Bắc Ninh: Nâng cao giá trị cho nông sản từ thương hiệu, nhãn hiệu

DƯƠNG THÀNH 13/08/2020 03:35

Hiện nay, Bắc Ninh đã có 18 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ, đầu ra cho sản phẩm ổn định và giá trị được nâng cao.

Trong những năm gần đây, Bắc Ninh rất chú trọng đến việc phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp. Bởi thương hiệu, nhãn hiệu góp phần khẳng định chất lượng, quyền sở hữu và đặc biệt là nâng cao giá trị cho sản phẩm.

Gà Hồ, Thuận Thành, sau khi được đăng ký quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ, giá bán tăng ba đến bốn lần.

Gà Hồ, Thuận Thành, sau khi được đăng ký quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ, giá bán tăng ba đến bốn lần.

Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Ninh, việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho nông sản có vai trò rất quan trọng để phát triển nông nghiệp. Thương hiệu, nhãn hiệu góp phần khẳng định chất lượng, quyền sở hữu, nâng cao giá trị sản phẩm. Ðây là công cụ pháp lý chống lại những biểu hiện gian lận thương mại. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao đời sống cho người dân.

Hiệu quả được chứng minh, nhiều sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của tỉnh sau khi được đăng ký quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ được thị trường đón nhận và người tiêu dùng biết đến nhiều hơn đồng thời nâng cao giá trị kinh tế cho người dân. Ví dụ như các sản phẩm như gà Hồ (Thuận Thành), sau khi được đăng ký quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ, giá bán tăng ba đến bốn lần. Các sản phẩm đồng Ðại Bái, gốm Phù Lãng, gỗ Ðồng Kỵ... giá bán đều tăng trung bình từ 10 đến 15%.

Đặc biệt, tháng 6 vừa qua cà rốt Gia Bình đã chính thức được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ. Việc được cấp văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận “Cà rốt Gia Bình” được xem như bệ phóng giúp thương hiệu vươn xa, và đây cũng là động lực để người dân nơi đây thêm quyết tâm làm giàu từ nông nghiệp.

Toàn huyện Gia Bình có khoảng 500 ha canh tác cà rốt từ 2-3 vụ/năm.

Toàn huyện Gia Bình có khoảng 500 ha canh tác cà rốt từ 2-3 vụ/năm.

“Khi được xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, người trồng cà rốt nói riêng và các loại nông sản khác nói chung sẽ phải tuân thủ theo đúng quy trình sản xuất và quy cách đóng gói, bảo quản.Sản phẩm cần được gắn nhãn mác, bao bì, mã số, mã vạch, chỉ rõ nguồn gốc, xuất xứ. Như vậy, cà rốt Gia Bình sẽ có sức cạnh tranh hơn so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, giúp tham gia tốt hơn vào khâu cung ứng tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, từ đó tăng giá trị nông sản”, ông Nguyễn Công Trình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết.

Ngoài ra, các sản phẩm được bảo hộ thương hiệu còn góp phần thúc đẩy xuất khẩu, như các sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể đồng Ðại Bái, gốm Phù Lãng bên cạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, nay đã xuất khẩu sang thị trường khó tính như Nhật Bản và các nước châu Âu.

Tuy nhiên ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, xây dựng và phát triển thương hiệu là một quá trình. Ðể đạt được hiệu quả cao, hàng năm cần có các đánh giá lại việc quản lý và phát triển thương hiệu tại từng thời điểm, trên cơ sở đó có kế hoạch hỗ trợ trong việc cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển thị trường tiêu thụ.

Có thể bạn quan tâm

  • Phương án nào cho đường cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long?

    Phương án nào cho đường cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long?

    06:00, 29/07/2020

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ 18/6: Huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đạt chuẩn nông thôn mới

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ 18/6: Huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đạt chuẩn nông thôn mới

    18:00, 18/06/2020

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ 16/6: Công nhận huyện Lương Tài (Bắc Ninh) đạt chuẩn Nông thôn mới

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ 16/6: Công nhận huyện Lương Tài (Bắc Ninh) đạt chuẩn Nông thôn mới

    19:00, 16/06/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bắc Ninh: Nâng cao giá trị cho nông sản từ thương hiệu, nhãn hiệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO