Theo dõi tin tức đã lâu, cũng đã hiểu được những gì phải trải qua khi đại dịch đến với nơi mình đang sống, nên chúng tôi phải lên đường để chống dịch, mang lại hạnh phúc, cuộc sống cho bệnh nhân.
Khi người anh có quyết định đi lên tuyến đầu trước, tôi đã nói: "Anh lên thấy khó khăn gì thì báo để em lên phụ nhé". Câu nói kèm bao nhiệt huyết trong tôi dân trào, vì tôi biết đây là những gì mà tôi nung nấu khi ngày đầu bước vào con đường mang chiếc áo blouse trắng.
“Gặp COVID-19” ngay tại nơi công tác
Trong khi các đồng nghiệp đàn anh, đàn chị của tôi đang tích cực điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 ở tuyến đầu, thì ngay tại bệnh viện đang công tác, tôi lại nhận ngay một ca bệnh mà bản thân đã nghi ngờ bệnh nhân đã mắc COVID-19. Ở khoa lâm sàng và sau đêm trực, bản thân không dám về nhà, vì đều đó có thể mang lại nguy hiểm cho gia đình tôi.
Đúng như những gì bản thân đã lường trước, bệnh nhân tôi nghi ngờ đó dương tính với COVID-19. Bây giờ, sự lo lắng mới bắt đầu dâng cao trong người, tôi tiếp xúc rất gần với bệnh nhân từ lúc nhận bệnh, không được bảo hộ. Và chắc cũng là điều may mắn, vì bệnh nhân nồng độ virut không cao, nên nguy cơ lây cho nhân viên y tế rất thấp.
Tôi lại trở lại công việc hằng ngày, của một bác sĩ hồi sức cấp cứu, được sự chia sẻ của người anh đang chống chọi trực tiếp với bệnh nhân hồi sức cấp cứu COVID-19, mức độ nguy hiểm của bệnh ngoài sức tưởng tượng, và cơ chế hoạt động cũng chưa được ổn.
Ngay từ ngày hôm đó, bản thân tôi nghĩ đã đến lúc phải đi lên chống dịch. Lúc 16h45, tôi xin Trưởng khoa để mình được đi. Được sự đồng ý của Trưởng khoa và Ban Giám đốc, tôi về khách sạn thu xếp quần áo và đi lên (từ khi tiếp xúc với bệnh nhân tôi đã không về nhà), ăn vội bữa cơm chiều với đứa em đồng nghiệp, tôi nói "lần này anh đi đây, ở nhà làm việc cần thì gọi lên giúp anh nha".
Hành trang là một valy quần áo do vợ tôi chạy về nhà chuẩn bị để mang ra khách sạn, và lời dặn anh “về sớm nha, chứ con và gia đình nhớ anh lắm”.
Tôi đi trên con đường giữa đêm, khi thành phố giãn cách, con đường bình thường đông đúc xe cộ qua lại, nhưng thời điểm này chỉ còn chiếc xe máy của tôi bon bon trên đường và dường như thời gian đang dừng lại. Tôi nghĩ về gia đình, nghĩ về “anh thanh niên” 19 tháng tuổi ở nhà, Ba đi chống dịch nhưng vẫn chưa nói với “anh thanh niên” lời nào, cũng chưa được ôm tạm biệt “anh thanh niên”.
Con đường rất ngắn, nhưng cảm xúc và suy nghĩ rất nhiều về chuyến đi này. Khi đứng trước cổng bệnh viện dã chiến số 1, nhiệt huyết của tôi dâng trào, một sự quyết tâm sẽ làm tất cả mọi thứ, để giúp đỡ bệnh nhân nhiều hơn.
Bác sỹ 9X lên tuyến đầu
Khi đến bệnh viện, gặp người anh và được biết dưới phòng bệnh “mọi thứ ngổn ngang lắm em à”, tôi quyết định nửa đêm xuống thăm bệnh. Cảnh tượng thật sự kinh khủng, một sự bàng hoàng đến không tưởng. Là một bác sĩ với 7 năm kinh nghiệm, nhưng đây là đầu tiên tôi tiếp xúc với khu bệnh mà mọi thứ lại diễn biến kinh khủng đến như vậy. Về lại phòng nghỉ ngơi, tôi và anh quyết tâm sẽ cố gắng ổn định lại mọi thứ từ bây giờ.
Sáng hôm sau, tôi vào trực chính của ca trực, được biết những đồng nghiệp cũng là những nhân viên đến từ nhiều bệnh viện, có bạn vẫn chưa tiếp xúc với môi trường hồi sức ngày nào. Sự khó khăn hiện ra đối với tôi càng ngày càng lớn, nhìn bệnh nhân đang cố gắng vượt qua cơn nguy hiểm, tôi dặn lòng cố gắng làm mọi thứ để tốt lên. Khi ở đây tôi nhận ra ranh giới của bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý hiện rất gần. Chúng tôi cùng nhau làm mọi thứ, không cần biết ai là bác sĩ hay điều dưỡng nữa. Sau khi bệnh nhân có thuốc xong, là lao vào chăm sóc bệnh nhân, thay ra giường, thay tã, cho bệnh nhân nằm nghiêng, vỗ lưng….
