Bằng giả - hệ luỵ thật

NHẬT QUANG 10/01/2024 04:00

Trong 13 người nghi sử dụng chứng chỉ giả có 11 người là giáo viên tiểu học, 1 người là kế toán, một người là nhân viên y tế các trường tiểu học trên địa bàn TP Bảo Lộc.

>>Giáo dục Việt Nam và những nỗi đau

Bộ máy hành chính, công quyền vẫn còn tồn tại việc nhiều vị trí chuộng bằng cấp, nặng hình thức, không chú trọng thực tài, đưa ra quy định tưởng như rất chặt chẽ để lựa chọn, tuyển dụng cán bộ, công chức, làm nảy sinh nhu cầu học giả, mua bằng rồi hình thức học chuyên tu, tại chức, bổ túc nhằm hợp thức hoá điều kiện về bằng cấp, chứng chỉ để được tuyển lựa vào công chức có ngạch bậc hưởng lương từ ngân sách. Một số đối tượng khi được tuyển vào rồi thì tìm cách gây bè, kéo cánh, tạo nhóm lợi ích đục khoét của công, sách nhiễu người dân. 

Tại Kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành giáo dục vừa qua, TP Bảo Lộc phát hiện 13 giáo viên hợp đồng và người lao động sử dụng chứng chỉ giả

Tại Kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành giáo dục vừa qua, TP Bảo Lộc phát hiện 13 giáo viên hợp đồng và người lao động sử dụng chứng chỉ giả.

Một số đối tượng không chịu trau dồi kiến thức nâng cao trình độ, được cử đi học thì nhờ học hộ, thi hộ, chạy chọt trước sau để cầm được mảnh bằng. Đã từng có câu: "Cầm tiền thì sợ tiền rơi. Cầm tờ A4 đời đời ấm no" để nói về vấn nạn chạy bằng cấp, chức vị nhức nhối trong xã hội. Do việc xét duyệt tuyển dụng chưa thật sự công bằng, nên không ít cán bộ có năng lực đã rời bỏ công sở ra ngoài chấp nhận sự mạo hiểm, bấp bênh để xây dựng sự nghiệp riêng.

Chế tài xử phạt việc mua bán, chế tạo các ấn phẩm, văn bằng chứng chỉ giả chưa đủ mạnh, nghiêm minh dẫn đến vì hám lợi vẫn nhiều kẻ làm liều. Dù biết vi phạm pháp luật, biết sẽ bị xử tù, nhưng sức cám dỗ từ lợi nhuận cao cùng nhu cầu phát sinh liên tục nên họ nhắm mắt làm liều, bất chấp hậu quả, chỉ đến khi tra tay vào còng số 8 mới hối hận thì đã muộn.

Bằng cấp, chứng chỉ xuất hiện ở nhiều lĩnh vực, nhưng có lẽ sử dụng bằng cấp giả trong ngành giáo dục là sự chua xót bởi cái ngành mà sản phẩm đầu ra rất đặc biệt đó là con người, cái giáo dục cần đào tạo trang bị cho học sinh, sinh viên không chỉ là kiến thức mà cần sự trung thực để làm người thì việc thầy cô sử dụng bằng cấp giả là việc không thể chấp nhận được.

Sự giả dối bắt đầu từ nơi dậy dỗ sự trung thực thì tương lai đất nước thật đáng lo ngại. Khi ở thành phố trung tâm lớn khả năng, trình độ dễ được nhận biết đánh giá hơn thì ở các vùng còn đang phát triển, có người lợi dụng sự lỏng lẻo của chính sách, chế tài mua bằng cấp, chứng chỉ giả để chen chân vào biên chế.

>>Tăng cường thanh tra, kiểm tra để tránh lạm thu trong giáo dục

Rất hoan nghênh việc làm cứng rắn mạnh mẽ của chính quyền thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng lập tức công khai vụ việc khi xử lý đơn tố cáo liên quan đến kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành giáo dục năm 2023. Sau khi xác minh, đã yêu cầu hiệu trưởng 5 trường học chấm dứt hợp đồng với 13 giáo viên, kế toán, nhân viên y tế sử dụng chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số không hợp pháp để được miễn thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tuyển.

Trong số 13 người nghi vấn dùng chứng chỉ giả có tới 11 giáo viên và  01 nhân viên kế toán, 01 nhân viên y tế. Trường tiểu học Lộc Sơn 1 có 9 trường hợp, còn lại là trường THCS Phan Chu Trinh, Trường tiểu học Lý Tự Trọng, Lộc Thanh.

Những trường hợp này Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Lâm Đồng kiểm tra hồ sơ không tìm ra thông tin lưu trữ về việc cấp chứng chỉ tiếng dân tộc. Cho nên hội đồng tuyển dụng đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an và vụ việc sẽ được làm sáng tỏ trong thời gian tới.

Kỳ thi tuyển viên chức ngành giáo dục ngày 02 tháng 12 năm 2023, riêng thành phố Bảo Lộc có tới 382 thí sinh tham gia dự thi trong khi chỉ có 254 chỉ tiêu. Chứng tỏ nhu cầu vào làm viên chức của địa phương này khá cao. Giáo viên tiểu học 110 chỉ tiêu, THCS 26 chỉ tiêu, kế toán 25, y tế 20, văn thư 16, thư viện 5, công nghệ thông tin 4, thiết bị 2, nên có sự cạnh tranh không hề nhỏ.

Vụ việc này thêm lời cảnh tỉnh đối với những ai cố tình vi phạm, lười biếng không chịu học thật thi thật mà chỉ lo đi chạy chọt mua bằng. Những kẻ làm bằng giả sẽ bị luật pháp trừng trị. Nhưng để giải quyết tận gốc của vấn đề thì cần có sự đánh giá khách quan, công bằng hơn khi tuyển dụng viên chức.

Bằng cấp chuyên môn là thứ cần thiết cho viên chức như người lính có vũ khí khi ra trận, nếu không chỉ là mảnh giấy không hơn không kém. Nếu cải cách thể chế, phương pháp tuyển dụng phù hợp, sẽ không còn khe hở để luồn lách, không còn nhu cầu mua bằng, chứng chỉ giả, thì sẽ không có người phải vào tù vì làm bằng giả.

Bằng giả nhưng hệ luỵ là hoàn toàn thật. Với người bị đi tù, người bị đuổi khỏi kỳ thi tuyển - đó là vết nhơ đi theo suốt cuộc đời.

Có thể bạn quan tâm

  • Giáo dục Việt Nam và những nỗi đau

    03:00, 05/10/2023

  • Tăng cường thanh tra, kiểm tra để tránh lạm thu trong giáo dục

    10:19, 10/09/2023

  • Nhiều nhà đầu tư “để mắt” đến giáo dục đại học Việt Nam

    02:30, 07/09/2023

  • Giáo dục Việt Nam: Học một đằng, làm một nẻo

    04:00, 28/08/2023

  • Giáo dục “cá nhân hóa”

    03:30, 06/08/2023

  • Trăn trở về một nền giáo dục

    21:21, 18/07/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bằng giả - hệ luỵ thật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO