Có lẽ, chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận ra những bài học lớn cho ngành y tế từ câu chuyện dịch bùng phát từ “rốn dịch” Đà Nẵng.
Dù đã dự đoán rằng Đà Nẵng sẽ có thêm nhiều người nhiễm, nhưng thực sự nhiều người vẫn bị sốc trước con số kỷ lục. Tính đến 18h ngày 1/8 số ca nhiễm lên 118 ca và 03 ca tử vong gồm: BN428, BN437, BN499.
Theo đó, hiện Việt Nam có 586 ca bệnh, trong đó sáng 1/8, bệnh nhân 499 tử vong do ung thư máu ác tính, viêm phổi nặng và COVID-19. Đây là bệnh nhân COVID-19 thứ ba tử vong ở Việt Nam kể từ khi dịch bùng phát đầu năm nay. Hôm qua, hai ca tử vong là bệnh nhân 428, do nhồi máu cơ tim trên bệnh lý nền và COVID-19; bệnh nhân 437do sốc nhiễm trùng trên nền bệnh lý nặng và COVID-19.
Với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Y tế xác định tình hình ở Đà Nẵng không đơn giản do các bệnh nhân mắc COVID-19 đều là bệnh nhân đang điều trị bệnh lý nền nặng (cấp cứu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo). Do đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo sát sao; tập trung phương tiện, trang thiết bị; điều động lực lượng tốt nhất vào Đà Nẵng.
Trước đó, hình ảnh những bác sĩ từ hai bệnh viện lớn nhất nước là Chợ Rẫy và Bạch Mai đã hành quân đổ về vùng “rốn dịch” trong những ngày qua với một quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh cũng đang nhận được sự tri ân từ người dân địa phương và cả nước.
Tiếp theo, Bộ Y tế thành lập “Bộ phận thường trực đặc biệt Chống dịch COVID-19 tại Đà Nẵng”, nhiệm vụ chống dịch, truy vết, xét nghiệm và điều trị bệnh nhân.
Bộ phận thường trực chia thành 4 đội hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, là: Đội điều tra giám sát dịch; Đội điều trị; Đội xét nghiệm và Đội truyền thông.
Họ là các chuyên gia tinh nhuệ của Bộ Y tế, có kinh nghiệm xử lý các ổ dịch như Sơn Lôi, Hạ Lôi, Bạch Mai, Bình Thuận; nuôi cấy và phân lập nCoV; điều trị thành công các ca COVID-19 nặng thời gian qua.
Tất cả các bộ phận làm việc ngày đêm với quyết tâm cao nhất ngăn chặn dịch COVID-19 tại Đà Nẵng. Như tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Tập trung cao nhất khoanh gọn, dập sớm ổ dịch ở Đà Nẵng” đồng thời lưu ý các địa phương, đặc biệt các thành phố lớn tăng cường biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Thế nhưng, khi mà có những ca nhiễm cộng đồng vẫn chưa phát hiện được nguồn lây và bài học ở các nước về nguồn lây cũng là điều mà Việt Nam càng phải cảnh giác cao. Vì thế, chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận ra những bài học lớn cho ngành y tế từ câu chuyện dịch bùng phát từ “rốn dịch” Đà Nẵng.
Thứ nhất: Không được chủ quan, kể cả khi khống chế được dịch vì nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó có môi trường bệnh viện vẫn còn cao.
Bài học về Singapore cho thấy, nếu tính đến đầu tháng 3 quốc gia này được thế giới xem như hình mẫu về kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, với việc chỉ ghi nhận 100 ca nhiễm. Thế nhưng đến tháng 4, số ca nhiễm của quốc gia này đã chạm mốc 1.000. Cụ thể đến ngày 8/4 Singapore ghi nhận tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này là 1.481 ca, trong đó có 6 ca tử vong.
Điều khiến quốc gia này có số lượng nhiễm tăng cao trong tháng 4 bởi do trong cuộc chống dịch lần 2 này đã không thể kiểm soát được các ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng và các ca không rõ nguồn gốc, người ta thường gọi là mất dấu F0.
Hoặc, một bài học “xương máu” tại Hàn Quốc chính là minh chứng rõ nét nhất, khi hơn 30 ca nhiễm đợt 1 của quốc gia này đều được kiểm soát chặt chẽ, nhưng vì chủ quan nên “bệnh nhân số 31” trở thành thời điểm bùng nổ dịch COVID-19 của nước này khi cách ly xã hội không được thực hiện, bệnh nhân lại có hoạt động tôn giáo tại giáo phái Tân Thiên Địa.
Thứ hai: Bài học chung về trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm xã hội của mỗi người trong cộng đồng. Đồng thời, cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong mọi tình hình với phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Thứ ba: Xác lập cho mình tinh thần mới là sống chung với dịch bệnh để chủ động phòng ngừa. Giữ vững tinh thần: Làm sao chúng ta có thể đi mãi một con đường mà không gặp rủi ro?
Có thể nói, là một quốc gia phải chịu quá nhiều thiên tai, địch họa và dịch bệnh, Việt Nam có một số khả năng mà nhiều quốc gia khác không có. Việt Nam là đất nước lạ lắm! Chiến tranh không khuất phục, thiên tai không cúi đầu, dịch bệnh không run sợ! Chúng ta có thể huy động cả dân tộc làm một cuộc chiến thần kì mà các quốc gia khác không thể.
Và đó là những gì chúng ta đang cố gắng nhất hôm nay, để đẩy lùi đại dich COVID-19, chúng ta đã giành chiến thắng ở 2 giai đoạn ‘xâm nhập’ và ‘lây nhiễm cục bộ’. Điều đó củng cố niềm tin cho chúng ta sẽ giành chiến thắng ở giai đoạn 3 với tình trạng ‘lây nhiễm cộng đồng’ rất nguy hiểm.
Dù cuộc chiến chống COVID-19 lần này là cuộc chiến gian nan, lâu dài. Nên để chiến thắng đại dịch, ngoài niềm tin thì chúng ta phải biết chọn con đường cao hơn để đi tới đích, đó là con đường của sự hiểu biết, cảnh giác, can đảm, lòng trắc ẩn và tình yêu thương.
Có thể bạn quan tâm
18:37, 01/08/2020
18:09, 01/08/2020
16:32, 01/08/2020
11:07, 01/08/2020