Tỉnh Bắc Ninh luôn xác định công tác cải cách hành chính giữ vai trò quan trọng trọng việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực thu hút đầu tư.
Những năm gần đây công tác cải cách hành chính (CCHC) được lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh và người đứng đầu các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp và đạt được những kết quả quan trọng được doanh nghiệp và người dân ghi nhận, đánh giá cao.
Chuyển đổi số đơn giản thủ tục hành chính
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Ninh Lê Hồng Phúc, trong tiến trình xây dựng chính quyền điện tử và hướng đến chính quyền số, tỉnh Bắc Ninh đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực từ việc đẩy mạnh chuyển đổi số, đặc biệt trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công. Nhờ ứng dụng công nghệ số, nhiều thủ tục hành chính (TTHC) được rút gọn, tiết kiệm chi phí và thời gian cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao mức độ hài lòng và tin tưởng đối với cơ quan hành chính nhà nước.
Đến hết quý I/2025, 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến xã đều sử dụng Hệ thống Quản lý văn bản; tỷ lệ dịch vụ công có phát sinh hồ sơ nộp trực tuyến (toàn trình + một phần) đạt tỷ lệ 100%; TTHC được tích hợp, triển khai thanh toán trực tuyến đạt tỷ lệ 100%. Về xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng: tỷ lệ trung bình cấp tỉnh đạt tỷ lệ 97,18%; cấp huyện đạt 97,91%; cấp xã đạt 99,29%.
Việc số hóa TTHC không chỉ giúp giảm áp lực cho bộ máy nhà nước, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ mọi lúc, mọi nơi.
Bên cạnh đó, việc áp dụng các nền tảng như chữ ký số, số hóa văn bản, hệ thống một cửa điện tử liên thông… đã giúp tinh gọn quy trình xử lý nội bộ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục. Một số dịch vụ như đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng… được rút ngắn thời gian giải quyết từ 30–50% so với trước đây. Thực hiện số hoá các TTHC, kết quả xử lý đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu trong môi trường điện tử, hướng tới 80% dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại thông tin, tài liệu đã được công nhận trước đó.
Ông Phúc cho biết thêm, việc công khai, minh bạch quy trình xử lý hồ sơ và tiếp nhận ý kiến phản ánh từ người dân cũng góp phần gia tăng sự tin tưởng và hài lòng. Theo kết quả khảo sát của UBND tỉnh Bắc Ninh, trong năm 2024, tỷ lệ người dân và doanh nghiệp hài lòng với dịch vụ công trực tuyến đạt trên 90%, một con số cho thấy hiệu quả rõ nét của chuyển đổi số. Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2024, tỉnh Bắc Ninh đạt 45,48 điểm, xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Chỉ số SIPAS năm 2024, Bắc Ninh xếp thứ 48 đạt 82.27%. Chỉ số PAR INDEX năm 2024 đạt 87,96 điểm, xếp thứ 41/63 tỉnh thành.
Không dừng lại ở lĩnh vực hành chính, Bắc Ninh đang mở rộng chuyển đổi số sang các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, đô thị thông minh... Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thiện nền tảng chính quyền số, thúc đẩy kinh tế số và hình thành xã hội số đồng bộ.
Ngày 6/5/2025, Văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành văn bản số 1859/UBND-NC thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa TTHC theo Nghị quyết số 66/NQ-CP của Chính phủ và phân định thẩm quyền giải quyết TTHC của chính quyền cấp huyện.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo đúng tiến độ, yêu cầu tại Kế hoạch số 217/KH-UBND của UBND tỉnh Bắc Ninh triển khai thực hiện Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2025 và 2026 trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, tập trung hoàn thành việc tổ chức rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá TTHC liên quan đến hoạt động kinh doanh và TTHC nội bộ, đảm bảo bãi bỏ hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh, giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết các TTHC, 30% chi phí tuân thủ TTHC. Tiếp tục rà soát, thực hiện phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong giải quyết TTHC và đơn giản hoá TTHC nội bộ phù hợp với việc thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp.
Cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến thực hiện tại 3 cấp thuộc chức năng quản lý của đơn vị lên Cổng dịch vụ công quốc gia đảm bảo thông suốt, liền mạch, hiệu quả, giảm tối đa giấy tờ, thời hạn hoàn thành chậm nhất 01/6/2025. Khẩn trương triển khai thực hiện TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh.
Thực hiện các nội dung liên quan đến việc kết thúc hoạt động của chính quyền địa phương cấp huyện và tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp. Việc tiếp nhận và giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp đảm bảo ổn định, liên tục, thông suốt, hiệu quả không bị gián đoạn theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 832/UBND-NC về việc triển khai Công văn số 219/TTg-KSTT của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện TTHC cho người dân doanh nghiệp khi sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy.
Với các mục tiêu rõ ràng nêu trên, doanh nghiệp có thể yên tâm nhà nước luôn đồng hành với doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, rút ngắm tối đa thời gian xử lý hồ sơ. Ông Phúc chia sẻ.
Cải cách hành chính góp phần cải thiện môi trường kinh doanh
Đó là chia sẻ của ông Trần Xuân Nhiên Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nhiên cho biết, công tác CCHC của tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và tăng chỉ số hài lòng của người dân và xã hội đối với bộ máy chính quyền các cấp.
Công tác CCHC của tỉnh được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, quyết liệt, triển khai thực hiện với nhiều giải pháp linh hoạt, dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo…Lãnh đạo các cơ quan, địa phương tích cực, chủ động trong việc đẩy mạnh thực hiện CCHC, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện CCHC.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo Trung ương, của tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, văn bản triển khai thực hiện trong đó tập trung vào đẩy mạnh cải cách TTHC, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, tổ chức; rà soát, sắp xếp, kiện toàn hệ thống các phòng, ban, đơn vị và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Kết quả thực hiện công tác CCHC của tỉnh Bắc Ninh quý I/2025 như sau: UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành thực hiện nhiệm vụ, công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa giao tiếp với nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Về cải cách thể chế: để thực hiện tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho sản xuất, kinh doanh, văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của tỉnh trong quý I/2025 đã có nhiều đổi mới, chất lượng được nâng lên. UBND tỉnh đã ban hành 10 VBQPPL; thực hiện rà soát 10 VBQPPL;
Về cải cách TTHC: Trong quý I/2025, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành 36 Quyết định công bố danh mục TTHC trên cơ sở Quyết địn công bố của Bộ, ngành chủ quản, trong đó tập trung chủ yếu vào những TTHC được chuẩn hoá, sửa đổi cơ quan thực hiện TTHC do thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện.
Việc giải quyết TTHC: Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn cấp tỉnh đạt 99, 91%, cấp huyện là 100%, cấp xã 99,90%; 750/617 phản ánh, kiến nghị được giải quyết xong (đạt tỷ lệ 82,3%). Mức độ hài lòng trung bình đạt 3,14 điểm, trong đó UBND thị xã Quế Võ đạt được sự hài lòng cao nhất (5 điểm); UBND huyện Yên Phong đạt được sự hài lòng của người dân thấp nhất (2,3 điểm),..
Về cải cách tổ chức bộ máy: Trong thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh tập trung cao độ sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18- NQ/TW theo hướng “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”. Tính đến ngày 01/3/2025, hoàn thành Kế hoạch sắp xếp tổ chức lại các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập tại trên địa bàn tỉnh. Đến nay đã giảm 172 đầu mối các cơ quan, đơn vị.
Ông Nhiên cho biết, kết quả 100% các sở, ngành đã hoàn thành việc sắp xếp các phòng chuyên môn đáp ứng các tiêu chí theo quy định của Chính phủ; Tổng số đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh là 496 cơ quan, đơn vị (giảm 20,4% so với năm 2015); Tổng số biên chế công chức có mặt tính đến ngày 31/12/2024 là 1.399 biên chế (giảm 12,24% so với năm 2015), số người làm việc hưởng lương từ NSNN tại các ĐVSNCL có mặt có mặt tính đến ngày 31/12/2024 là 22.163 người (giảm 16,35% so với năm 2015).
Năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã chủ trì 2 hội nghị đối thoại: “Hội nghị thủ tục sẵn sàng- Dự án thành công” và Chương trình “ Chia sẻ thông tin – cùng doanh nghiệp phát triển”.
Tỉnh Bắc Ninh đã cụ thể hóa bằng các văn bản chỉ đạo nhằm góp phần hoàn thiện thể chế phục vụ triển khai thực hiện Quy chế tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị trên ứng dụng Phản ánh kiến nghị.
Công khai đầy đủ quy trình, biểu mẫu và tiến độ xử lý TTHC trên Cổng Dịch vụ công tỉnh Bắc Ninh; đang triển khai số hóa 100 % hồ sơ FDI–CNHT, tích hợp cảnh báo tự động khi tiến độ xử lý hồ sơ trễ hạn trên cổng DVC và triển khai hệ thống CRM tiếp nhận phản hồi trực tuyến cho phép doanh nghiệp đánh giá mức độ hài lòng và góp ý ngay trên Cổng một cửa.
Giai đoạn tới, tỉnh sẽ xem xét Mở rộng phạm vi cơ chế “một cửa” sang lĩnh vực logistics, cảng cạn và dịch vụ điện lực, đồng thời liên kết với các vùng lân cận để tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp; Xây dựng Đề án “Ổn định chính sách đầu tư”.
Ông Nhiên khẳng định, thời gian qua có nhiều sáng kiến, mô hình hay, giải pháp mới trong công tác CCHC được thực hiện, áp dụng hiệu quả, như: Tái cấu trúc, đơn giản hóa thành phần hồ sơ; quy trình giải quyết TTHC; xây dựng mẫu đơn điện tử tương tác; đổi mới ứng dụng công nghệ số trong hoạt động tiếp công dân của lãnh đạo tỉnh,...
Qua đó góp phần từng bước xây dựng nền hành chính tỉnh Bắc Ninh ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ, chất lượng điều hành của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở.