Bắc Trung Bộ với “cuộc đua” thu hút vốn FDI

NGỌC THÁI 10/08/2023 11:40

Vài năm trở lại đây, thông qua các “chiến dịch” thu hút đầu tư, nguồn vốn FDI đã thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội của nhiều tỉnh vùng Bắc Trung Bộ với nhiều bứt tốc đáng ghi nhận.

>>Bên trong trung tâm kinh tế giao thương quốc tế của vùng Bắc Trung Bộ có gì?

p/Cảng nước sâu Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu giữa địa phương và các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ thông thương với Lào và các nước trong khu vực

Cảng nước sâu Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu giữa địa phương và các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ thông thương với Lào và các nước trong khu vực

Và, đằng sau những dự án sử dụng nguồn vốn FDI triệu USD đã thúc đẩy nhiều vùng, miền của Bắc Trung Bộ phát triển thì một số tỉnh lại có những cách thu hút “đại bàng” khác nhau về “làm tổ” ngay tại địa phương của mình.

Khoả lấp “vùng trũng” Bắc Trung Bộ

Với đặc thù vị trí địa lý có hệ thống cảng biển, các huyết mạch giao thông trải dài theo hướng Bắc-Nam, Bắc miền Trung lâu nay được ví như “đòn gánh” 2 đầu của đất nước và cũng là “mắt xích” quan trọng trong hệ thống “phên dậu” của Tổ quốc.

Ở khu vực này hiện cũng đã có Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) là 2 trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm được Chính phủ ưu tiên đầu tư, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn đã tạo đà chuyển biến mạnh mẽ trong hội nhập quốc tế trong những năm qua.

Đến nay, riêng Khu kinh tế Nghi Sơn đã thu hút được gần 300 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký đầu tư 149.538 tỷ đồng, thực hiện đạt 70.366 tỷ đồng và 24 dự án FDI, vốn đăng ký đầu tư hơn 12,8 tỷ USD. Giai đoạn 2015-2020, tại Khu kinh tế Vũng Áng cũng đã đóng góp phần 56% tổng thu ngân sách của tỉnh Hà Tĩnh, đặc biệt nguồn thu từ xuất nhập khẩu ở đây chiếm tới 97% của địa phương.

Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh tổng thể về tình hình phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, nhiều địa phương khu vực Bắc Trung Bộ vẫn hiện hữu nhiều “vùng trũng” về thu hút nguồn vốn đầu tư cần phải lấp đầy trong tương lai gần.

Còn tại Nghệ An trong vài năm trở lại đây lại có nhiều bước nhảy vọt trong việc thu hút nguồn vốn FDI hàng tỷ USD bằng loạt các dự án lớn đến từ nhiều tập đoàn kinh tế tên tuổi trong khu vực và trên thế giới như: VSIP, WHA, Goertek, Everwin, JuTeng, Luxshare ICT… Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023 với số vốn đăng ký 613,8 triệu USD, tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh 725,4 triệu USD, xếp vị trí thứ 8/63 tỉnh thành trong cả nước.

Hiện Nghệ An được ví như “con chim đầu đàn” trên lĩnh vực thu hút nguồn vốn FDI của cả vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 135 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 2.859 triệu USD, đứng thứ 30 cả nước, đứng thứ 8 vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

Nỗ lực dọn đường cho “đại bàng làm tổ”

Cùng với các địa phương trong cả nước, các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ cũng đã được hưởng lợi từ nguồn vốn Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), của Ngân hàng Thế giới (WB), đoàn chuyên gia Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đoàn công tác của nhà đầu tư Ấn Độ; Tập đoàn WHA của Thái Lan, Tập đoàn Ramky của Ấn Độ, Tập đoàn Millennium (Hoa Kỳ), Tập đoàn Compal (Đài Loan),…để kiến thiết hạ tầng địa phương, tạo chuyển biến với loạt các dự án có quy mô vào “làm tổ” để triển khai xây dựng.

Nhìn vào bức tranh thu hút vốn FDI trong vài năm trở lại đây có thể nhận thấy sự quan tâm, nỗ lực không ngừng của các tỉnh Bắc Trung Bộ với nhiều cách làm, tư duy đột phá khác nhau đã cho ra nhiều kết quả riêng cho mỗi địa phương từ Thanh Hoá cho đến Thừa Thiên - Huế.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Nghệ An cho rằng, địa phương luôn sử dụng phương châm “5 sẵn sàng” để hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư khi vào địa phương. Đó là, sẵn sàng về mặt bằng đầu tư; sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu; sẵn sàng về nguồn nhân lực; sẵn sàng đổi mới, cải cách, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh; và sẵn sàng hỗ trợ…để cùng nhau phát triển.

Còn tại tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 2010 đến nay, lũy kế tổng vốn đầu tư FDI “đổ bộ” vào địa phương cũng nằm trong top 10 cả nước. Riêng trong năm 2022, lũy kế tổng vốn đầu tư FDI vào Hà Tĩnh đạt hơn 11,7 tỷ USD, gần bằng tỉnh Thanh Hóa với nguồn vốn đầu tư 14,6 tỷ USD.

Giới đầu tư nhận định, sự chuyển dịch về dòng vốn FDI trong vài năm gần đây ở khu vực Bắc Trung Bộ có nhiều khởi sắc do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó tiềm năng về mặt bằng và lợi thế về nguồn lao động dồi dào đã góp phần cho các địa phương tranh thủ được cơ hội trong thu hút đầu tư.

Mặt khác, sự quan tâm về đầu tư hạ tầng, thay đổi tư duy thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh cùng với loạt dự án xây dựng hạ tầng giao thông, cảng biển, cảng hàng không…đã khiến khu vực Bắc Trung Bộ thực sự “thay da, đổi thịt” qua các năm.

Có thể bạn quan tâm

  • Thanh Hóa: Dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm

    Thanh Hóa: Dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm

    17:17, 06/07/2023

  • Hồ thủy điện Bản Vẽ lớn nhất Bắc Trung Bộ cạn kỷ lục

    Hồ thủy điện Bản Vẽ lớn nhất Bắc Trung Bộ cạn kỷ lục

    15:26, 09/06/2023

  • Bắc Trung Bộ nhiều dư địa phát triển kinh tế biển

    Bắc Trung Bộ nhiều dư địa phát triển kinh tế biển

    14:32, 29/04/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bắc Trung Bộ với “cuộc đua” thu hút vốn FDI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO