Để biến công nghiệp văn hóa thành một trong những động lực tăng trưởng của đất nước, không ít ý kiến cho rằng, ngoài chiến lược dài hơi, cần phải sớm hoàn thiện hệ thống pháp lý.
Nhận thấy tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa như: Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;
Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, XIII của Đảng...
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực đáng ghi nhận khẳng định quan điểm: “Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”.
Với sự quan tâm đặc biệt từ Đảng, Nhà nước, cùng sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, thời gian qua các ngành công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng. Tuy nhiên, để biến lĩnh vực này thành một trong những động lực tăng trưởng bền vững của đất nước, không ít ý kiến cho rằng, cần một chiến lược dài hơi, bài bản và đồng bộ, đặc biệt phải sớm hoàn thiện hệ thống pháp lý.
Theo TS Phạm Việt Long - nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu văn hóa và phát triển, một trong những rào cản lớn nhất là khung pháp lý và chính sách hỗ trợ còn chưa hoàn thiện. Mặc dù Chính phủ đã ban hành một số chính sách nhằm thúc đẩy công nghiệp văn hóa, nhưng việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn, thiếu tính đồng bộ và chưa tạo ra được môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này.
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, dẫn đến tình trạng thiếu hụt kinh phí để sáng tạo, sản xuất và quảng bá sản phẩm ra thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, vấn đề bản quyền và bảo vệ sở hữu trí tuệ chưa được thực thi nghiêm ngặt cũng là một rào cản lớn. Việc vi phạm bản quyền tràn lan khiến nhiều nhà sáng tạo và doanh nghiệp bị thiệt hại, làm giảm động lực đổi mới và sáng tạo. Cuối cùng, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa còn thiếu hụt.
Từ đó, TS Phạm Việt Long cho rằng, với một chiến lược toàn diện, đồng bộ và dài hạn, công nghiệp văn hóa Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước trong tương lai. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, trước tiên cần xây dựng hệ thống lý luận về công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Phải hoàn thiện hệ thống pháp lý và cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nghệ sĩ phát triển. Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ tài chính và thúc đẩy hợp tác công - tư trong lĩnh vực này.
“Xây dựng thương hiệu văn hóa quốc gia và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm văn hóa là việc cần làm sớm. Việc quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới không chỉ giúp tăng cường sức ảnh hưởng của quốc gia mà còn mang lại giá trị kinh tế lớn. Cuối cùng, nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ bản quyền trong ngành công nghiệp văn hóa. Đây là yếu tố then chốt để đảm bảo quyền lợi của các nhà sáng tạo, từ đó thúc đẩy sự đổi mới và phát triển bền vững”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Còn theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Đảng và Nhà nước đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là trong thể chế xã hội. Chúng ta có Nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa, trong đó có nội dung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đi đôi với việc hoàn thiện thị trường văn hóa. Chúng ta có chiến lược của Chính phủ trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, nếu thể chế pháp lý không tháo gỡ được những nút thắt, sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Một trong những vấn đề lớn nhất là việc “khóa cứng” của hệ thống pháp luật và các quy định chưa thật sự linh hoạt, gây khó khăn cho sự sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Nếu có quá nhiều quy định, đôi khi chúng ta lại hạn chế sự phát triển”, PGS, TS Bùi Hoài Sơn bày tỏ.
Đồng quan điểm, xoay quanh vấn đề này, một số ý kiến cũng cho rằng, chính sách của Nhà nước không chỉ là kim chỉ nam về pháp lý mà sẽ còn tạo ra môi trường thuận lợi cho sự sáng tạo và đầu tư, giúp các doanh nghiệp, cá nhân tự do thể hiện tài năng của mình đóng góp vào sự phát triển cho ngành công nghiệp văn hóa.