Pháp luật là công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội, vì vậy rất cần thiết sự liêm chính trong công tác xây dựng pháp luật…
Có liêm chính sẽ không quy định lợi ích thô thiển của các bộ ngành khác, đặc biệt là lợi ích của bộ ngành soạn thảo, xây dựng dự án luật.
Đó là phát biểu của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Mai Bộ khi Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; các Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, vào ngày 26/3 vừa qua.
Cũng theo ông, nếu thiếu hoặc không có sự liêm chính và đặc biệt là thiếu liêm chính trong quá trình soạn thảo, thẩm tra dự án luật, thì sẽ tạo ra những “dự án luật rất nhiều khuyết tật”.
Cụ thể: “Khuyết tật” thứ nhất là mâu thuẫn chồng chéo với văn bản pháp luật mà Quốc hội các khóa trước đã dày công ban hành. “Khuyết tật” thứ hai là công cụ để ban soạn thảo hoặc là hiện thực hóa lợi ích của bộ ngành mình, trong đó có lợi ích xung đột với lợi ích của nhân dân hoặc là công cụ để chiếm quyền của bộ ngành khác và trái với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ cũng như Luật Tổ chức chính quyền địa phương. “Khuyết tật” thứ ba là vòng đời của các văn bản luật đó rất ngắn và kéo theo Chính phủ, Quốc hội phải tốn kém thời gian, kinh phí để ban hành luật khác thay thế.
Liên quan đến vấn đề này, còn nhớ tại một hội nghị trực tuyến của Chính phủ về “công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật”, Thủ tướng từng thẳng thắn chỉ ra chất lượng một số dự án luật còn kém, vòng đời dự án luật ngắn, đặc biệt thể chế kinh tế còn nhiều vấn đề. Việc tổng kết đánh giá tác động luật còn hạn chế, làm chưa kỹ, luật mới ra đời đã phải sửa chữa. Tình trạng xin lùi, xin rút và văn bản ban hành trái pháp luật vẫn còn.
Thực tế cho thấy, quy trình làm chính sách hiện tại, thường là một bộ, ngành được giao chủ trì soạn thảo luật, nghị định, các bộ, ngành có liên quan sẽ tham gia góp ý, và như thế dấu ấn của bộ chủ trì sẽ rõ nét nhất. Mà, có những bộ, ngành thì tinh thần cải cách rất mạnh mẽ, có những bộ, ngành thì ngược lại, nên chuyện “quyền anh, quyền tôi” cũng khó tránh. Nếu chuyện giành quyền cho mình để vụ lợi thì đó cũng có thể coi là hành vi “tham nhũng chính sách”.
Hành vi này cực kỳ nguy hiểm vì nó tạo căn cứ pháp lý bảo vệ cho hành vi tham nhũng có hệ thống. Nữ ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai dẫn chứng: “Các Quỹ tài chính ngoài ngân sách trong nhiều đạo luật. Trên cơ sở giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 792 đề nghị rà soát và loại bỏ tất cả những quỹ hoạt động không hiệu quả. Bên cạnh những quỹ hoạt động hiệu quả, thì hiện nay trên thực tế vẫn tồn tại hơn 40 quỹ tài chính ngoài ngân sách, trong đó có những quỹ gây lãng phí rất lớn cho ngân sách nhà nước. Và điều đáng băn khoăn là trong số 72 đạo luật được Quốc hội Khóa XIV thông qua, thì vẫn còn đến ¼ số đạo luật có quy định đề xuất thành lập và duy trì quỹ tài chính ngoài ngân sách”.
Nói cách khác, quá trình làm chính sách dễ bị ảnh hưởng bởi các lợi ích cục bộ, thường là của cơ quan được giao nhiệm vụ soạn thảo chính sách. Dù không hoàn toàn xuất phát từ lợi ích cục bộ, nhưng nhìn chung, các phương án chính sách có thể được thiết kế theo hướng có lợi cho cơ quan hoạch định. Các lợi ích cục bộ này mang tính thể chế (không phải mang tính cá nhân), vì khi người lãnh đạo thể chế đó được chuyển đến một cơ quan khác, họ lại có thiên hướng bảo vệ lợi ích của cơ quan mới.
Vấn đề ở chỗ, các mánh khóe tham nhũng trong chính sách lại không phải là điều dễ nhận biết, do tính chất tập thể của chúng, chính xác bởi hai lý do cơ bản sau: Một là, ban hành chính sách là một công việc mang tính chính trị rất cao. Hai là, những tác động, hệ lụy của chính sách là rất khó nhận biết ngay từ đầu.
Vì lẽ đó, chúng ta thấy một điểm chung ở đây là một chính sách phát triển đất nước “méo mó” nếu được thông qua có thể mang lại nguồn lợi khổng lồ cho một số người, nhưng đồng thời cũng làm cạn kiệt các nguồn lực của đất nước. Một quy định không chính đáng được “cài cắm” vào trong chính sách có thể hợp pháp hóa lợi ích vô tận cho một số người, nhưng cũng làm cho đời sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp gặp muôn vàn khó khăn.
Thủ tướng Chính phủ đã hơn một lần nhấn mạnh, chống tham nhũng nói chung đã quan trọng, chống tham nhũng trong làm chính sách càng quan trọng hơn. Cái cần phải chống ở đây, theo người đứng đầu Chính phủ là lợi ích nhóm, là “quyền anh, quyền tôi”.
Cũng bởi vì, một quốc gia thành công hay không thì khâu đột phá đầu tiên là thể chế, pháp luật. Tức là, nếu không có sự liêm chính trong xây dựng luật pháp thì khó có thể tạo ra được sự đột phá cho thể chế, cho phát triển!
Có thể bạn quan tâm
07:40, 27/03/2021
13:00, 26/03/2021
16:31, 25/03/2021
10:00, 25/03/2021
10:44, 24/03/2021
10:32, 24/03/2021
10:21, 24/03/2021
09:58, 24/03/2021
05:38, 24/03/2021
16:01, 18/03/2021
10:37, 18/03/2021
12:15, 15/03/2021
10:00, 08/03/2021
11:50, 25/02/2021
13:06, 23/02/2021