Bảo vệ chủ quyền biển, đảo và trách nhiệm của thế hệ trẻ

ThS. NGUYỄN THỊ HỒNG NGỌC & ThS. NGUYỄN THỊ THUÝ VÂN - Học viện Hành chính Quốc gia 19/07/2021 05:00

Cần phải phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, trong đó thế hệ trẻ là lực lượng nòng cốt, xung kích trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Qua hàng ngàn năm lịch sử, biển đảo trong tâm thức của người Việt là đất nước, là cuộc sống mà biết bao thế hệ cha ông ta đã đổ xương máu để xây dựng, gìn giữ, phát triển và bảo vệ chủ quyền đất nước cho hiện tại và tương lai. Hiện nay, Biển Đông đang có những diễn biến hết sức phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Chúng ta cần phải phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, trong đó thế hệ trẻ là lực lượng nòng cốt, xung kích trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Cán bộ, thủy thủ tàu Lý Thái Tổ, Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân quán triệt nhiệm vụ trước khi đi biển. Ảnh: Báo QĐND

Cán bộ, thủy thủ tàu Lý Thái Tổ, Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân quán triệt nhiệm vụ trước khi đi biển. Ảnh: Báo QĐND

Khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền

Việt Nam là quốc gia ven biển có địa vị chính trị và địa vị kinh tế rất quan trọng,với bờ biển dài trên 3.260 km trải dài từ Bắc xuống Nam, đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, các quốc đảo và các lãnh thổ trên thế giới. Chỉ số chiều dài bờ biển trên diện tích đất liền của nước ta là xấp xỉ 0,01 (nghĩa là cứ 100 km2 đất liền có 1 km bờ biển). Trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước thì 28 tỉnh, thành phố có biển và gần một nửa dân số sinh sống tại các tỉnh, thành ven biển.

Theo Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, nước ta có diện tích biển khoảng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích Biển Đông (cả Biển Đông gần 3,5 triệu km). Vùng biển nước ta có khoảng 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa (điều này đã được công bố, minh chứng trong lịch sử, các tư liệu khoa học và pháp lý về chủ quyền biển, đảo Việt Nam).

Một số đảo ven bờ còn có vị trí quan trọng được sử dụng làm các điểm mốc quốc gia trên biển để thiết lập đường cơ sở ven bờ lục địa Việt Nam, từ đó,xác định vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, làm cơ sở pháp lý để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển2.

Có thể nói, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)- còn gọi là Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Nam Trung Hoa (Declaration on Conduct of the Parties in the South China Sea) là một văn kiện được các nước ASEAN và Trung Quốc ký kết ngày 04/11/2002 tại Phnom Penh, Campuchia,nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 8. Đây là văn kiện chính trị đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc đạt được có liên quan đến vấn đề Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và được coi là bước đột phá trong quan hệ ASEAN – Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Việc ký văn kiện này là kết quả nỗ lực của các nước ASEAN, đặc biệt là 4 nước liên quan trực tiếp tranh chấp ở quần đảo Trường Sa (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei) trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và Tuyên bố cấp cao kỷ niệm 10 năm DOC.

Ý nghĩa quan trọng nhất của Tuyên bố chung nằm ở 3 điểm: các nước ASEAN và Trung Quốc tái cam kết ở cấp cao nhất với những nguyên tắc của DOC; nhất trí với nhau ở cấp cao nhất cùng hướng tới bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); nâng cơ chế thực hiện lên cấp Bộ trưởng. Việc tái cam kết những nguyên tắc ở cấp cao nhất sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho việc bảo đảm hòa bình, ổn định an ninh, an toàn hàng hải và giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển. Tuyên bố chung này càng có ý nghĩa khi đặt trong bối cảnh các nước đã có những bước tiến nhất định trong việc xây dựng lòng tin và thực hiện DOC trong 10 năm qua nhưng vẫn còn những diễn biến phức tạp.

Để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là: bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Quan điểm của Đảng là tập trung trước hết về phát triển kinh tế độc lập tự chủ, kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, giữ vững chủ quyền biển, đảo, biên giới, vùng trời của Việt Nam trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế; coi đây là một trong những động lực cơ bản cho sự phát triển bền vững của đất nước. Điều này được khẳng định trong các văn kiện Đại hội của Đảng lần thứ VII, VIII, IX, XI và XII, đặc biệt trong các nghị quyết, chỉ thị như: Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 06/5/1993 của Bộ Chính trị khóa VII về một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong những năm trước mắt; Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 22/9/1997 của Bộ Chính trị khóa VIII về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, quan điểm chỉ đạo của Đảng là: “Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển”.

Tiếp tục khẳng định quan điểm chỉ đạo của Đảng ta, đó là: “Chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp phù hợp, bảo vệ được chủ quyền biển, đảo, vùng trời và giữ được hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”. Xác định rõ hơn quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước, của quân và dân trong công cuộc bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển và lợi ích quốc gia trên biển: “nhận thức của toàn hệ thống chính trị, nhân dân và đồng bào ta ở nước ngoài về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia được nâng lên rõ rệt. Chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển được giữ vững” (đây là nội dung trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045).

Việc đổi mới tư duy, phát triển nhận thức của Đảng trên các vấn đề cơ bản khác của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, điều tiên quyết đặt ra là phải không ngừng củng cố, tăng cường sức mạnh quốc gia, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển đã được chỉ rõ tại Nghị quyết Đại hội XII của Đảng: “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc”. Đó là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trong đó có thanh niên được xác định là lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu trong bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam.

Cụ thể hóa các văn kiện, nghị quyết của Đảng nhằm xây dựng thế trận lòng dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, Luật Biển Việt Nam năm 2012 quy định về chính sách quản lý và bảo vệ biển, trong đó nhấn mạnh việc phát huy sức mạnh toàn dân tộc và thực hiện các biện pháp cần thiết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phát triển kinh tế biển; xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quản lý, sử dụng, khai thác, bảo vệ các vùng biển, đảo và quần đảo một cách bền vững phục vụ mục tiêu xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và thực hiện các chính sách ưu tiên đối với nhân dân sinh sống trên các đảo và quần đảo; chế độ ưu đãi đối với các lực lượng tham gia quản lý và bảo vệ các vùng biển, đảo và quần đảo (tại Điều 5 của Luật Biển năm 1982). Nhấn mạnh rõ vai trò của thế hệ trẻ Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ biển, đảo và Tổ quốc.

Cảnh sát biển Việt Nam

Cảnh sát biển Việt Nam

Nhìn lại lịch sử địa lý của Việt Nam liên quan đến chủ quyền biển đảo, có thể khẳng định: hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, điều này đã được xác định rõ trong công trình nghiên cứu về vấn đề biển đảo cũng như tìm hiểu 24 bộ sách dư địa chí Trung Quốc từ thời Hán đến thời Thanh của các nhà khoa học, nhà lịch sử (quốc tế và Việt Nam) đã cho thấy, trong các tư liệu này đều không ghi hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc sở hữu của Trung Quốc. Trong khi đó, các thư tịnh, bản đồ cổ của các nhà tư bản, các cố đạo phương Tây đều ghi nhận hai quần đảo này là của Việt Nam, đặc biệt ghi chép nhiều lần Chúa Nguyễn cứu trợ những người mắc nạn trên 2 đảo.

Trong các thư tịch cổ lưu giữ tại cố đô Huế cũng ghi chép về sự thành lập đội Hoàng Sa, các chỉ dụ chỉ đạo việc bố phòng canh giữ… của các đời vua nhà Nguyễn. Bản đồ chủ quyền của Pháp khi xâm lược Việt Nam cũng quy hoạch rõ có việc sở hữu hai quần đảo thuộc Việt Nam năm 1954, khi Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết (Trung Quốc là một thành viên Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc tham dự cũng thừa nhận phần Nam vĩ tuyến 17, bao gồm lục địa biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là do chính quyền Việt Nam cộng hòa quản lý).

Với những tư liệu lịch sử ghi nhận tính sở hữu hai quần đảo của Việt Nam vừa mang tính pháp lý phù hợp với Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 và trên cơ sở pháp luật của Việt Nam, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, khẳng định rằng: Việt Nam có chủ quyền và quyền chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của thế hệ trẻ

Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam, bảo đảm quốc phòng – an ninh trên biển là nội dung chiến lược, mang tính cấp bách, then chốt hiện nay. Trách nhiệm thiêng liêng này thuộc về mỗi công dân Việt Nam đối với lịch sử dân tộc, trong đó trách nhiệm, nghĩa vụ và vai trò xung kích thuộc về thế hệ trẻ, đây là nhân tố quan trọng bảo đảm cho sự nghiệp xây dựng đất nước và phát triển bền vững hiện nay và trong tương lai. Để thế hệ trẻ làm tốt việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo cần phải tập trung vào một số nội dung sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về chủ quyền biển, đảo, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo.

Công tác tuyên truyền biển, đảo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho thanh niên cần bám sát thực tiễn tình hình, không ngừng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp với trình độ, đặc điểm của từng địa bàn nhằm đáp ứng thực tiễn nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đồng thời tận dụng có hiệu quả các phương tiện kỹ thuật và chú trọng mở rộng phạm vi tuyên truyền.

Công tác tuyên truyền về chủ quyền quốc gia trên biển cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và địa phương trong việc phát huy các tổ chức, đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp trong công tác tuyên truyền và gắn kết chặt chẽ với việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục truyền thống, các bài học kinh nghiệm và gương các anh hùng trong kháng chiến chống xâm lược trong thanh niên.

Thông qua các cuộc vận động và chương trình hành động của thanh niên với cách làm thiết thực, như: “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Năm xung kích phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Doanh nhân trẻ khởi nghiệp”, “Nghĩa tình biên giới, hải đảo”, “Vì Trường Sa thân yêu”, “Góp đá xây Trường Sa”, “Đồng hành cùng ngư dân trẻ ra khơi”, “Tuổi trẻ hướng về biển, đảo của Tổ quốc”… Phối hợp giữa các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể, gia đình, nhà trường, xã hội (nhất là Đoàn Thanh niên) và các hoạt động văn hoá, các phương tiện thông tin đại chúng tạo sức mạnh tổng hợp, hướng thanh niên chung sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Đối với các cấp Đoàn, cần chú trọng tổ chức các hoạt động thi tìm hiểu, tọa đàm về chủ quyền biển, đảo trong thanh niên bảo đảm thiết thực, chất lượng tốt; tăng cường tổ chức cho thanh niên đi thăm và tiến hành các hoạt động nghiên cứu thực tế trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Đồng thời, cần tổ chức cho thanh niên tham gia tìm hiểu về pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế để các thế hệ thanh niên hiểu và nắm vững các vùng, khu vực thuộc chủ quyền có lịch sử lâu đời của Việt Nam cũng như chủ quyền và quyền chủ quyền đối với biển, đảo Việt Nam được xác lập trên cơ sở các điều khoản quy định trong Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982; khẳng định, củng cố niềm tin cho nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế nói chung cũng như đối với thanh niên về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Thứ hai, cần có sự quan tâm và chính sách đãi ngộ cụ thể đối với thanh niên khi tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Cùng với việc thực hiện tốt các chính sách xã hội đối với các huyện đảo xa bờ và các địa bàn trọng điểm, chiến lược; coi trọng giải quyết tốt mối quan hệ và sự phối hợp hoạt động giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị ở mỗi huyện đảo và giữa các huyện đảo với nhau, tạo ra thế trận liên hoàn trên biển để có thể nhanh chóng tập hợp và sử dụng hiệu quả sức mạnh của các lực lượng tại chỗ phục vụ cho quốc phòng – an ninh trên biển, thì rất cần thiết để cho thanh niên nắm rõ được tính chất phức tạp của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, vừa nhận thấy nhân dân ta, đất nước ta có đủ ý chí, quyết tâm và sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc biển, đảo của mình, qua đó, củng cố thêm niềm tin, thái độ, động cơ và ý chí vững vàng cho thanh niên về bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc một cách bền vững, để “không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập”.

Động viên thế hệ trẻ nâng cao quyết tâm và hành động thiết thực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó đang nổi lên vấn đề bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia trên các vùng biển đảo. Nhưng muốn có được quyết tâm và hành động để bảo vệ, trước hết phải có đủ tri thức hiểu biết và lòng tự hào về những điều mình sẽ dám bảo vệ, để thế hệ trẻ Việt Nam có ý thức về chủ quyền quốc gia nói chung, chủ quyền biển đảo nói riêng. Đó là những cơ sở tri thức tiền đề quan trọng giáo dục lòng tự hào dân tộc, bồi đắp tinh thần yêu nước, nâng cao ý thức về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, đồng thời chống lại âm mưu xuyên tạc lịch sử, âm mưu thôn tính từng bước, dưới nhiều hình thức của các thế lực xâm lược.

Một trong những nền tảng quan trọng trong việc củng cố niềm tin, thái độ, động cơ và ý chí cho thế hệ trẻ đối với vận mệnh của đất nước, đó là cần nắm vững tư tưởng, phương châm chỉ đạo giải quyết các vấn đề về biển, đảo của Đảng và Nhà nước ta, để thanh niên thực sự là một lực lượng to lớn và vững chắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế các vùng đảo, quần đảo phù hợp với vị trí, tiềm năng và lợi thế của biển đảo Việt Nam.

Thứ ba, chú trọng xây dựng quyết tâm cao, định hướng hành động thiết thực trong thanh niên đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.   

Để xây dựng quyết tâm cho thanh niên, cần làm cho thanh niên thấy được sự khó khăn, gian khổ đối mặt với nguy hiểm, sự phức tạp của các hoạt động trên biển, đảo (đặc biệt là ở một số đảo có vị trí quan trọng về quốc phòng – an ninh như: quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa…), đòi hỏi thanh niên phải dũng cảm, mưu trí, chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường, sẵn sàng hy sinh xương máu, kiên quyết đứng lên bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đặc biệt là đối với thế hệ trẻ là lực lượng kiểm ngư; hay thanh niên ở các địa phương ven biển, huyện đảo tích cực tham gia vào lực lượng dân quân tự vệ để vừa tham gia sản xuất, khai thác hải sản, vừa làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự trên biển.

Bên cạnh việc bảo vệ chủ quyền, thanh niên cần phải tiếp tục gìn giữ và phát triển những tiềm năng của biển đảo Việt Nam, để Việt Nam có thể làm giàu từ biển, mạnh về biển, củng cố vị trí của Việt Nam giữa các quốc gia trên thế giới để sớm đưa đất nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, sánh vai với cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn.

-----------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo:
1. Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982
2. Luật số 18/2012/QH13 của Quốc hội (Luật Biển Việt Nam năm 2012), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013.
3. Luật số 53/2005/QH11 của Quốc hội (Luật Thanh niên năm 2005), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2006.
4. Quyết định số 568/2010/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020.
5. Tạp chí Thanh niên, số 25, tháng 7/2015.
6. http://bienphongvietnam.vn

Có thể bạn quan tâm

  • Netflix phải gỡ phim vi phạm chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam

    12:04, 01/07/2021

  • Người Việt Nam và ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ

    05:00, 08/04/2021

  • Giàn khoan “Biển Sâu số 1”: Ý đồ tiếp cận tài nguyên và tham vọng biển đảo

    08:12, 11/06/2021

  • Việt Nam nói gì về tin tàu Trung Quốc khảo sát ở Biển Đông?

    18:30, 08/07/2021

  • Chuyên gia nói gì về việc Trung Quốc khai thác tài nguyên Biển Đông?

    06:20, 18/06/2021

  • Giải quyết vấn đề Biển Đông theo luật pháp quốc tế

    19:04, 17/06/2021

  • Việt Nam đề nghị sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông

    13:05, 16/06/2021

  • Mỹ và đồng minh tăng cường kiềm chế Trung Quốc tại Biển Đông

    07:00, 13/06/2021

  • “Liều thuốc” thử phản ứng của Malaysia trong vấn đề Biển Đông

    05:18, 11/06/2021

  • Trung Quốc kéo giàn khai thác khổng lồ ra Biển Đông: Các nước trong khu vực cần làm gì?

    05:00, 10/06/2021

  • Trung Quốc “thị uy quân sự” với nước láng giềng trên Biển Đông

    10:37, 09/06/2021

  • COVID-19 và Biển Đông làm nóng Hội nghị ASEAN - Trung Quốc

    06:00, 09/06/2021

  • Philippines nói gì khi nước Anh điều tàu chiến tới Biển Đông?

    05:00, 08/06/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bảo vệ chủ quyền biển, đảo và trách nhiệm của thế hệ trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO