Cơ chế điều chỉnh giá điện linh hoạt 2 tháng/lần. Vì sao một khái niệm nghe có vẻ tích cực lại gây nhiều băn khoăn đến vậy?
Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu, theo đề nghị của Bộ Công Thương là 2 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Đề xuất được Bộ Công Thương đưa ra khi xây dựng dự thảo Nghị định Quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh, căn cứ lập và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.
Nếu theo dõi có thể thấy, trong khi giá xăng dầu - một nguồn năng lượng khác - thường dao động theo cả hai chiều tăng và giảm, thì giá điện lại gần như chỉ đi một chiều: tăng. Lịch sử này khiến người dân và doanh nghiệp luôn dè chừng mỗi khi nghe đến hai từ "điều chỉnh". Việc điều chỉnh diễn ra 6 tháng một lần đã gây áp lực không nhỏ, giờ đề xuất tăng tần suất điều chỉnh lên 2 tháng một lần có thể khiến nhiều người lo lắng về viễn cảnh một năm giá điện tăng tới.. 6 lần.
Điện là một chi phí thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Đối với doanh nghiệp, giá điện quyết định một phần đáng kể giá thành sản phẩm, từ đó ảnh hưởng đến sức cạnh tranh trên thị trường. Còn đối với người dân, đặc biệt là các hộ gia đình, giá điện chi phối không nhỏ hầu bao, làm tăng thêm gánh nặng tài chính trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng leo thang.
Không chỉ dừng lại ở việc tăng giá, vấn đề còn nằm ở tính ổn định. Biến động liên tục của giá điện khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch tài chính, người dân thiếu đi sự chủ động trong quản lý ngân sách, còn môi trường đầu tư mất đi sức hấp dẫn.
Đáng chú ý, giá điện rẻ từng là một lợi thế cạnh tranh quan trọng giúp Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Nếu giá điện không ổn định hoặc tăng quá cao, chúng ta không chỉ mất đi lợi thế này mà còn phải đối mặt với nguy cơ bị các nhà đầu tư "quay lưng".
Đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện xuống 2 tháng/lần được nhiều chuyên gia đánh giá là phù hợp với cơ chế thị trường. Tuy nhiên, theo chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình, tính khả thi của đề xuất này vẫn là một dấu hỏi lớn.
Thực tế, dù đã có quy định rút ngắn thời gian điều chỉnh từ 6 tháng xuống 3 tháng, nhưng quá trình này chưa được thực hiện đồng bộ. Ông Đào Nhật Đình đặt vấn đề: “3 tháng/lần còn chưa thực hiện được, thì liệu 2 tháng/lần có khả thi hay không?”
Việc điều hành giá điện chậm trễ như hiện nay khiến áp lực tăng giá trở nên dồn nén. Một năm chỉ điều chỉnh 1-2 lần dẫn đến xu hướng giá điện luôn tăng thay vì có sự linh hoạt trong tăng giảm theo thị trường. Nếu thời gian điều chỉnh được rút ngắn và thực hiện đúng lộ trình, người dân có thể thấy sự minh bạch hơn trong việc điều hành giá điện, cũng như giảm bớt áp lực từ những lần tăng giá đột ngột.
Câu chuyện về ngành điện không chỉ dừng lại ở giá cả. Quy hoạch điện 8 được kỳ vọng là nền tảng để đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế liên tục chậm trễ từ khâu xây dựng đến triển khai. Tình trạng này không chỉ khiến hàng loạt dự án "đứng hình" mà còn làm dấy lên lo ngại về nguy cơ thiếu điện, nhất là tại khu vực phía Bắc, nơi nhu cầu điện tăng cao với định hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng yêu cầu giải quyết các vướng mắc và hoàn thành việc bổ sung, cập nhật kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 vào tháng 4/2024. Tuy nhiên, đến cuối tháng 12/2024, yêu cầu này vẫn chưa được thực hiện.
Ngày 25/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc chậm trễ trình bổ sung, cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8. Bởi sự chậm trễ này không chỉ làm giảm lòng tin mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo nguồn năng lượng ổn định – yếu tố sống còn cho sự phát triển kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút đầu tư công nghệ cao.
Động thái Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm tập thể và cá nhân chậm trễ là cần thiết, nhưng điều quan trọng hơn là cách khắc phục. Nếu không nhanh chóng tháo gỡ các nút thắt và đẩy nhanh tiến độ, nguy cơ thiếu điện sẽ trở thành rào cản lớn cho phát triển kinh tế, làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực.
Ngay sau đó, Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã ký quyết định ban hành phụ lục bổ sung, cập nhật danh mục dự án nguồn điện để thực hiện Quy hoạch điện 8... Du đây là một bước đi tích cực, nhưng cũng không thể xóa tan những lo lắng về khả năng triển khai trong thực tế.
Quy hoạch là bước khởi đầu cần thiết, nhưng từ quy hoạch tới thực thi là một chặng đường dài, đầy rẫy thách thức. Người dân và doanh nghiệp đều thấm thía bài học từ những lần chậm trễ trước đây, khi các dự án năng lượng quan trọng không thể triển khai đúng tiến độ. Điều này không chỉ khiến nỗi lo thiếu điện trở thành hiện thực trong một số giai đoạn mà còn làm mất đi cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao vốn rất nhạy cảm với yếu tố năng lượng.
Yêu cầu về hạ tầng điện không chỉ dừng lại ở việc đảm bảo đủ nguồn cung mà còn phải đáp ứng được tính ổn định, bền vững và giá cả hợp lý. Tuy nhiên, khi các dự án còn nằm trên giấy, tâm lý phập phồng của người dân và doanh nghiệp là điều không thể tránh khỏi. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nỗi lo thiếu điện của người dân và doanh nghiệp sẽ khó sớm được xua tan.
Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao của khu vực, những vấn đề như sản lượng điện, hạ tầng điện, và sự ổn định của giá điện là yếu tố quyết định. Một khi bài toán này chưa có lời giải thỏa đáng, những kỳ vọng vào sự bứt phá kinh tế cũng khó có thể trở thành hiện thực.
Và giá điện linh hoạt, nếu không được thiết kế với sự minh bạch và công bằng, sẽ chỉ khiến người dân và doanh nghiệp thêm nặng gánh. Vì vậy, điều cần làm lúc này không chỉ là điều chỉnh cơ chế giá điện, mà còn là đảm bảo hạ tầng năng lượng ổn định và xây dựng lòng tin nơi cộng đồng.