Những ngày tháng cứ trôi qua như vậy, và sự cố gắng của tất cả mọi người đã có kết quả. Quy trình làm việc trong khoa đã gọn hơn rất nhiều, chúng tôi có thời gian chăm sóc bệnh nhân nhiều hơn, mọi thứ hoạt động trơn tru hơn.
Nhưng sự tàn khóc của cuộc chiến này quá lớn, điều mà bác sĩ ICU như tôi lo lắng nhất và có thể là quyết định khó khăn nhất là khi phải đặt nội khí quản cho bệnh nhân. Qua thời gian làm việc và nhận thấy khi bệnh nhân đặt nội khí quản, thì đó gần như là một án tử biết trước cho bệnh nhân những ngày tới.
COVID-19 chia cắt mọi thứ mà bạn cũng không thể nào tưởng tượng ra được. Những cuộc gọi thông báo tin buồn cho gia đình bệnh nhân làm tôi không thể nào kìm lòng được. Bệnh nhân đi cách ly, rồi vào ICU chưa được gặp người thân ngày nào, giờ chỉ còn lại một cuộc điện thoại bác sĩ báo tin buồn cho gia đình. Một sự đau lòng không thể nói được thành lời.
Kết thúc 1 giai đoạn làm việc (giai đoạn này chúng tôi làm 14 ngày, nghỉ 14 ngày để theo dõi sức khoẻ), tôi trở về thời gian cách ly, và về nhà được mấy ngày để thăm gia đình, đặc biệt là thăm “anh thanh niên” 19 tháng tuổi ở nhà. Trước khi về, tôi cũng nói lại với người anh đồng nghiệp "cần em lên nữa thì nói em để đợt sau em lên nha".
Tiếp tục chiến đấu với COVID-19
Thời gian thấm thoát qua quanh, rồi tôi cũng nhận quyết định tiếp tục lên đường chiến đấu chống lại COVID-19 lần nữa. Lần này thì mọi thứ chuẩn bị cũng khác hơn và tôi cũng nhận một vị trí khác. Tôi quản lý các bệnh ICU để thay cho anh đồng nghiệp ra nghỉ vài hôm. Vị trí quan trọng, trách nhiệm cũng nặng nề không kém, nhưng rất may mắn là mọi người đã quen việc với làm tại môi trường ICU. Những đồng nghiệp đến từ nhiều đơn vị và cũng đã thống nhất với nhau quy cách làm việc trong khoa, nên mọi chuyện diễn ra có vẻ nhẹ nhàng hơn lần trước. Dù vậy, nhưng bệnh nhân nặng và tử vong thì ngày nào chúng tôi cũng phải đối mặt.
Hết khó khăn này đến khó khăn khác, chúng tôi còn đối mặt với cảnh vật tư, thuốc men không kịp cung ứng cho điều trị, trong khi lượng bệnh nhân ngày càng tăng cao, phải điều từ đơn vị này, qua đơn vị khác để cứu chữa.
Trong thời gian này, một kỷ niệm chắc tôi nhớ mãi, đó là điều trị cho bệnh nhân 13 tuổi khi mắc COVID-19 mức độ nặng phải nằm ICU. Cô bé bị viêm phổi, viêm cơ tim do COVID-19. Một sự lo lắng hiện ra trong đầu tôi. Đơn vị chúng tôi đang nhận điều trị bệnh nhân -19, lại rất thiếu phương tiện nay lại điều trị cho bệnh nhân viêm cơ tim. Sau khi hội chẩn, Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hoà đã cho tôi mượn máy tạo nhịp để làm tại bệnh viện dã chiến.
Là một người bác sĩ xuất phát từ tim mạch và cũng đã làm rất nhiều về kỹ thuật đặt máy tạo nhịp, nhưng lần này lại khác, tại một đơn vị thiếu thốn rất nhiều thứ, bệnh nhân nhỏ nhất mà tôi phải đặt và hơn hết là chỉ có một mình. Thủ thuật này, bình thường khi làm lúc nào cũng có 2-3 bác sĩ.
Mặc dù chỉ có một mình, nhưng tôi quyết tâm không để mình thất bại, bởi nếu thất bại đồng nghĩa với bệnh nhân cũng không cứu được. Cuối cùng may mắn vẫn ở bên tôi và bên cạnh bệnh nhân. Mọi thứ diễn ra xuông sẻ, bệnh nhân sau khi đặt thì khoẻ hơn rất nhiều, những ngày sau đáp ứng điều trị, và được rút máy khi tim hoạt động lại bình thường, bệnh nhân đươc xuất viện sau đó mấy ngày.
Kết thúc giai đoạn 2, tôi lại phải ra cách ly để theo dõi sức khoẻ. Thời gian này, tôi nhìn lại những gì mình đã trải qua, những cảm xúc đã có trong giai đoạn chống dịch. Tình hình dịch hiện tại ở nơi tôi đang sống đã có dấu hiệu giảm dần, mọi hoạt động trong khoa hồi sức bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch cũng đã dần ổn định.
Lần này ra không biết tôi có vào lại nữa hay không, nhưng trong lòng vẫn luôn hướng về bệnh nhân. Khi mọi chuyện khó khăn, cần tôi, thì tôi sẽ vẫn ở đó, bên cạnh để chiến đấu cùng bệnh nhân.
Hy vọng mọi chuyện tốt đẹp sẽ đến trong những ngày tới.
Có thể bạn quan tâm