Thông tin từ CTCP Bamboo Capital (HoSE: BCG) cho biết, ngày cuối của năm 2021, BCG đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận chào bán trái phiếu ra công chúng.
>>> Bamboo Capital mua lại 71% cổ phần AAA, mở đường vào Bảo hiểm
Theo Giấy chứng nhận chào bán trái phiếu ra công chúng số 327/GCN-UBCK và kế hoạch của BCG, BCG sẽ phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Tổng số lượng trái phiếu chào bán ra công chúng là 5 triệu trái phiếu, mệnh giá là 100.000 đồng/trái phiếu, mã trái phiếu là BCGH2126001.
Trái phiếu BCGH2126001 do BCG phát hành có lãi suất kết hợp lãi suất cố định và lãi suất thả nổi. Kỳ trả lãi là 6 tháng/lần kể từ ngày phát hành. Lãi suất cho hai kỳ tính lãi đầu tiên cố định bằng 11.5%/năm.
Lãi suất cho các kỳ tiếp theo sau hai kỳ tính lãi đầu tiên là lãi suất thả nổi bằng lãi suất tham chiếu cộng với biên độ là 6%/năm. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 5 năm với tổng giá trị chào bán là 500 tỷ đồng. Toàn bộ trái phiếu được phân phối thông qua đại lý phát hành là Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS).
Số lượng đăng ký mua tối thiểu đối với nhà đầu tư cá nhân là 1.000 trái phiếu (tương đương 100 triệu đồng), đối với tổ chức là 10.000 trái phiếu (tương đương 1 tỷ đồng). Thời gian nhận đăng ký mua và nhận tiền mua trái phiếu từ ngày 01/01/2022 đến 20/01/2022.
Mục đích của đợt phát hành trái phiếu lần này nhằm huy động vốn bổ sung vốn lưu động để tài trợ các dự án điện mặt trời, dự án điện áp mái, dự án bất động sản, đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn và nhu cầu vốn thực hiện mua bán sáp nhập và thực hiện hợp tác đầu tư và/hoặc đầu tư phát triển dự án.
Cụ thể, BCG dự kiến sẽ cho Công ty TNHH Điện gió Đông Thành 2 vay 247 tỷ đồng và cho Công ty cổ phần BCG Wind Sóc Trăng vay 253 tỷ đồng để đầu tư vào các dự án điện gió đang triển khai tại Trà Vinh và Sóc Trăng.
Chia sẻ thêm về đợt phát hành này, ông Phạm Minh Tuấn – Phó Chủ tịch HĐQT BCG cho biết: “Đây là lần đầu tiên BCG phát hành trái phiếu ra công chúng. Tương tự các công ty thành viên, chúng tôi không huy động trái phiếu vào các mục đích chung chung, mà huy động trái phiếu để đầu tư trực tiếp vào các dự án cụ thể tại các công ty đang triển khai dự án. Vì thế mà dòng tiền được kiểm soát chặt chẽ, chi phí vốn cố định, lãi và thời gian phải trả lãi, thời gian thu hồi vốn đã được chúng tôi tính toán trước kỹ càng để đảm bảo lợi ích và bảo vệ nhà đầu tư”.
Theo đánh giá chung, so với hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ, hình thức phát hành ra công chúng có nhiều quy định khắt khe với doanh nghiệp hơn, vì vậy đảm bảo tính minh bạch và an toàn hơn cho nhà đầu tư. Trước đó, BCG đã được FiinRatings – một bộ phận của FiinGroup, chuyên về xếp hạng tín nhiệm – đánh giá kết quả tín nhiệm tích cực trong vai trò nhà phát hành. FiinRatings đánh giá hồ sơ rủi ro trong kinh doanh của BCG về trung và dài hạn là tương đối ổn định do tính đa dạng và khả năng luân chuyển hiệu quả các khoản đầu tư trong danh mục của BCG.
>>> Siết ngân hàng đầu tư trái phiếu, doanh nghiệp bù đắp hụt vốn từ đâu?
Đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, theo FiinRatings, các dự án năng lượng mặt trời đã đi vào hoạt động từ năm 2019 và đầu năm 2021 được dự báo sẽ đóng góp khoảng 20% đến 30% vào doanh thu và lợi nhuận trước khấu hao, lãi vay và thuế của BCG trong giai đoạn 2021 - 2022. Doanh thu năm 2021 của BCG được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh ở mức 231,7% với kỳ vọng doanh thu từ mảng năng lượng tái tạo dự kiến khoảng 1.200 tỷ đồng và doanh thu bất động sản dự kiến đạt khoảng 3.000 tỷ đồng. "Từ năm 2022 trở đi, khi khung pháp lý về cơ chế giá năng lượng tái tạo và cơ chế đầu tư được kỳ vọng sẽ trở lên rõ ràng, FiinRatings tin rằng BCG sẽ tiếp tục và đẩy nhanh các hoạt động đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo và duy trì như một mảng kinh doanh cốt lõi của BCG", hãng đánh giá tín nhiệm này nhận định.
Trước đó, trao đổi với nhà đầu tư và cổ đông tại đại hội đồng cổ đông thường niên, ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch BCG cũng cho rằng việc huy động vốn trái phiếu cho các dự án năng lượng tái tạo là giải pháp vốn tối ưu, chi phí phù hợp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư dự án và dễ cấu trúc vốn, trả nợ trong thời gian đúng hạn.
Trên thị trường trái phiếu Việt Nam, mặc dù trước bối cảnh tăng trưởng nóng và đầy rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp không có định mức tín nhiệm, hồ sơ tín nhiệm tốt, lãi suất cao và "3 Không", cơ quan quản lý thị trường đã có động thái chính sách thanh tra, giám sát, siết chặt để đảm bảo minh bạch, an toàn cho nhà đầu tư và sự ổn định của thị trường; Tuy nhiên, giới chuyên môn đánh giá điều này không cản trở cơ hội huy động vốn của các doanh nghiệp có uy tín, có tài sản, huy động vốn có dự án và mục đích sử dụng vào dự án rõ ràng, minh bạch. Đặc biệt, với các doanh nghiệp đầu tư cho năng lượng tái tạo, thì xu thế thúc đẩy tài chính khí hậu được cho sẽ là điều kiện tốt cho các doanh nghiệp gọi vốn tài trợ các dự án có triển vọng.
Với BCG, trước đó, kế hoạch chào bán cổ phiếu ra công chúng, phát hành hơn 148,7 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 2:1) qua đó nâng vốn điều lệ lên 4.463 tỷ đồng triển khai vào tháng 12/2021 đã giúp công ty có thêm nguồn tài trợ dự án mới và bổ sung vốn lưu động. Song các kế hoạch đầu tư vào nhiều dự án để mở rộng hệ sinh thái gồm cả bất động sản, năng lượng tái tạo và gần đây, mở rộng sang lĩnh vực tài chính, mua lại Công ty bảo hiểm..., khiến cấu trúc nợ vay của BCG đang có tín hiệu vay dài hạn tăng đột biến, dòng tiền âm, doanh nghiệp cần có sự đột phá về kết quả kinh doanh trong giai đoạn mới. Điều này cũng đã được FiinRatings dự báo trong đánh giá tín nhiệm của BCG.
Theo Fiin Ratings, đòn bẩy tài chính của công ty sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới để tài trợ cho các dự án mới. Bởi với đặc thù thâm dụng vốn của ngành bất động sản và Năng lượng, kế hoạch phát triển tăng mạnh về quy mô hoạt động của BCG trong thời gian tới đòi hỏi nguồn vốn lớn trong giai đoạn 2021-2023. Trong khi đó, cơ cấu vốn chủ sở hữu của BCG tiếp tục duy trì ở mức khiêm tốn ngay cả khi các trái phiếu chuyển đổi được chuyển đổi sang cổ phần (và điều này đang được BCG khắc phục với các kế hoạch tăng vốn mới - PV). FiinRatings đánh giá tỷ lệ đòn bẩy và tỷ lệ chi trả nợ vay sẽ được cải thiện nhưng vẫn ở mức cao. Nợ vay/EBITDA (đã điều chỉnh) của BCG là 5,6 lần vào cuối năm 2020 và FiinRatings ước tính sẽ nằm trong khoảng 7 đến 8 lần vào cuối năm 2021.
"Công ty hiện đã có kế hoạch tăng vốn cùng với việc khai thác các nguồn tài trợ khác nhau trong trung hạn. Khả năng huy động vốn một cách kịp thời của Công ty trong khi vẫn duy trì tỷ lệ đòn bẩy và tỷ lệ chi trả nợ vay sẽ là một yếu tố đánh giá chính mà chúng tôi sẽ theo dõi trong thời gian tới", FiinRatings nhận định.
Có thể bạn quan tâm