Bàn về sự tôn nghiêm trong giáo dục

SÔNG HÀN 19/02/2021 11:00

Sự thiếu tôn nghiêm trong giáo dục gần đây ngày càng trở nên nghiêm trọng. Vì sao?

Từ chiều 17/2 vừa qua, cộng đồng mạng xôn xao liên tục lan truyền clip ghi lại hình ảnh một nam sinh thẳng tay tát cô giáo giữa lớp học vì bị cô giáo tịch thu điện thoại.

Clip

Clip ‘học sinh tát cô giáo’ ngay trên bục giảng đang lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội.

Cụ thể, đoạn clip ghi lại hình ảnh nam sinh ngồi cuối lớp căng thẳng hô lớn ‘cô phải trả lại’ kèm theo lời chửi tục. Sau đó, nam thanh niên đứng dậy bước lên bục giảng mặc bạn bè can ngăn ‘thôi, thôi’. Khi đến bục giảng, nam sinh cầm lấy chiếc điện thoại đang để trên bàn, quay sang tát cô giáo rồi quay lưng đi thẳng về chỗ ngồi. Vụ việc xảy ra chớp nhoáng, cô giáo không kịp phản ứng gì trong khi cả lớp ồ lên ngỡ ngàng.

Liên quan đến clip ‘học sinh tát cô giáo’ ngay trên bục giảng, tối 18/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết ngay khi nắm được thông tin, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các Sở GD-ĐT rà soát, kiểm tra tại các đơn vị trường học trên địa bàn. Đồng thời, đề nghị các cơ quan, đơn vị chức năng vào cuộc xác minh tính xác thực của nội dung clip này.

‘Nếu nội dung clip trên được xác minh là có thật, Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo Sở GD-ĐT, nhà trường liên quan tiến hành xử lý nghiêm khắc học sinh theo quy định hiện hành của ngành giáo dục và quy chế của cơ sở giáo dục’- Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.

Dĩ nhiên, sự việc này nhận được sự quan tâm sâu sắc từ dư luận, cũng như các chuyên gia. Bởi nó diễn ra ở môi trường giáo dục, ở cái nôi đào tạo con người, trui rèn nhân cách, văn hóa… của mỗi cá nhân. Từ đó, hình thành nên những con người xã hội có ích cho cộng đồng.

Khách quan mà nói, việc học sinh ngang nhiên tát cô giáo chỉ vì bị thu giữ điện thoại trong lớp học là sự băng hoại đỉnh điểm về đạo đức xã hội. Nhưng vấn đề gì cũng có hai mặt, cần xem lại vì sao một học sinh lại dám đánh cô giáo. Người thầy, người cô cũng cần coi lại mình có đối xử, có vấn đề nào đó để học sinh bộc phát hành vi không thể chấp nhận được?

Thực tế, những người còn biết ‘tôn sư trọng đạo’ thì không bao giờ chấp nhận. Đây là hành động không thể chấp nhận được, đi ngược lại truyền thống ‘tôn sư trọng đạo’ của dân tộc ta. Học sinh đang thể hiện cái tôi bằng cách sai lệch đạo đức, cần chấn chỉnh nghiêm khắc.

Nên, đã có một sự ‘dậy sóng’ từ dư luận khi yêu cầu phải kỷ luật thật nặng em học sinh này, thậm chí phải dùng pháp trị để chấn chỉnh hành vi phản cảm này ở môi trường giáo dục, âu cũng là điều dễ hiểu.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng: “Hành vi ấy xâm phạm nghiêm trọng đến khách thể mà Nhà nước cần bảo vệ, đó là mục tiêu giáo dục nhân cách con người có ích cho xã hội và bảo đảm duy trì trật tự xã hội. Do đó, không thể lấy quy phạm đạo đức để điều chỉnh sự xuống cấp, băng hoại trong các quan hệ đạo đức, mà phải sử dụng pháp luật để trừng trị mới đủ sức răn đe.”

Dưới góc nhìn cá nhân, cũng với tư cách từng là người thầy, tôi không bao giờ chấp nhận những hình thức kỷ luật nặng nề như buộc thôi học hẳn các em hoặc dùng pháp luật để can thiệp vào những hành động mang tính chất gọi là ‘bạo lực học đường’ như thế. Bởi vì, khi một sự việc xảy ra mà nhà trường buộc thôi học thì vô tình đã đẩy các em ra bên ngoài xã hội, là dấu ấn xấu trong cuộc đời của một đứa trẻ. 

1

Hãy trả lại sự tôn nghiêm trong giáo dục.

Thế nên, có một số vấn đề đặt ra ở đây đó là:

Thứ nhất, tăng cường giáo dục học sinh từ cái nôi “gia đình”.

Thời gian gần đây, đạo đức xã hội có phần xuống cấp khi ngày càng xuất hiện nhiều clip bạo hành. Gia đình là nền tảng của xã hội nên việc giáo dục trong gia đình đóng vai trò cốt lõi. Tuy vây, việc giáo dục trong gia đình ở thời đại mới có phần bị xem nhẹ và đặt nặng trách nhiệm lên đôi vai người thầy, người cô.

Giáo dục có lỗi, nhưng bố mẹ em học sinh đó nói riêng và những trường hợp tương tự, không thể vô can và người lớn chúng ta cũng có phần trách nhiệm. Học trò ngày càng ít nghe lời thầy cô khi chính các em được gia đình bao bọc quá kỹ.

Đừng cứ mãi bảo ban hay ru ngủ nhau rằng: Ôi dào đó chỉ là cá biệt, bộc phát hoặc có gì đâu mà to chuyện!

Thứ hai, hãy trả lại cho người thầy những công cụ giáo dục cần thiết.

Mới chỉ cách đây 20 năm thôi, chuyện thầy cô phạt trò bằng roi, bắt quỳ, bắt thụt dầu không bị phụ huynh phản ứng mà trái lại còn được khuyến khích “nhờ thầy cô nghiêm khắc cháu mới nên người”. Khi học sinh bị phạt trên lớp cũng chẳng em nào dám về nói với gia đình vì sợ rằng nghe xong, ba mẹ lại nổi trận lôi đình phạt cho trận đòn đau gấp đôi thầy cô giáo.

Còn bây giờ thì, hầu hết phụ huynh phó thác việc dạy dỗ con cái mình cho nhà trường, cho thầy cô. Thế mà, có nhiều người còn luôn dặn con mỗi ngày đến trường “Thầy cô có đánh đập, có mắng chửi phải nói cho cha mẹ biết ngay”.

Chỉ một lời la mắng, quở trách, một roi phạt vào mông, một cái véo tai hay bắt phạt quỳ, thụt dầu thậm chí phạt lao động… khi trò phạm nội quy trường lớp, vậy mà không ít phụ huynh đã làm lớn chuyện kiện cáo khắp nơi cho đến khi thầy cô đến nhà xin lỗi hoặc bị kỷ luật mới thôi.

Thành thử, trò lười chẳng ai dám mắng, trò hư, nghịch ngợm chẳng ai muốn khuyên răn. Hậu quả này đâu chỉ mỗi gia đình mà toàn xã hội phải gánh chịu. 

Xin dẫn lời một người bạn và cũng là một người thầy rằng: “Trước đây chúng ta có một nền giáo dục cứng rắn. Thầy ra thầy, cô ra cô, trường ra trường, lớp ra lớp. Đừng nghĩ rằng thầy cô cho roi cho vọt là không thương trò. Hẳn cũng chẳng có bố mẹ nào nuôi con mà không đôi lần roi vọt, vài lần trách mắng. Đó là hệ quả của việc khi mà những công cụ giáo dục bị tước đoạt dần theo năm tháng.”

Thứ ba, ngành giáo dục cũng nên nhìn nhận lại phương cách, định hướng giáo dục.

Một thời gian dài chúng ta nói về những thứ đao to búa lớn như triết lý giáo dục, giáo dục khai phóng, giáo dục là con người chứ không phải trận đánh lớn… Nhưng bạo lực học đường mà gần nhất là phụ huynh đánh thầy cô và giờ là trò tát cô là điều rất khó chấp nhận.

Dù có lý tưởng, triết lý đến đâu thì rõ ràng, gần đây, sự thiếu tôn nghiêm trong giáo dục đang trở nên nghiêm trọng. Mà môi trường học đường thiếu tôn nghiêm thì dù có chí hướng tột bậc đến đâu, những thứ đạt được là vô nghĩa.

Chúng ta hãy thẳng thắn nhìn nhận, clip đó là thật. Cô giáo đứng lặng trong bất lực là thật. Cả sự hỗn hào, xấc láo cũng là thật. Cái tát của học sinh này là cú tát vào cách giáo dục quá chú trọng đến những thứ cao xa, vời vợi, hô hào khẩu hiệu cùng thành tích, hơn là lễ nghĩa cơ bản của thầy trò!

Điều này cũng có nghĩa, cả một thời gian qua chúng ta đã và cứ xuề xòa, xuê xoa, chữa mãi những nỗi đau giáo dục bằng kiểu xức dầu cù là, như thế thì phẩm giá giáo viên cùng giá trị của giáo dục sẽ còn bị hạ thấp hơn nữa.

Có thể bạn quan tâm

  • Những tấm gương “phản tác dụng” trong giáo dục

    11:00, 11/12/2020

  • “Cái tâm” trong giáo dục!

    05:00, 07/12/2020

  • Đầu tư giáo dục: Chặng đua đường dài

    11:01, 20/11/2020

  • Giáo dục đáp ứng nhu cầu: Chuyện... tư duy FPT

    11:30, 20/11/2020

  • Không thể thỏa hiệp trong lĩnh vực giáo dục

    05:00, 12/11/2020

  • Bao giờ Bộ trưởng Giáo dục thực hiện lời hứa của mình?

    11:07, 06/11/2020

  • Hoàn thiện cơ chế tự chủ trong giáo dục: Tài chính rạch ròi

    13:35, 05/11/2020

  • Hoàn thiện cơ chế tự chủ trong giáo dục: Minh bạch tổ chức

    11:01, 05/11/2020

  • 231 cái tát và tội ác không có điểm dừng

    04:12, 04/12/2018

  • "231 cái tát" và bài học cho phụ huynh dạy con tự bảo vệ mình!

    11:35, 27/11/2018

  • Những cái tát không dành cho riêng ai

    12:01, 24/11/2018

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bàn về sự tôn nghiêm trong giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO