Nhiều thành tích trên mặt trận kháng chiến lẫn làm kinh tế, câu chuyện của cựu chiến binh Đinh Văn Lời – mật danh “Báo đen” (TP. Hộ An, tỉnh Quảng Nam) đã để lại nhiều ấn tượng tại địa phương.
>>Cựu chiến binh, Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm và gia đình ủng hộ 31.8 tỷ đồng cho người nghèo và người dân bị bão lũ
Nỗi ám ảnh của quân thù
Vị cựu chiến binh Đinh Văn Lời (sinh năm 1950) tham gia vào hoạt động Cách mạng khi chỉ mới 13 tuổi. Hàng ngày, sau khoảng thời gian phụ việc tại xưởng mộc, thiếu niên tên Lời tham gia vào Đội biệt động thành Hội An để nhận nhiệm vụ.
Theo lời kể, thời gian đầu Đội biệt động thành Hội An (thị xã Hội An cũ) chỉ thực hiện tổ chức đấu tranh và vận động quần chúng nhân dân xuống đường đấu tranh lật đổ chế độ Thiệu Kỳ, yêu cầu quân Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Thời gian này, đã có cả chục nghìn người hưởng ứng phong trào đấu tranh.
Giai đoạn tiếp đến, Đội biệt động thành Hội An tiếp tục triển khai các hoạt động diệt ác phá kìm, đánh vào các cơ quan đầu não của tỉnh lị Quảng Nam tại thị xã Hội An. Từ đây, mật danh “Báo đen” – Đinh Văn Lời xuất hiện theo cả cách gọi của đồng đội cũng như quân thù.
Năm 16 tuổi (1966), cựu chiến binh Đinh Văn Lời trở thành Đội trưởng chỉ huy gần 70 người thuộc Đội biệt động thành Hội An. Giai đoạn này, hàng loạt trận đánh lớn nhỏ đã diễn ra gây tiếng vang lớn trên toàn địa bàn, lúc đó, địch phải phát truy nã để tìm bằng được người chỉ huy các trận đánh.
“Ban ngày anh em đều quan sát các hành động của địch, đêm đến, Đội sẽ phân chia nhiệm vụ để từng cá nhân hành động. Mọi công tác tổ chức, nhiệm vụ đều được thực hiện bí mật và đạt hiệu quả cao khiến quân địch lo lắng”, cựu chiến binh Đinh Văn Lời nhớ lại.
Chia sẻ về hoạt động lúc bấy giờ, “Báo đen” cho hay đã có nhiều lần Đội phá hủy cùng lúc nhiều xe bọc thép, xe chiến tranh tâm lý của địch. Ngoài ra, Đội biệt động thành Hội An cũng đánh thẳng vào ty thông tin, tiểu khu, nơi làm việc,... của địch tạo được tiếng vang lớn trên khắp địa bàn.
Nói đến mật danh “Báo đen”, cựu chiến binh Đinh Văn Lời cho hay tên gọi này vừa xuất phát từ cách gọi của đồng đội, vừa xuất phát từ cách gọi của địch. Bởi lẽ, khi thực hiện các nhiệm vụ, vị cựu chiến binh này thường chọn trang phục toàn đen để tránh bị phát hiện vào ban đêm. Khi địch truy đuổi cũng chỉ thấy thoáng qua chiếc bóng đen, không thể xác định rõ dạng người, đây chính là yếu tố khiến quân địch gặp khó khăn trong việc nhận dạng, truy bắt cũng như tâm lý lo lắng.
“Một điểm đặc biệt của Đội nữa là dùng súng đạn của địch để tiêu diệt địch, lúc đó việc tiếp ứng trang bị rất khó khăn. Vì vậy, anh em đã thống nhất nếu ai bị gọi đi lính thì sẽ chấp nhận thực hiện để gia nhập lực lượng của địch, từ đó lấy vũ khí của địch đưa ra bên ngoài thực hiện kháng chiến”, vị cựu chiến binh nói.
Trong trận đánh tối ngày 4 đến sáng ngày 5/5/1968, cựu chiến binh Đinh Văn Lời cùng 34 đồng đội bị địch bắt trên các đường phố Hội An. Sau 2 tháng tra tấn không có hiệu quả, các thành viên của Đội biệt động thành Hội An bị xử án, đày đi lao động khổ sai tại Côn Đảo.
Tại đây, các chiến sĩ vẫn tiếp tục tuyên bố chống các quy định của nhà tù gồm chào cơ và lao động khổ sai cho đến khi được trao trả vào tháng 2/1974.
Từ quân nhân đến doanh nhân
Sau khi được trao trả, “Báo đen” Đinh Văn Lời được tuyển vào làm việc tại lực lượng an ninh khu 5, trực tiếp bảo vệ các lãnh đạo của địa phương trong giai đoạn này. Tiếp đến là công tác trong lực lượng Công an của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cũ.
Sau đó, vì điều kiện gia đình khó khăn, ông Đinh Văn Lời xin được chuyển về công tác tại quê nhà Hội An ở cương vị Trưởng Công an xã Cẩm Nam, rồi đến Công an Thị xã Hội An, Ban tổ chức chính quyền Thị xã Hội An, rồi đến Phó Giám đốc Công ty dịch vụ ăn uống du lịch,... cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1991. Trong giai đoạn này, cựu chiến binh Đinh Văn Lời cũng song hành phát triển xưởng mộc cho riêng mình dựa trên nghề mộc Kim Bồng.
Tuy nhiên do kinh tế khó khăn, vị cựu chiến binh đành phải thế chấp ngôi nhà của mình để có thể nhập vật liệu để sản xuất các mặt hàng mộc dân dụng. Khi nền kinh tế mở cửa vào năm 1997, cơ sở sản xuất mộc của vị này mới thực sự bước vào giai đoạn phát triển.
“Lúc đó xưởng mộc chuyển sang gia công các mặt hàng gỗ mỹ nghệ, nhận được nhiều đơn đặt hàng từ nước ngoài, xuất khẩu đi 15 nước có hợp đồng chính thức. Giai đoạn này doanh thu của cơ sở lên đến 1 tỷ đồng mỗi năm. Từng bước tạo tiền đề cho những phát triển sau này”, ông Đinh Văn Lời cho hay.
Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch tại quê hương, vào năm 2002, ông Lời đã lên định hướng xây dựng một cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch để phục vụ du khách. Từng bước, vị cựu quân nhân chuyển đổi mô hình kinh doanh gỗ mỹ nghệ sang kinh doanh du lịch.
Đến nay, cựu chiến binh – doanh nhân Đinh Văn Lời đang có cho mình 4 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại TP. Hội An với hơn 100 phòng. Gặt hái nhiều thành quả ở tuổi thất thập, câu chuyện của “Báo đen” đã để lại nhiều ấn tượng tại địa phương.
Có thể bạn quan tâm