Ô tô - Xe máy

Báo động tình trạng học sinh đi xe máy gây tai nạn giao thông

Thanh Trà 18/12/2024 12:25

Trước tình trạng học sinh lái xe máy gây tai nạn nghiêm trọng, việc siết chặt quản lý và nâng cao ý thức an toàn giao thông là điều cấp bách.

Mối nguy hiểm tiềm tàng

Trong thời gian gần đây, tình trạng học sinh điều khiển xe máy khi chưa đủ điều kiện, đã gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, để lại hậu quả đáng tiếc cho bản thân các em và những người liên quan. Một số vụ việc cụ thể đã được ghi nhận, điển hình là vụ tai nạn xảy ra vào ngày 17/12 tại đường Lê Thanh Nghị, Mộc Châu, Sơn La.

Screenshot 2024-12-18 001454 (1)
Hiện trường vụ tai nạn giữa xe máy chở hai học sinh và ô tô di chuyển tại khúc cua. (Ảnh: MXH)

Theo hình ảnh và thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội, vào khoảng 11h06 phút, một vụ va chạm nghiêm trọng đã xảy ra giữa xe máy chở hai học sinh lớp 10 và một ô tô đang di chuyển. Hai học sinh không làm chủ tốc độ, ôm cua quá rộng, dẫn đến cú va chạm trực diện. Tại hiện trường, chiếc xe máy bị biến dạng hoàn toàn, hai em học sinh nằm bất động, trong đó một em bị thương rất nặng. Đây là hồi chuông cảnh báo về tình trạng thiếu ý thức và kỹ năng điều khiển phương tiện của học sinh.

Không chỉ vậy, vào ngày 16/12, một vụ tai nạn khác đã xảy ra tại quốc lộ 6, đoạn qua xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ. Xe máy chở ba học sinh đã va chạm với xe đầu kéo đang lưu thông. Cú va chạm mạnh khiến một học sinh tử vong tại chỗ, hai em còn lại bị thương nặng và được đưa đi cấp cứu.

Tình trạng học sinh sử dụng xe máy, xe gắn máy mà không đủ điều kiện hoặc thiếu kỹ năng lái xe an toàn không còn là hiện tượng đơn lẻ. Những vụ việc này cho thấy rõ sự chủ quan, thiếu quan tâm từ phía gia đình và sự quản lý chưa chặt chẽ từ phía nhà trường trong vấn đề đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh.

Cần siết chặt quản lý an toàn giao thông

Trước tình trạng đáng báo động này, việc triển khai các biện pháp cụ thể để nâng cao ý thức và kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh là vô cùng cấp thiết. Nghị định 151/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm siết chặt quản lý và đảm bảo an toàn giao thông đường bộ đối với học sinh.

Nhà trường đóng vai trò then chốt trong việc giáo dục và định hướng cho học sinh. Các chương trình hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn cần được triển khai thường xuyên, đặc biệt đối với học sinh sử dụng xe gắn máy dưới 50cc. Đồng thời, nhà trường cần yêu cầu học sinh và gia đình ký cam kết không điều khiển xe máy khi chưa đủ điều kiện theo quy định pháp luật. Việc tuân thủ pháp luật về an toàn giao thông nên được đưa vào tiêu chí đánh giá hạnh kiểm để nâng cao ý thức chấp hành của học sinh.

2-1710135415661 (1)
Đảm bảo an toàn giao thông cần sự chung tay của toàn xã hội để bảo vệ tính mạng và tương lai thế hệ trẻ. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh vai trò của nhà trường, gia đình cũng cần có trách nhiệm trong việc giáo dục và giám sát con em mình. Phụ huynh cần nâng cao nhận thức, tuyệt đối không giao xe cho con khi chưa đủ tuổi hoặc chưa được đào tạo kỹ năng lái xe an toàn. Việc thường xuyên nhắc nhở, trao đổi thông tin với nhà trường sẽ góp phần giúp học sinh hình thành thói quen tốt khi tham gia giao thông.

Cùng với đó, việc thực thi pháp luật cần được tăng cường một cách nghiêm túc. Các lực lượng chức năng cần kiểm tra và xử phạt nghiêm khắc các trường hợp học sinh vi phạm luật giao thông. Đặc biệt, những trường hợp phụ huynh hoặc người lớn giao xe cho học sinh khi chưa đủ điều kiện cũng cần bị xử lý nghiêm minh để răn đe và ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra.

Với sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các cơ quan chức năng, tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông và những tai nạn đáng tiếc sẽ từng bước được kiểm soát. Việc đảm bảo an toàn giao thông không chỉ là trách nhiệm của riêng học sinh mà cần sự chung tay của toàn xã hội nhằm bảo vệ tính mạng và tương lai của thế hệ trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Báo động tình trạng học sinh đi xe máy gây tai nạn giao thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO