Bài học đắt giá từ vụ 7 công nhân tử nạn trong máy nghiền

PHẠM TUẤN 24/04/2024 15:02

Người lao động cần bảo vệ chính mình, có quyền từ chối làm việc nếu như công tác ATLĐ không được đảm bảo, điều này được chính luật pháp quy định.

>>Nghệ An: An toàn lao động tại các doanh nghiệp đang bị thả nổi?

Tôi làm công tác an toàn lao động (ATLĐ) trong một công ty của Nhật Bản nhiều năm. Bình thường, người Nhật cư xử khá nhã nhặn lịch sự, nhưng nếu vi phạm các quy tắc liên quan đến ATLĐ thì họ sẽ tức giận có thể quát tháo rất to. Đối với họ, an toàn là trên hết, không phân biệt việc an toàn đó dành cho ai, người nào, đối tượng nào.

Sự việc 7 công nhân tử vong thương tâm khi đang thực hiện công việc bảo dưỡng máy nghiền hồi 13 giờ 30 phút ngày 22 tháng 4 năm 2024, tại nhà máy công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng Sản Yên Bái, thuộc thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình là hậu quả nghiêm trọng của việc không tuân thủ quy định về ATLĐ.

Sau giờ ăn trưa, tổ bảo dưỡng gồm 10 người thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ máy nghiền số 3. Họ vào trong lồng máy thay tấm lót, kiểm tra và xiết ốc vít thì bất ngờ máy hoạt động làm 7 công nhân tử vong, 3 người bị thương.

Hiện trường vụ tai nạn lao động. Ảnh: VGP.

Hiện trường vụ tai nạn lao động khiến 7 công nhân tử vong. Ảnh: VGP.

Nhân viên phụ trách nguyên liệu của công ty bị công an bắt vì hành vi vi phạm quy định về ATLĐ, nhưng dù có bắt và xử lý thích đáng thì cũng chỉ thêm nỗi buồn cho người bị bắt và gia đình họ, chứ chẳng thể làm 7 người xấu số kia sống lại. Có chăng việc bắt giữ, xử lý này sẽ thành bài học đắt giá cho những người đang làm việc trong nhà máy, xí nghiệp về sự quan trọng của ATLĐ.

90% số vụ tai nạn lao động tại Việt Nam là do người lao động không tuân thủ quy định về ATLĐ, đặc biệt là an toàn có liên quan đến điện.

Người Việt Nam với nền văn minh lúa nước, làm nông nghiệp trồng trọt chăn nuôi từ nhiều thế hệ nối tiếp nhau nên quen với việc làm theo kiểu: “Trông trời, trông đất, trông mây. Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm”.

Tức là làm việc tự do phụ thuộc nhiều vào tình hình thời tiết, sức khoẻ và cả cảm hứng của bản thân. Việc tuân thủ những quy định khi làm việc trong nhà máy, xí nghiệp thường bị coi là gò bó, khó chịu, trong đó có quy định về ATLĐ. Khả năng phát sinh tai nạn lao động khi làm nông nghiệp thấp hơn và mức độ nghiêm trọng cũng thấp hơn nên nảy sinh tâm lý chủ quan, coi thường và có phần dễ dãi với tính mạng bản thân tới mức liều mạng.

Tâm lý và thói quen ấy vẫn còn nguyên khi họ vào làm việc trong nhà máy, xí nghiệp - nơi có máy móc thiết bị có thể gây ra hàng loạt tai nạn như: Va chạm với xe cộ, rơi ngã, kẹp kẹt, điện giật, phải bỏng, tiếp xúc hoá chất, khói khí độc... Và sự chủ quan này gây nên không ít vụ tai nạn đáng tiếc thương tâm.

