Để phát triển du lịch nhanh, bền vững, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đổi mới tư duy sáng tạo trong cách làm du lịch, đó vừa là xu thế, vừa là yêu cầu tất yếu và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Du lịch được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng thúc đẩy nền công nghiệp văn hoá, tạo việc làm, thu hút đầu tư, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Đối với tỉnh Bắc Ninh, để hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm văn hoá-du lịch của cả nước, là địa chỉ hấp dẫn, thu hút nhiều khách du lịch, ngành văn hóa, thể thao và du lịch cần thiết phải phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan tập trung tham mưu với tỉnh dành nhiều chính sách ưu tiên cho du lịch, nhằm sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển KT-XH, “cú hích” cho công nghiệp văn hóa và là đòn bẩy thúc đẩy văn hóa tỉnh nhà bước vào giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Du lịch Bắc Ninh vươn tầm trong kỷ nguyên mới
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Trung Khuê cho biết, ngành Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã nỗ lực vươn lên, phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng, khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Những thành quả đó có được là sự định hướng đúng đắn, có những bước đi phù hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh, tỉnh đã ban hành những cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch tỉnh phát triển. Năm 2024, 2025 nhịp độ tăng trưởng lượt khách 40-50%. Trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2025, lượng khách du lịch đến tỉnh Bắc Ninh ước đạt 75.000 lượt, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2024, doanh thu du lịch ước đạt 52 tỷ đồng.
Bắc Ninh còn là cửa ngõ kết nối Thủ đô với các tỉnh Đông Bắc và Trung du miền núi phía Bắc. Hạ tầng giao thông thuận lợi: Sân bay Nội Bài, sân bay Gia Bình, Quốc lộ 1A, 1B, 18 và 38, cùng với các tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Quảng Ninh, cảng cạn, cảng sông Cầu, sông Đuống... tiềm năng để phát triển du lịch.
Trung tâm của văn hóa Kinh Bắc – cái nôi của Dân ca Quan họ (di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại). Hệ thống di tích phong phú: Đền Đô, Chùa Dâu, Chùa Phật Tích, Lăng Kinh Dương Vương,...Lễ hội truyền thống quanh năm: Hội Lim, lễ hội Chùa Dâu,... Làng nghề thủ công truyền thống. Bắc Ninh là một trong những tỉnh có GRDP đầu người cao nhất cả nước. Tập trung nhiều KCN lớn, thu hút lượng lớn chuyên gia, kỹ sư, người lao động trong nước và quốc tế, thu nhập người dân cao hơn trung bình cả nước, điều đó càng làm tăng nhu cầu về dịch vụ, nhất là dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí cao cấp để đáp ứng và đa dạng sản phẩm phục vụ khách.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Trung Khuê, tỉnh Bắc Ninh được định hướng quy hoạch rõ ràng: theo Quyết định 1589/QĐ-TTg, ngày 08/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó phương án phát triển tổ hợp sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hoá, thể thao sân golf:
(1) Khu du lịch - vui chơi giải trí - thể thao hiện đại quy mô lớn tại phường Nam Sơn - TP Bắc Ninh (Đạt tầm cỡ quốc gia); (2) Khu du lịch văn hóa Miền Quan họ tại phường Hòa Long (TP Bắc Ninh) với loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái; trải nghiệm và khám phá các giá trị văn hóa, đặc biệt là Dân ca Quan họ Bắc Ninh; du ngoạn sông Cầu; Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc;
(3) Khu du lịch Văn hoá - Vui chơi giải trí tổng hợp Đền Đầm - Đền Đô - Tiêu Tương (Từ Sơn): đạt tầm cỡ khu vực (Hà Nội và các tỉnh vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng); (4) Khu du lịch Văn hóa sinh thái Phật Tích (Tiên Du), gắn kết với khu sinh thái rừng phụ cận (Núi Lạn Kha - Tiên Du) có tính đến kết nối với khu Lăng Kinh Dương Vương - Chùa Bút Tháp - Chùa Dâu;
(5) Khu du lịch văn hóa - lễ hội đền Bà Chúa Kho (TP. Bắc Ninh): Đạt tầm vóc là khu lễ hội tín ngưỡng cấp quốc gia; (6) Khu du lịch Bãi Nguyệt Bản - Cao Lỗ Vương (huyện Gia Bình): Du lịch xanh, nghỉ dưỡng theo mô hình resort đảo (biệt thự, villa) với các công trình thương mại cao cấp, khu vui chơi giải trí quy mô lớn, kết nối với tuyến du lịch tín ngưỡng tham quan đền thờ Cao Lỗ Vương, chùa Phả Lại, chùa Diên Phúc...;
(7) Khu du lịch lịch sử chiến tuyến Như Nguyệt: Với loại hình du lịch trải nghiệm chiến trường lịch sử chống quân Tống của dân tộc;
(8) Khu du lịch đền và Lăng Kinh Dương Vương (Thuận Thành): Là điểm nhấn của toàn bộ khu vực không gian Thị xã Thuận Thành, là điểm hành hương về với Tổ tiên nước Việt;
(9) Tổ hợp du lịch sông Đuống (Thuỷ, bộ); Bên cạnh đó là Sân Golf gắn với chuỗi hệ thống du lịch đền, lịch sử, văn hóa sinh thái,...
Ông Khuê nhấn mạnh, với tiềm năng, du lịch và kho tàng di sản văn hóa phong phú để lại, tỉnh Bắc Ninh có cơ hội để thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực như:
Khách sạn kết hợp nghỉ dưỡng cao cấp: Do nhu cầu từ các chuyên gia nước ngoài, đặc biệt từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc (có cộng đồng cư dân đông đảo tại Yên Phong, Tiên Du...). Phát triển mô hình chuỗi khách sạn 4–5 sao, resort kết hợp nghỉ dưỡng – trải nghiệm văn hóa địa phương.
Phát triển KĐT văn hoá, sinh thái, khu du lịch phức hợp Vui chơi giải trí – Trung tâm thương mại, trải nghiệm nền văn hoá lâu đời của cả nước; Các mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm làng nghề, nghỉ dưỡng gắn với văn hóa Quan họ, lễ hội dân gian. Các tour du lịch trong ngày từ Hà Nội – Bắc Ninh chưa được khai thác bài bản nên cơ hội để các nhà đầu tư xây dựng sản phẩm tour ngắn ngày (1-2 ngày), các điểm lưu trú homestay, farmstay kết hợp trải nghiệm dân ca Quan họ, làm gốm Phù Lãng, tranh Đông Hồ...
Mặt khác, những năm qua Bắc Ninh là một trong những địa phương quan tâm trong việc phát triển du lịch gắn với giá trị văn hóa - tâm linh, đặc biệt là việc khai thác các di sản văn hóa phi vật thể như dân ca Quan họ, lễ hội truyền thống, làng nghề và các địa điểm tâm linh nổi tiếng. Du lịch Nông nghiệp, sinh thái – nghỉ dưỡng. Sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, giữa tâm linh và trải nghiệm đang tạo nên sức hút mới cho du lịch Bắc Ninh, thu hút khách nội địa và quốc tế.
Chuyển đổi số phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh
Ông Khuê chia sẻ thêm, Bắc Ninh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và hướng đến hệ sinh thái du lịch thông minh bảo đảm đồng bộ và hiện đại. Cổng thông tin du lịch thông minh đã tích hợp trên các nền tảng mạng xã hội và hỗ trợ đa ngôn ngữ, giúp du khách dễ dàng tiếp cận thông tin và trải nghiệm dịch vụ.
Tỉnh hiện đang chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, kết hợp với công nghệ số để tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn. Tại Kế hoạch số 226/KH-UBND ngày 15/4/2025 của UBND tỉnh Bắc Ninh (thực hiện Công điện số 34/CĐ-TTg ngày 10/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ) về việc thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 con số trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, đã xác định rõ quan điểm “Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh phải trở thành trụ cột trong quản lý, vận hành và trải nghiệm du lịch”.
Ứng dụng cộng nghệ mới, hiện đại trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Xây dựng và tổ chức Chiến dịch truyền thông 360° theo chủ đề thống nhất: “Về Miền Quan Họ”; Hợp tác với KOLs - Travel Bloggers – TikToker để mời người nổi tiếng trải nghiệm Bắc Ninh,... Tổ chức các cuộc thi sản xuất phim ngắn, video "Bắc Ninh - Chạm hồn di sản" trên TikTok…;
Số hóa toàn bộ dữ liệu di sản văn hoá (vật thể và phi vật thể) đưa lên, cổng thông tin du lịch thông minh, Hệ thống học liệu số (e-learning) phục vụ trường học và du khách. Xây dựng Bảo tàng số vùng quê Quan họ, để du khách khám phá qua công nghệ thực tế ảo...; Ứng dụng công nghệ AI phân tích hành vi du khách; Triển khai camera AI giám sát an toàn; tích hợp bản đồ thông minh, AR/VR giới thiệu di tích, định vị du khách. Số hoá 14 điểm du lịch kết hợp xây dựng tour du lịch ảo, với hướng dẫn viên ảo, đa ngôn ngữ (sử dụng AI), công cụ mua vé, thành toán online. Ứng dụng công nghệ QR code tại các điểm du lịch (Quét mã để truy cập thông tin di sản, nghe Dân ca Quan họ Bắc Ninh, đọc truyện dân gian, lịch sử, chứng nhận check-in...), đề xuất các mô hình du lịch thực tế ảo “Bắc Ninh – Tinh hoa và bản sắc”.
Trong thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tăng cường công tác quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển các khu, điểm du lịch. Tập trung xây dựng hạ tầng du lịch gắn kết các sản phẩm OCOP với du lịch cộng đồng, phát triển du lịch cộng đồng gắn với mô hình nông thôn mới kiểu mẫu. Ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh chú trọng công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Nguồn nhân lực làm việc trực tiếp trong ngành du lịch của tỉnh khoảng 3.700 người (gián tiếp khoảng 10.000 lao động).
Mở ra kỷ nguyên du lịch tỉnh Bắc Ninh trong giai đoạn mới, phát huy tiềm năng, thế mạnh, tạo sức bật và lan tỏa mạnh mẽ giá trị văn hoá nghìn đời đưa du lịch Bắc Ninh thật sự cất cánh, đánh thức ở tương lai.