Bảo lãnh doanh thu tối thiểu cho các dự án PPP đang là nội dung gây ra nhiều ý kiến trái chiều giữa nhà đầu tư và các cơ quan quản lý Nhà nước.
Nhìn ở góc độ của nhà đầu tư, doanh nghiệp cho rằng việc bảo lãnh doanh thu tối thiểu được xem là điều cần thiết và là niềm tin vững chắc để nhà đầu tư mạnh dạn nắm bắt cơ hội khi đứng trước bất cứ dự án đầu tư nào, đặc biệt là các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đòi hỏi vốn lớn, suất đầu tư cao, thời gian kéo dài như dự án cao tốc Bắc – Nam.
Nhà đầu tư “mong mỏi” bảo lãnh 80% doanh thu dự án
Là một trong những nhà đầu tư có kinh nghiệm tham gia các dự án hạ tầng giao thông Việt Nam, sau khi đã có kinh nghiệm làm dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), giãi bày rằng: Cần phải có bảo lãnh doanh thu, nhất là với những dự án lớn. Điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, xã hội mà còn ra tác động lan toả đến cả một vùng. Theo đó, việc bảo lãnh doanh thu cần phải đạt được 80% của dự án, song không cần bảo lãnh doanh thu dự án cả đời, chỉ cần tới 50% thời gian vòng đời dự án”.
Cùng với đó, ông Nguyễn Văn Tỉnh cho rằng, hiện nay, việc dự thảo Luật về đầu tư theo mô hình đối tác công tư (PPP) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì xây dựng và lấy kiến các Bộ, cơ quan ngang bộ, các tổ chức, doanh nghiệp quy định bảo lãnh doanh thu ở mức 75% là thấp và rất an toàn cho Chính phủ.
Ngoài ra, cũng liên quan đến việc bảo lãnh doanh thu, chưa có bảo lãnh doanh thu tối thiểu cho nhà đầu tư, đây cũng xem là nguyên nhân khiến 8 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông “bị ế” trước nhà đầu tư Nhật Bản và EU theo chia sẻ của ông Hồ Ngọc Loan - Phó giám đốc Ban Quản lý Dự án Thăng Long. Mặc dù, dự án đã có 170 nhà đầu tư, trong đó có 100 nhà đầu tư trong nước và 70 nhà đầu tư quan tâm đến dự án tại buổi xúc tiến đầu tư vào dự án này được Bộ Giao thông Vận tải tổ chức mới đây.
Hiện nay, liên quan đến việc quy định bảo lãnh doanh thu tối thiểu cho nhà đầu tư, dự thảo Luật PPP đang quy định, nguyên tắc áp dụng đối với phương thức này là trong 5 năm đầu vận hành công trình, Nhà nước bảo lãnh doanh thu tối thiểu, đảm bảo tới 75% doanh thu được dự kiến trong hợp đồng dự án và 65% trong 5 năm kế tiếp.
Trường hợp ngược lại, khoản doanh thu vượt quá 125% trong 5 năm đầu và 135% trong 5 năm kế tiếp sẽ được thanh toán cho phía Nhà nước. Trong khi đó, với bảo lãnh ngoại tệ, Chính phủ sẽ chi trả 100% hoặc một tỷ lệ nhất định đối với những thiệt hại do tỷ giá thay đổi cho nhà đầu tư và ngược lại, cũng có thể được hưởng một phần lợi ích nếu tỷ giá biến động có lợi.
Còn nhiều rủi ro
Bảo lãnh doanh thu là tâm tư, nguyện vọng của nhà đầu tư, doanh nghiệp đồng thời đây là một trong những cách thức khuyến khích khối tư nhân tham gia nhiều hơn vào hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến quan ngại như việc sẽ tăng gánh nặng lên ngân sách, thiếu minh bạch trong việc định giá dự án...
Theo đó, để tránh việc gia tăng gánh nặng ngân sách khi thực hiện bảo lãnh và tránh trường hợp xác định tổng mức đầu tư không sát với thực tế, dự thảo Luật PPP có đề xuất nguyên tắc trong trường hợp áp dụng quy định về đối tượng sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định, căn cứ vào tính chất và yêu cầu thực hiện dự án. Còn đối với các dự án khác thì Bộ quản lý ngành tự tổ chức thẩm định.
Tuy nhiên, cũng liên quan đến nguyên tắc áp dụng bảo lãnh doanh thu tối thiểu, Bộ Ngoại giao có ý kiến rằng: “Đối với mức bảo lãnh theo đề xuất dự thảo Luật PPP hiện nay đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình rõ hơn về cơ sở pháp lý và thực tiễn, cân nhắc chỉ nên bảo lãnh doanh thu trong thời hạn nhất định”.
Chính vì vậy, đây đang được xem điểm “gây khó” cho Ban soạn thảo trong quá trình xây dựng dự thảo Luật PPP như chia sẻ của ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thành viên Ban Soạn thảo Luật PPP đã từng thừa nhận.
Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế
Liên quan đến bảo lãnh doanh thu tối thiểu, được biết, hiện nay, kinh nghiệm quốc tế tại một số nước như Hàn Quốc, Mexico, Malaysia, Canada… cũng áp dụng trong giai đoạn đầu phát triển thị trường PPP, nhằm gia tăng tính hấp dẫn của dự án với nhà đầu tư.
Kinh nghiệm tại Chi Lê cho thấy, bảo lãnh mức doanh thu để bù đắp 70% tổng chi phí đầu tư ban đầu và chi phí hận hành, duy tu bảo dưỡng của dự án (tổng chi phí vốn vay thường chiếm 70% tổng chi phí đầu tư của cả vòng đời dự án). Trong trường hợp, doanh thu thực tế thấp hơn so với mức quy định tại hợp đồng thì Chính phủ thanh toán phần chênh lệch giảm. Ngược lại, doanh thu thực tế cao hơn làm cho lợi nhuận/ vốn chủ đầu tư lớn hơn 15% thì nhà đầu tư phải chia sẻ 50% chênh lệch tăng với Chính phủ.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, liên quan đến câu chuyện bảo lãnh doanh thu tối thiểu cho nhà đầu tư, ông Vaibhav Saxena-Luật sư thành viên Công ty Luật Quốc tế Việt Nam (VILAF), Tổng thư ký (INCHAM) Hà Nội cho biết: “Mặc dù các doanh nghiệp tư nhân Ấn Độ không gặp khó khăn về tài chính, song Chính phủ Ấn Độ vẫn thực hiện bảo lãnh, bảo hiểm doanh thu, trong đó có doanh thu tối thiểu. Không những vậy, Chính phủ Ấn Độ còn thực hiện các khoản vay với lãi suất thấp, nộp thuế thấp, giảm chi phí đầu tư, toàn bộ quá trình phê duyệt dự án đều được thực hiện trên điện tử để nhà đầu tư không mất thêm bấy kỳ chi phía nào khác. Chính vì vậy, các ngân hàng địa phương có thể dễ dàng tham gia vào tài trợ cho các dự án lớn”.