Chính bản thân tôi khi đi kiểm tra an toàn trong nhà máy thấy công nhân viên vội vàng chụp mũ bảo hiểm lên đầu do sợ bị xử phạt chứ không phải vì an toàn bản thân, người thì vội vàng móc dây an toàn khi làm việc trên cao với tâm lý đối phó việc kiểm tra hơn là đảm bảo an toàn. Khi bị bắt gặp thì sẽ có đủ thứ lý do để bao biện như: “Trời nóng em vừa bỏ mũ ra cho bớt nóng”, hay “Cái móc dây an toàn nó làm em vướng thao tác quá, em vừa tháo ra một lúc”.

Về cơ bản, tôi sẽ không chấp nhận bất cứ lý do nào và chắc chắn công nhân đó sẽ bị xử phạt cho nhớ đến mức tuân thủ thì thôi.

>>Gia Lai: An toàn lao động ở khối doanh nghiệp có bị buông lỏng?

Đó là những lỗi nhỏ, còn liên quan đến sửa chữa điện thì bắt buộc phải sử dụng hệ thống LOTO (Lockout - Tagout) có nghĩa là “Khoá, bảo vệ - gắn thẻ hiển thị”. Khi sửa chữa thiết bị máy móc nào đó thì nơi cấp nguồn cho thiết bị sẽ được người thực hiện thao tác, ngắt nguồn điện, khoá lại cầm chìa khoá với một chìa duy nhất. Gắn thẻ hiển thị thiết bị đang được bảo dưỡng hoặc sửa chữa, có ghi cả số điện thoại của người thao tác để có thể liên hệ hoặc kiểm tra. Khi thực hiện xong, người thao tác sẽ mở khoá đóng điện cho thiết bị hoạt động trở lại. Thực hiện quy trình này chắc chắn thiết bị, máy móc sẽ được ngắt khỏi nguồn điện cung, đảm bảo an toàn cho người thao tác.

f

Cần tuân thủ quy trình để đảm bảo an toàn lao động, đặc biệt đối với lĩnh vực điện. Ảnh: Phạm Tuấn

Khi khoá tủ cấp điện thì không ai có thể phá khoá để bật hay đóng điện cấp cho thiết bị đang sửa chữa, bảo dưỡng, không thể kích hoạt được bất kỳ máy móc nào nếu nguồn cung năng lượng bị ngắt. Việc gắn thẻ hiển thị cảnh báo người khác biết máy móc, thiết bị đang được sửa chữa, bảo dưỡng nên không được tìm cách vận hành cho đến khi thẻ được người gắn gỡ bỏ.

Quy trình này không hề phức tạp mà còn tạo cảm giác yên tâm cho người thao tác khi họ làm việc. 7 nạn nhân và 3 người bị thương, nếu như nắm và hiểu rõ quy trình này, người quản lý buộc công nhân viên của mình tuân thủ thì khả năng sự cố sẽ không xảy ra.

Người lao động cần bảo vệ chính mình, có quyền từ chối làm việc nếu như công tác ATLĐ không được đảm bảo, điều này được chính luật pháp quy định. Hãy xem Điều 5 bộ Luật Lao động năm 2019 mục “d” có nội dung quy định: “Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe doạ trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ trong quá trình thực hiện công việc”.

Có thể bạn quan tâm

  • Nghệ An: An toàn lao động tại các doanh nghiệp đang bị thả nổi?

    11:00, 05/12/2023

  • Gia Lai: An toàn lao động ở khối doanh nghiệp có bị buông lỏng?

    15:00, 26/10/2021

  • An toàn lao động khi xây dựng các tòa nhà cao tầng tại Hải Phòng: Không được lơ là chủ quan

    05:53, 24/05/2019

  • An toàn lao động trong xây dựng đang bị xem nhẹ

    14:38, 28/09/2018

  • Khánh Hòa: Nhiều công trình, cao ốc “bỏ quên” an toàn lao động

    06:30, 03/08/2018

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bài học đắt giá từ vụ 7 công nhân tử nạn trong máy nghiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO