Nhìn thẳng - Nói thật

Bảo hiểm xe máy “thu hàng trăm tỉ, bồi thường vài chục tỉ”, có bất thường?

Nguyễn Giang 18/01/2025 12:30

Theo lý thuyết, khi tai nạn, bảo hiểm sẽ là “phao cứu sinh”, được bồi thường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy bảo hiểm xe máy, mô tô lại đóng vai trò rất mờ nhạt…

bao-hiem-xe-may-thu-hang-tram-ty-boi-thuong-vai-chuc-ti-co-bat-thuong-2.jpg
Theo lý thuyết, khi gặp tai nạn, bảo hiểm sẽ là “phao cứu sinh” trong việc bồi thường...

Thu hàng trăm tỉ, bồi thường vài chục tỉ

Theo số liệu 6 tháng năm 2024 do các doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp, doanh thu phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ mô tô, xe gắn máy là 431,787 tỉ đồng; chi bồi thường là 41,9 tỉ đồng; dự phòng bồi thường là 35,867 tỉ đồng. Các khoản chi trên chưa tính chi hoa hồng, chi quản lý, chi bán hàng... cũng như trách nhiệm bồi thường phát sinh trong thời gian tới. Đến hiện tại, cơ quan quản lý cũng chưa có đầy đủ số liệu cập nhật cả năm 2024.

Nhìn lại thực tế, từ ngày 6/9/2023, Nghị định 67/2023/NĐ-CP trong đó có quy định về bảo hiểm bắt buộc của chủ xe cơ giới có hiệu lực. Tuy nhiên, thời gian qua cử tri hàng loạt địa phương trên cả nước như TP.HCM, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Nghệ An, Đồng Nai, An Giang,.. liên tục có công văn gửi Bộ Tài chính trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV kiến nghị cần đơn giản thủ tục giải quyết bồi thường cho bảo hiểm xe máy do thủ tục phức tạp, gây bức xúc cho nhân dân.

Đặc biệt, cử tri nhiều tỉnh thành bức xúc phản ánh hầu như rất ít người dân tham gia hưởng lợi, và đề xuất cần công khai chi trả đối với loại hình bảo hiểm này, đồng thời xem xét điều chỉnh quy định mua bảo hiểm xe máy nên là "tự nguyện" thay vì "bắt buộc" như hiện nay.

Phản hồi kiến của cử tri tỉnh An Giang và cử tri tỉnh Đồng Nai mới đây, Bộ Tài chính cho biết, trên thế giới hiện nay, hầu hết các nước đều áp dụng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe ô tô, mô tô, xe máy, thậm chí có quốc gia áp dụng cả với xe đạp điện.

Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (bao gồm cả ô tô, xe máy) được thực hiện tại Việt Nam từ năm 1988. Hiện nay, mô tô, xe gắn máy vẫn là nguồn phương tiện vận tải cơ giới chủ yếu và là nguồn gây tai nạn lớn nhất tại Việt Nam, chiếm 63,48% nguyên nhân gây ra tai nạn.

Số lượng xe máy tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới 6 tháng năm 2024 chỉ khoảng 6,5 triệu xe, chiếm khoảng 9% số lượng xe lưu hành.

Bộ Tài chính nhìn nhận, các quy định liên quan tới bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đã kế thừa và bổ sung nhiều quy định mới nhằm gia tăng quyền lợi cho chủ xe cơ giới về phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục bồi thường…

Bên cạnh đó, Bộ này cũng khẳng định, thời gian tới sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, tiếp tục nghiên cứu, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ bồi thường bảo hiểm, chi trả hỗ trợ nhân đạo, đảm bảo việc bồi thường bảo hiểm diễn ra nhanh chóng, đúng quy định, tránh trường hợp trục lợi bảo hiểm.

bao-hiem-xe-may-thu-hang-tram-ty-boi-thuong-vai-chuc-ti-co-bat-thuong-1.png
Tuy nhiên, thực tế cho thấy bảo hiểm xe máy, mô tô lại đóng vai trò rất mờ nhạt…

Người dân "quay lưng"!

Thắng thắn nhìn nhận, không ít người chia sẻ rằng, họ mua bảo hiểm xe máy chỉ để cho có, vì là bắt buộc, để xuất trình khi công an kiểm tra, còn khi có chuyện gọi cho ai, số nào, thủ tục ra sao thì đành chịu! Đáng nói, đều đặn mỗi năm, các doanh nghiệp bảo hiểm thu về hàng trăm tỷ đồng, nhưng tỉ lệ bồi thường chỉ dao động 10 - 20%. Phải thừa nhận, đây không phải do số vụ tai nạn quá ít mà vì người dân không trông cậy vào sản phẩm bảo hiểm này. Bởi, khi tai nạn xảy ra, họ tự giải quyết mà ít khi nghĩ tới gọi cho bảo hiểm vì nghĩ rằng thủ tục nhiêu khê. Rồi nhiều người không mua sản phẩm này, dù là bắt buộc.

Trong 10 năm qua, trung bình mỗi năm có 8.000 người chết và hơn 15.200 người bị thương do tai nạn giao thông, để lại đau thương về tinh thần và thể xác lẫn gây kiệt quệ tài chính của hàng ngàn gia đình. Vì vậy, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy được triển khai với mục tiêu nhân văn: chẳng may gây tai nạn cho ai đó, bảo hiểm sẽ đền, nhờ vậy người gây tai nạn giảm bớt gánh nặng tài chính, còn nạn nhân có tiền chữa trị...

Mục tiêu tốt đẹp là vậy, nhưng không phải đến bây giờ bảo hiểm xe máy mới bị người tiêu dùng “quay lưng” vì từ nhiều năm trước, thủ tục yêu cầu bồi thường ít người nào đáp ứng được. Khi báo chí liên tục phản ánh, Bộ Tài chính mới trình để ban hành nghị định 67, giảm bớt thủ tục yêu cầu bồi thường và tăng quyền lợi so với trước.

Nhờ vậy, nửa đầu năm 2024 doanh thu bảo hiểm bắt buộc xe máy, xe cơ giới đạt hơn 2.200 tỉ đồng, bồi thường gần 42 tỉ đồng, tuy cao hơn các năm trước nhưng quá nhỏ so với con số thực tế tai nạn trên đường phố. Và quan trọng hơn các con số, đó là người dân vẫn “ghẻ lạnh” với sản phẩm mà Bộ Tài chính luôn khẳng định "mang tính nhân văn".

Liệu việc đơn giản thủ tục yêu cầu bồi thường đã đủ để xoay chuyển cái nhìn của xã hội với bảo hiểm xe máy? Có lẽ câu trả lời là …chưa! Bởi hiện nay việc bán bảo hiểm này vẫn rất hời hợt, vô hình trung trở thành con dao hai lưỡi tiếp tục làm người dân quay lưng với sản phẩm này. Đáng nói, người bán hàng rong cũng có thể bán kèm bảo hiểm xe máy. Những giao dịch này chớp nhoáng, không tư vấn cách dùng, khách cầm tờ giấy màu vàng làm giấy "thông hành" đối phó lực lượng kiểm tra, còn tai nạn xảy ra có được bồi thường hay không thì chưa rõ?!

bao-hiem-xe-may-thu-hang-tram-ty-boi-thuong-vai-chuc-ti-co-bat-thuong-3.jpeg
Nhà nước cần có cải cách đối với quy định bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy. Qua đó, để người dân nhận thấy lợi ích thiết thực của tham gia bảo hiểm là rủi ro được san sẻ, lúc đó chính sách mới có hiệu quả.

Làm sao để chính sách hiệu quả?

Nêu quan điểm về vấn đề này, nhiều ý kiến chuyên gia đã thẳng thắn nhận định rằng, thực tế cho thấy bảo hiểm mô tô, xe máy đóng vai trò rất mờ nhạt trong việc chia sẻ rủi ro khi xảy ra tai nạn, người dân mua bảo hiểm mô tô, xe máy đa số chỉ mang tính “chống chế” do không thực sự mang lại giá trị như được kỳ vọng.

Do đó, các chuyên gia kiến nghị rằng, việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới nên được dựa trên sự tự nguyện của người dân. Nhà nước dần điều chỉnh quy định hiện hành sao cho việc mua bảo hiểm xe máy trở thành hình thức tự nguyện chứ không phải bắt buộc như hiện nay. Bên cạnh đó, nếu việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là tự nguyện cũng sẽ giúp thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các công ty bảo hiểm nhiều hơn.

Như chia sẻ của luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật EMME LAW, với mức phí bảo hiểm xe cơ giới khoảng từ 50.000 đồng trở lên/năm, mức phí này không nhiều và không phải là sự kiện bảo hiểm xảy ra thường xuyên. Tuy nhiên, thực tế khi mua bảo hiểm người dân vẫn chưa được công ty bảo hiểm nêu rõ sự kiện bảo hiểm nào sẽ được chi trả, mức chi bao nhiêu.

Ngoài ra, dù nghị định quy định rõ về thủ tục hồ sơ để đảm bảo quyền lợi cho người dân khi xảy ra tai nạn nhưng vấn đề này tương tự như bảo hiểm y tế hay hoàn thuế doanh nghiệp. Dù doanh nghiệp đảm bảo hồ sơ nhưng có công ty phải chờ mòn mỏi cả năm vẫn chưa được nhận. Như đã phản ảnh thực tế người dân mua bảo hiểm xe máy để đối phó với lực lượng cảnh sát giao thông.

Do vậy, luật sư kiến nghị, Nhà nước cần có cải cách đối với quy định bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy. Qua đó, để người dân nhận thấy lợi ích thiết thực của tham gia bảo hiểm là rủi ro được san sẻ, lúc đó chính sách mới có hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bảo hiểm xe máy “thu hàng trăm tỉ, bồi thường vài chục tỉ”, có bất thường?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO