Kinh tế địa phương

Bắc Ninh: Cạnh tranh bình đẳng giúp doanh nghiệp gia nhập thị trường

Kim Dung - Vũ Phường 09/05/2025 14:26

Để doanh nghiệp hài lòng và tìm đến đầu tư trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, thì tính cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt doanh nghiệp lớn nhỏ phải được quan tâm và tạo điều kiện tối đa.

Ông Nguyễn Phương Bắc, Phó Giám đốc Sở Tài chính Bắc Ninh cho biết, Sở được giao nhiệm vụ nâng điểm Chỉ số thành phần “Gia nhập thị trường” và “Cạnh tranh bình đẳng”. Chỉ số gia nhập thị trường được xây dựng nhằm đánh giá sự khác biệt về chi phí gia nhập thị trường của các doanh nghiệp mới thành lập giữa các tỉnh với nhau. Chỉ số Gia nhập thị trường năm 2024 của tỉnh Bắc Ninh đạt 8,07 điểm, tăng 0,66 điểm so với năm 2023.

z6578700902779_c1cf16b68a32db7efcaf49843b5f05a3.jpg
Tạo dựng sân chơi bình đẳng để doanh nghiệp gia nhập thị trường (trong ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn thăm Công ty TNHH dược liệu Fujiko Việt Nam)

Đối với việc nâng điểm số các chỉ tiêu của chỉ số thành phần “Chi phí gia nhập thị trường”, Sở Tài chính chủ trì nâng điểm số các chỉ tiêu: Thời gian đăng ký doanh nghiệp; tỷ lệ doanh nghiệp phải sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; thời gian thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp... được tỉnh Bắc Ninh đẩy nhanh, giảm tối đa thời gian mà doanh nghiệp phải chờ đợi trả kết quả thời gian sớm nhất, tạo hài lòng người dân, doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Phương Bắc cho rằng, các nghị quyết của Chính phủ đã tập trung vào cải cách thủ tục hành chính (TTHC), giảm gánh nặng về chi phí và thời gian cho doanh nghiệp ở mức gia nhập thị trường, nhưng vấn đề cạnh tranh, quản trị… thì chưa được đề cập đến nhiều. Chính sách cạnh tranh và cạnh tranh bình đẳng là điều sống còn của doanh nghiệp và còn nhiều dư địa để cải cách.

Về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi số, tăng năng suất lao động, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mở rộng thị trường và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị; chuyển đổi xanh.

Tỉnh Bắc Ninh tập trung tham mưu xây dựng chính sách thu hút các trường, cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn tỉnh, đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án “Hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025”; đẩy mạnh đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử, cấp phát chữ ký số miễn phí cho các DNNVV thành lập mới, hỗ trợ công dân nộp hồ sơ qua mạng điện tử và gửi kết quả qua bưu điện đến tận nhà cho người dân và doanh nghiệp; hỗ trợ mặt bằng sản xuất cho DNNVV tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2020-2025…

Triển khai xây dựng chính sách hỗ trợ hoặc thưởng kinh phí đối với doanh nghiệp kiểm kê khí thái nhà kính; doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn ESG ( tiêu chuẩn Môi trường - Xã hội – Quản trị); doanh nghiệp có mô hình kinh doanh mới; doanh nghiệp đổi mới sáng tạo;...

Triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 1970/KH-KHĐT.ĐKKD ngày 14/8/2023 về thu thập thông tin hỗ trợ khởi nghiệp đối với doanh nghiệp mới thành lập và dự án đầu tư mới đăng ký đầu tư ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm tổ chức tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng khởi nghiệp tham gia thị trường, phát triển sản xuất kinh doanh; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) quy mô lớn, công nghệ cao; tham mưu đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao kinh tế gắn với thúc đẩy thương mại, xúc tiến đầu tư chủ động tại các thị trường tiềm năng để thu hút các nguồn lực từ bên ngoài.

Ông Bắc chia sẻ thêm, tỉnh Bắc Ninh đã đưa ra những biện pháp cụ thể giúp cải thiện Chỉ số Gia nhập thị trường như: Cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cắt giảm TTHC, tập trung rà soát, cắt giảm TTHC để giảm phiền hà, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; hiện đại hóa nền hành chính của tỉnh theo hướng “tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hiện đại”; tăng cường công khai minh bạch các chính sách, pháp luật cho doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, khuyến khích đầu tư của mọi thành phần kinh tế. Chuyển mạnh quản lý từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

1(1).jpg
Tỉnh Bắc Ninh với tinh thần “thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh” và “Kết nối niềm tin, cùng doanh nhân tiến bước”

Triển khai thực hiện, nhân rộng các sáng kiến, mô hình, cách làm hay trong công tác cải cách hành chính, phấn đấu trong năm 2025: giảm 30% thời gian đối với những TTHC có thời gian xử lý trên 10 ngày; giảm 40% thời gian đối với những TTHC có thời gian xử lý trên 20 ngày như: cấp giấy phép xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, giấy phép phân phối bán lẻ cho doanh nghiệp nước ngoài …); đảm bảo mọi thủ tục liên quan đến doanh nghiệp phải được thực hiện trực tuyến, thông suốt, liền mạch và hiệu quả, bảo đảm minh bạch, giảm tối đa giấy tờ; phối hợp cùng các cơ quan trung ương đảm bảo 100% TTHC được thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh.

Qua đó không ngừng cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh an toàn, minh bạch, giảm chi phí tuân thủ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc kịp thời cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Bắc Ninh tạo sân chơi bình đẳng trong doanh nghiệp

Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng năm 2024 tỉnh Bắc Ninh đạt 5,36 điểm, giảm 0,55 điểm. Để cải thiện các chỉ số có thứ hạng thấp, tỉnh Bắc Ninh sẵn sàng cải cách và tạo cạnh tranh bình đẳng để doanh nghiệp nhà nước và tư nhân cùng... khỏe.

Các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp là lực lượng tiên phong trực tiếp “chơi” trên sân chơi toàn cầu đầy cơ hội mà cũng lắm thách thức. Trong đó, khối doanh nghiệp tư nhân có số lượng hùng hậu, nhưng còn đang lép vế nhiều mặt. Muốn khai thác lợi thế từ TPP, Việt Nam cần tạo sân chơi bình đẳng thực sự giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.

Doanh nghiệp tư nhân đang chịu nhiều bó buộc mặc dù là lực lượng rất quan trọng. Nhất là doanh nghiệp tư nhân đang phải cạnh tranh trong môi trường kinh doanh, như trong phân bổ tín dụng, đất đai và những ưu đãi thường ưu ái nhiều hơn cho khối doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI. Sau nhiều năm xây dựng nền kinh tế thị trường, khu vực doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam vẫn yếu và mong manh. 97% doanh nghiệp tư nhân trong nước là DNNVV.

Đại diện một số doanh nghệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cho rằng, yếu tố quan trọng đối với doanh nghệp không đơn thuần là các gói hỗ trợ về vốn, đất đai… mà là môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, chính sách ổn định, TTHC đơn giản. Các doanh nghiệp cần chủ động, tự lực tự cường để vươn lên trong nền kinh tế hội nhập. Môi trường kinh doanh đã được cải thiện, tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều “giấy phép con”, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Đồng thời phải làm thế nào để các doanh nghiệp tư nhân phát triển bình đẳng, không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp lớn và nhỏ, trong nước và ngoài nước.

picture1.jpg
Kết quả cải cách hành chính Quý I/2025 của tỉnh Bắc Ninh

Vì vậy khi nói tới các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại tỉnh Bắc Ninh, thì tư duy chiến lược của lãnh đạo tỉnh về tạo sân chơi bình đẳng là một yếu tố cấp thiết, để tạo cho doanh nghiệp có sự cạnh tranh bình đẳng trên mọi mặt trận.

Với quyết tâm chính trị cao nhất thực hiện mục tiêu hướng tới nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất, thì tỉnh Bắc Ninh phải không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện bền vững năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hướng tới mục tiêu tăng dần điểm tổng PCI qua từng năm, sau khi phân tích, chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến những chỉ tiêu giảm điểm, giảm hạng và tiếp thu các ý kiến tham vấn, khuyến nghị của các chuyên gia, tỉnh Bắc Ninh cẫn đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp chiến lược. Trong đó đặt nhân tố con người là quyết định, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu và đội ngũ CBCCVC trong xây dựng chính quyền minh bạch, liêm chính, hành động, kiến tạo, phục vụ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được xác định là yếu tố then chốt.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh tiếp tục phát huy vai trò, tính năng động, dám nói dám làm của người đứng đầu; thu hút, lựa chọn đúng người thực đức, thực tài, kịp thời sàng lọc, thay thế kịp thời khi không hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời triển khai đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch 3 đột phá chiến lược; ứng dụng CNTT gắn với chuyển đổi số trong quá trình giải quyết TTHC; đơn giản hóa các TTHC, kiên quyết loại bỏ các rào cản bất hợp lý, các chi phí không chính thức…

Cùng với đó, nhanh chóng nghiên cứu xây dựng và vận hành một số mô hình mới trong công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư. Bắc Ninh cần tập trung cải thiện điểm số, khắc phục hạn chế ở các chỉ số giảm điểm, như: Tiếp cận đất đai, Tính minh bạch, Chi phí không chính thức, Chi phí thời gian, Thiết chế pháp lý và ANTT..., Từ đó tạo sự hài lòng doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đến đầu tư trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Từ đầu năm đến nay, Sở Tài chính Bắc Ninh đã cấp mới đăng ký đầu tư cho 238 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 105,044 triệu USD; cấp điều chỉnh vốn cho 61 dự án với số vốn tăng là 1.033,584 triệu USD;... Lũy kế đến nay, Sở Tài chính đã cấp đăng ký đầu tư cho 1.130 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh là 3.574,495 triệu USD.

Về cạnh tranh bình đẳng trong cấp Đăng ký kinh doanh, theo bà Ngô Thanh Hương, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Tài chính Bắc Ninh, tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng trong 4 tháng đầu năm 2025 đạt 100%, Bắc Ninh là một trong các tỉnh dẫn đầu cả nước. Số doanh nghiệp thành lập mới: 1.217 doanh nghiệp (tăng 5% so với cùng kỳ năm 2024) với tổng số vốn đăng ký là: 22.318 tỷ đồng (tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2024); Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 18,3 tỷ đồng. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có tổng số 25.781 doanh nghiệp với tổng số vốn điều lệ đăng ký là 452.383,1 tỷ đồng và 6.933 đơn vị trực thuộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bắc Ninh: Cạnh tranh bình đẳng giúp doanh nghiệp gia nhập thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO