều giải pháp, cách làm hay trong triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC tại đơn vị, địa phương.
Tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ CCHC tỉnh giai đoạn 2021-2025, kế hoạch thực hiện CCHC năm 2022, 2023… nhằm hỗ trợ công tác cải cách TTHC và kiểm soát TTHC, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin, sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội đối với hoạt động cải cách TTHC và kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh.
Công tác rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện triệt để. Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã tiếp tục được vận hành thông suốt, tập trung giải quyết các TTHC cho người dân, doanh nghiệp được kịp thời, nhanh chóng. Tỉnh cũng tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về CCHC trên địa bàn cả về chiều rộng lẫn chiều sâu để doanh nghiệp, người dân nắm bắt và phối hợp thực hiện hiệu quả.
Năm 2021, Chỉ số CCHC của tỉnh được xếp vào nhóm tốt, tăng 2 bậc so với năm 2020, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính tăng 9 bậc, xếp 32/63; Chỉ số PCI tăng 8 bậc, xếp thứ 55/63 tỉnh, thành cả nước; Chỉ số PAPI xếp hạng 11/63, tăng 43 bậc so với năm 2020, thuộc nhóm có điểm số cao nhất so với cả nước.
- Ông có thông điệp gì gửi tới cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp nhân dịp đầu Xuân?
Nhân dịp năm mới, tôi xin chúc cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ngày càng phát triển, gặt hái nhiều thành công trong hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước nói chung và Bạc Liêu nói riêng. Bạc Liêu tiếp tục khẳng định cam kết nhất quán của tỉnh là luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, để Bạc Liêu là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
- Xin trân trọng cảm ơn ông.
Có thể bạn quan tâm