Bắc Ninh gỡ vướng cho doanh nghiệp FDI

Ngọc Hà 02/05/2019 11:00

Mới đây, một số doanh nghiệp FDI hoạt động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã đưa ra những khó khăn, kiến nghị và vướng mắc liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. 

Diễn đàn Doanh nghiệp ghi nhận phản ánh của doanh nghiệp như sau:

Công ty TNHH sản xuất và thương mại BMTECH Việt Nam kiến nghị về thuế nhập khẩu đối với 2 loại mã HS

Cụ thể, Công ty TNHH sản xuất và thương mại BMTECH Việt Nam, là một doanh nghiệp sản xuất gia công linh kiện điện tử tại khu công nghiệp Yên Phong, là văn phòng đại diện độc quyền của Tập đoàn Sehan Electools của Hàn Quốc tại Việt Nam, công ty chuyên nhập khẩu linh kiện từ Hàn Quốc về Việt Nam. Theo đó, thuế nhập khẩu của công ty áp 2 mã chính, cụ thể, mã 84672900 cho máy lắp giáp là 10%, và mã 85371019 là mã cho bộ điều khiển được hưởng thuế 15%.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động doanh nghiệp thấy, mặc dù có cùng mã HS nói trên, tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam phải nộp thuế thì các doanh nghiệp nước ngoài khi nhập khẩu các mã trên lại không phải nộp thuế. Vì vậy doanh nghiệp kiến nghị cơ quan hải quan xem xét giải quyết.

Trước vướng mắc này của doanh nghiệp, Cục Hải quan Bắc Ninh đã diễn giải như sau:

Căn cứ Điều 2 Luật Thế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 ngày 6/4/2016 và Điều 2 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ thì chính sách thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện tuỳ loại hình doanh nghiệp và mục đích sử dụng hàng hoá nhập khẩu, cụ thể:

Doanh nghiệp chế xuất được coi là khu phi thuế quan nên hàng hoá nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất thuộc đối tượng không chịu thuế (trừ trường hợp doanh nghiệp chế xuất nhập khẩu hàng hoá để thực hiện quyền kinh doanh). Các loại hình doanh nghiệp khác (doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI) thì tuỳ mục đích nhập khẩu hàng hoá của doanh nghiệp mà có thể phải nộp thuế (nếu tiêu thụ trong nước) hoặc có thể được miễn thuế (nếu nhập khẩu để làm nguyên liệu phụ vụ sản xuất hàng xuất khẩu).

Ngoài ra, cũng một loại hàng hoá (cùng mã số HS) nhưng nếu nhập khẩu để làm nguyên liệu đưa vào sản xuất ra sản phẩm, sau đó xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài (chính doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất và xuất khẩu sản phẩm hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế quan thì thuộc đối tượng miễn thuế. Ngược lại, nếu cũng chính hàng hoá đó nhưng nhập khẩu để kinh doanh (bán tiêu dùng nội địa) thì thuộc đối tượng nộp thuế. Không phân biệt người nhập khẩu là doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp FDI. Vì vậy, sẽ có trường hợp như Công ty TNHH sản xuất và thương mại BMTECH Việt Nam phản ánh.

Công ty TNHH Việt Nam Tabuchi Electric kiến nghị giải quyết bảo hiểm xã hội cho người lao động 

Giải quyết bảo hiểm

Giải quyết bảo hiểm cho người lao động tại công ty từ năm 2012 đến nay là một trong những kiến nghị của doanh nghiệp FDI mới đây khi trao đổi mới Diễn đàn Doanh nghiệp.

Cụ thể, đại diện phía công ty kiến nghị Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Bảo hiểm xã hội huyện Tiên Du xử lý dứt điểm các hồ sơ bảo hiểm cho người lao động trong Công ty TNHH Việt Nam Tabuchi Electric, cũng như các doanh nghiệp khác trong khu vực, tồn đọng từ năm 2012 đến này chưa được giải quyết. Mặc dù nhân viên phụ trách bảo hiểm của Công ty đã đi lại rất nhiều lần nhưng vẫn chưa có kết quả.

Bên cạnh đó, đại diện Công ty cũng đề nghị Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Ninh xem xét bổ sung nhân lực cũng như tăng cường năng lực cán bộ cho cơ quan bảo hiểm cấp huyện. Vì hiện nay số doanh nghiệp và lực lượng tăng lên hàng năm, tuy nhiên cán bộ cán bộ bảo hiểm cấp huyện ví dụ như huyện Tiên Du cũng chỉ duy trì ở mức 9-10 người (bao gồm cả lãnh đạo) từ cách đây 10 năm, như vậy là không phù hợp với thực tế công việc. Cùng với số lượng nhân sự như trên thì không thể giải quyết hết các công việc liên quan đến bảo hiểm, việc tồn đọng hồ sơ là không tránh khỏi.

Trước kiến nghị của doanh nghiệp, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Ninh cho biết, nguyên nhân của việc người lao động tại Công ty TNHH Việt Nam Tabuchi Electric chưa được giải quyết dứt điểm hồ sơ bảo hiểm, cụ thể ở đây là chưa được cấp bìa sổ, chốt sổ BHXH là do:

Một là, người lao động tại thời điểm tham gia không cung cấp cho công ty số chứng minh thư nhân dân, giấy khai sinh, tờ khai cấp sổ BHXH… vì vậy, công ty chưa cung cấp được cho cơ quan bảo hiểm xã hội huyện để cơ quan bảo hiểm xã hội huyện Tiên Du thực hiện cấp mới bìa sổ BHXH theo đúng quy định.

Hai là, người lao động ở nơi khác chuyển đến đã có sổ BHXH nhưng không nộp sổ kịp thời cho công ty để công ty thực hiện chốt sổ BHXH theo quy định.

Ba là, từ năm 2008 đến năm 2012, công ty đã thay đổi nhân sự phụ trách công tác BHXH của công ty nhiều lần, khi thực hiện bàn giao không cẩn thận gây thất lạc bìa sổ và tờ rời sổ BHXH đã được cấp của người lao động.

Bốn là, công ty không cung cấp đầy đủ công văn về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng lao động hết thời hạn của người lao động khi người lao động nghỉ việc. Vì vậy, BHXH huyện Tiên Du không đủ căn cứ để chốt số BHXH cho người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bắc Ninh gỡ vướng cho doanh nghiệp FDI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO