Sáng 4/7, đã công bố lệnh của Chủ tịch nước về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Luật có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020.
Tại buổi họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về công bố 7 luật sáng 4/7, đại diện Bộ Y tế đã trình bày tóm tắt Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, trong đó có quy định người điều khiển phương tiện giao thông không được uống rượu, bia. Trả lời câu hỏi của phóng viên về các biện pháp của Bộ Y tế để sớm đưa Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia đi vào cuộc sống cũng như việc điều chỉnh các quy định tại Luật Giao thông đường bộ cho phù hợp, ông Trương Quốc Cường – Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, việc Quốc hội thông qua Luật vào thời điểm này là rất phù hợp, kịp thời, tạo điều kiện cho Bộ Y tế trong việc chăm sóc sức khỏe của người dân.
Có thể bạn quan tâm
12:34, 04/07/2019
18:36, 23/05/2019
16:36, 09/04/2019
06:30, 12/12/2018
09:05, 20/11/2018
"Tuy vậy, để luật sớm đi vào cuộc sống là điều không đơn giản, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành liên quan. Ngoài biện pháp tăng cường truyền thông nhằm thay đổi hành vi của người dân thì việc áp dụng chế tài đối với cá nhân vi phạm là rất quan trọng. 13 hành vi bị nghiêm cấm sẽ có chế tài tương ứng, đặc biệt là chế tài bảo vệ đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ dưới 18 tuổi, phụ nữ, người già. Để đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật, sắp tới cơ quan chức năng sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường bộ", ông Cường nhấn mạnh.
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định 3 biện pháp chính trong phòng, chống tác hại rượu bia. Trong đó, một trong những biện pháp được áp dụng là giảm mức tiêu thụ rượu bia: Quản lý việc khuyến mại rượu, bia, bia có độ cồn dưới 15 độ, quản lý việc quảng cáo rượu bia có độ cồn dưới 15 độ, quản lý việc tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu, bia. Đặc biệt, Luật còn quy định 7 địa điểm không được uống rượu bia. Đó là những địa điểm công cộng mà việc sử dụng rượu, bia có thể tác động đến cộng đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến nhóm người dưới 18 tuổi, người bệnh, học sinh, sinh viên...
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia bổ sung biện pháp kiểm soát quảng cáo đối với rượu bia dưới 15 độ nhưng có phân chia mức độ kiểm soát khác nhau tương ứng với nồng độ cồn trong sản phẩm. Luật cũng quy định các biện pháp quản lý đối với sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh. Luật còn nêu rõ, người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu bia trước, trong khi tham gia giao thông và trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở kinh doanh , vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải trong việc phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu bia…
Việc xây dựng, ban hành Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia là một yêu cầu cấp thiết để góp phần hạn chế ảnh hưởng tiêu cực do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. Việc xây dựng Luật dựa trên các quan điểm ưu tiên bảo vệ sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân, gia đình và xã hội, là nguồn lực quý giá trong phát triển bền vững đất nước; giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong do sử dụng rượu, bia gây ra. Ngoài ra, phòng ngừa và giảm bớt các hậu quả về xã hội (tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, tội phạm, thương tích, an ninh trật tự, bất bình đẳng giới, đói nghèo) và gánh nặng kinh tế để khắc phục hậu quả do sử dụng rượu, bia gây ra…