Những năm gần đây, lực lượng chức năng tỉnh Bắc Ninh đã liên tiếp khởi tố, bắt tạm giam nhiều cán bộ, quan chức của tỉnh này vì những sai phạm liên quan tới đấu giá đất…
>>Dự án nào “đưa” hai quan chức tỉnh Bắc Ninh đến vòng lao lý?
Nhiều quan chức vướng lao lý
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, sáng ngày 23/3, VKSND tỉnh Bắc Ninh đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Thế Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo đó, ông Nguyễn Thế Tuấn bị khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan đến dự án đấu giá đất trên địa bàn phường Đồng Nguyên, TP. Từ Sơn. Những sai phạm tại dự án này diễn ra khi ông Tuấn còn giữ chức vụ Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch thị xã Từ Sơn (nay là TP. Từ Sơn).
Trước đó cũng liên quan tới một dự án đấu giá đất tại phường Đồng Nguyên (TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), cơ quan chức năng cũng đã khởi tố vụ án, bắt giam nhiều cán bộ, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo UBND phường Đồng Nguyên.
Ngoài ra, Công an tỉnh Bắc ninh cũng vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Phạm Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bắc Ninh cùng một Trưởng phòng của sở này. Sai phạm của những cá nhân trên được xác định xảy ra tại thời điểm còn là lãnh đạo Phòng Quản lý giá và công sản thuộc Sở Tài chính Bắc Ninh. Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, tháng 10/2021, Công an tỉnh Bắc Ninh cũng khởi tố, tạm giam nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Phong và nhiều thuộc cấp do tự ý bán đấu giá đất công trái quy định. Các bị can liên quan tới vụ việc gồm: Nguyễn Tuấn Anh, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Phong; Vũ Văn Nam, nguyên Trưởng phòng TNMT huyện Yên Phong; Nguyễn Huy Hòa, nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Chờ; Nghiêm Đình Thắng, nguyên Phó Chủ tịch thị trấn Chờ và Lê Tuấn Đạt, cán bộ địa chính thị trấn Chờ.
Kết quả điều tra ban đầu xác định khu đất của Xí nghiệp bia Hà Sơn là đất sản xuất kinh doanh do UBND thị trấn Chờ giao cho Hội Cựu chiến binh quản lý. Đầu năm 2010, UBND thị trấn Chờ đã tự ý tách một phần diện tích khu đất này và tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất trái quy định, thu số tiền hơn 5 tỷ đồng.
Dù biết rõ chưa có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc thu hồi và chuyển mục đích sử dụng khu đất mà UBND thị trấn Chờ đã tự ý tổ chức bán đấu giá trái quy định nhưng ông Nguyễn Tuấn Anh đã đồng ý và chỉ đạo Phòng TNMT huyện Yên Phong phối hợp làm thủ tục xét cấp đất cho người trúng đấu giá bằng hình thức giao đất ở tận dụng, nộp tiền sử dụng đất theo bảng giá đất ở do UBND tỉnh Bắc Ninh quy định.
Ngày 16/3/2010, các ông Nam, Hòa và Đạt đã ký biên bản về việc giao đất ở trên thực địa cho những người đứng tên các lô đất trúng đấu giá. Đến ngày 9/8/2010, ông Nguyễn Tuấn Anh đã ký cấp sổ đỏ cho các lô đất này.
>>Bắc Ninh: Chuyện những lá đơn “kêu cứu” trong gần 2 thập kỷ
Sở TNMT Báo cáo Thủ tướng thế nào?
Theo tìm hiểu của Diễn đàn Doanh nghiệp, mới đây, Sở TNMT tỉnh Bắc Ninh đã có Báo cáo số 375/STNMT-QLĐD, ĐĐ&BĐ ngày 10/3/2022 báo cáo kết quả rà soát công tác đấu giá quyền sử dụng đất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Sở TN&MT Bắc Ninh khẳng định, thời gian vừa qua công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao, các tổ chức đấu giá tài sản hoạt động nề nếp và ổn định; quá trình đấu giá đảm bảo trung thực, khách quan, công khai, minh bạch đúng pháp luật…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo phản ánh của dư luận và truyền thông trong thời gian gần đây, hoạt động đấu giá tài sản và kinh doanh bất động sản tại một số dự án trên địa bàn Tỉnh còn một số hạn chế, tồn tại, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Sở TN&MT Bắc Ninh thông tin, tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản còn chưa đảm bảo tính hợp lý, khách quan, khoa học, thiếu tính cạnh tranh; việc giám sát quá trình tổ chức đấu giá ở một số nơi chưa thường xuyên; thông tin đấu giá đăng tải trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng nhiều trường hợp chưa cụ thể, gây khó khăn cho nhà đầu tư tiếp cận thông tin dự án.
Theo dự báo của sở này, xu hướng giá đất thị trường năm 2022 của tỉnh Bắc Ninh sẽ tăng, mức độ biến động tăng khoảng 20 - 30% so với năm 2021, chủ yếu ở các khu vực đô thị và công nghiệp hoặc các khu vực quy hoạch phát triển đô thị. Nguyên nhân biến động giá đất là do tỉnh Bắc Ninh nằm sát Thủ đô Hà Nội, là một trong những tỉnh thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước; thị xã Từ Sơn trở thành thành phố từ tháng 11/2021; kế hoạch phân loại đô thị giai đoạn 2021 - 2030, các huyện Yên Phong, Tiên Du, Thuận Thành và Quế Võ thành lập thị xã… là những yếu tố có thể khiến giá đất ở Bắc Ninh tăng trong thời gian tới.
Báo cáo cũng cho biết, trên địa bàn Bắc Ninh thời gian qua không có những cuộc đấu giá có biểu hiện bất thường, gây mất an ninh trật tự, không có hiện tượng bỏ giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm rồi bỏ cọc…
Song, để tiếp tục nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về đấu giá tài sản trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh đã có chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tổ chức đấu giá tài sản, giám sát việc tuân thủ pháp luật, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên và các cá nhân, tổ chức liên quan. Ngoài ra, tổ chức kiểm tra thường xuyên việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai theo quy hoạch nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy hoạch sử dụng đất; xử lý các trường hợp đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng, sử dụng sai mục đích.
Liên quan tới công tác quản lý nhà nước về giá đất, Sở TN&MT Bắc Ninh kiến nghị, xây dựng khung giá đất phù hợp với giá thị trường. Hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất đảm bảo khách quan, minh bạch, phù hợp với giá thị trường. Giá đất đảm bảo được tính đúng, tính đủ các giá trị tăng thêm từ các yếu tố lợi thế, trong đó có lợi thế về vị trí địa lý, lợi thế do quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất, đầu tư kết cấu hạ tầng.
Đồng thời, xây dựng chính sách phù hợp để Nhà nước kiểm soát được tất cả các hoạt động giao dịch đất đai nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, hạn chế tối đa tình trạng giao dịch ngầm về đất đai; công khai giá trị bất động sản trong hệ thống tính thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính có liên quan.
Có thể bạn quan tâm