Chính phủ vừa ban hành Nghị định 16/2019/NĐ-CP sửa đổi và bổ sung điều kiện kinh doanh trong trong lĩnh vực ngân hàng thuộc phạm vi quản lý của NHNN.
Theo Luật sư Hà Vỹ- Văn Phòng luật sư Ánh Dương, Nghị định này có 2 điểm đáng chú ý, đó là việc sửa đổi điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thông tin tín dụng đối với công ty thông tin tín dụng quy định tại Khoản 5 Điều 7 Nghị định số 10/2010/NĐ-CP ngày 12/02/2010. Theo đó, công ty tín dụng phải có tối thiểu 15 tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô) cam kết cung cấp thông tin tín dụng và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài này không có cam kết tương tự với công ty thông tin tín dụng khác.
Có thể bạn quan tâm
11:45, 01/12/2018
06:16, 21/11/2018
11:11, 07/11/2018
10:08, 05/11/2018
Riêng về điều kiện chung để công ty tài chính thực hiện hoạt động ngân hàng (Điều 5 Nghị định 39/2014/NĐ-CP), Nghị định bãi bỏ điều kiện “hoạt động ngân hàng của công ty tài chính phải được ghi trong Giấy phép thành lập và hoạt động do NHNN cấp” và “đối với các hoạt động ngân hàng có liên quan đến hoạt động ngoại hối, công ty tài chính tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối”.
Về điều kiện công ty tài chính được phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn của tổ chức, Nghị định cũng bỏ các điều kiện không cần thiết, như “thời gian hoạt động tối thiểu, kết quả hoạt động, kinh doanh do NHNN quy định” và “Phương án phát hành giấy tờ có giá dài hạn phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng quản trị, hội đồng thành viên thông qua theo quy định của pháp luật”.
Bên cạnh đó, Nghị định 16/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 07/5/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt. Cụ thể, điều kiện để các tổ chức không phải là ngân hàng muốn cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được sửa đổi, bổ sung như sau: Có Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều lệ của tổ chức phê duyệt, trong đó tối thiểu phải có các nội dung: Quy trình nghiệp vụ kỹ thuật của dịch vụ đề nghị cấp phép, gồm: Tên, phạm vi cung ứng, đối tượng khách hàng, điều kiện sử dụng, sơ đồ và diễn giải các bước thực hiện nghiệp vụ, quy trình dòng tiền từ lúc khởi tạo giao dịch đến lúc quyết toán…
Về cơ chế đảm bảo khả năng thanh toán, gồm: Cơ chế mở và duy trì số dư tài khoản đảm bảo thanh toán, mục đích sử dụng tài khoản đảm bảo thanh toán; quy trình kiểm tra, kiểm soát nội bộ; quản lý rủi ro, đảm bảo an toàn, bảo mật...
Theo ông Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế TW, việc sửa đổi và bãi bỏ một số điều kiện kinh doanh thuộc quản lý của NHNN đã tạo ra sân chơi hoạt động dịch vụ kinh doanh ngân hàng được bình đẳng và minh bạch hơn..
Nghị quyết 19/CP, Nghị quyết 35/CP của Chính phủ đã được ban hành, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng cho thấy việc cắt giảm điều kiện kinh doanh của các Bộ ngành vẫn tiếp tục duy trì cho đến nay.
Tuy vậy, các bộ, ngành cần rà soát toàn diện hơn nữa đối với các điều kiện kinh doanh. Bởi chắc chắn chi phí kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và ngành ngân hàng nói riêng vẫn còn rất lớn và nhiều điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành khác vẫn còn có thể được cắt giảm mà không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh...