Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo Xu hướng Tìm kiếm Quý III/2024, ghi nhận những biến động trong hành vi tìm kiếm của người dùng Việt.
Báo cáo điểm lại top các từ khóa thuộc 7 chủ đề được người dùng tìm kiếm nhiều nhất trên công cụ tìm kiếm Cốc Cốc trong 3 tháng qua.
Theo đó, dẫn đầu về lượng tìm kiếm là một số từ khóa nổi bật như: “bão Yagi”, “sao kê Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, “iPhone 16”, “check VAR”, “Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai” và các cụm từ lóng như “phông bạt”, “ai sợ thì đi về”, “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới”…
Quý III/2024, sự kiện thu hút sự quan tâm lớn nhất chính là bão Yagi – cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông. Người dùng Cốc Cốc đã đổ xô tìm kiếm các thông tin về bão và những thiệt hại do thiên tai gây ra, với từ khóa “bão Yagi” và “bão số 3” dẫn đầu xu hướng.
Bên cạnh đó, những hậu quả của bão lũ, như sập cầu Phong Châu và các đợt lũ quét, sạt lở cũng được người dùng đặc biệt quan tâm. Các hoạt động cứu trợ và minh bạch tài chính liên quan đến bão lũ cũng thu hút sự chú ý lớn, với lượng tìm kiếm từ khóa “sao kê Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” tăng đột biến gấp 190,7 lần so với quý trước. Điều này phản ánh sự lo lắng và trách nhiệm của cộng đồng trước thiên tai, cũng như sự quan tâm ngày càng lớn đến tính minh bạch trong công tác cứu trợ từ thiện.
Những nhân vật nổi bật thu hút lượng tìm kiếm đáng kể. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những nhân vật được quan tâm nhiều nhất, đặc biệt trong thời gian diễn ra Quốc tang sau khi ông từ trần. Từ khóa “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần” được tìm kiếm liên tục trong nhiều ngày, thể hiện lòng tiếc thương và sự kính trọng của người dân đối với ông.
Cùng với các sự kiện chính trị trong nước, các nhân vật quốc tế như Donald Trump cũng lọt top tìm kiếm khi ông tiếp tục là tâm điểm của truyền thông với các sự kiện liên quan đến chính trị Mỹ và những tranh luận trong quá trình bầu cử.
Trong lĩnh vực công nghệ, iPhone 16 ra mắt cuối tháng 9/2024 thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng. Dù được đánh giá là không có nhiều đột phá, lượng tìm kiếm về sản phẩm này vẫn tăng gấp 3,22 lần so với quý trước. Tuy nhiên, sức nóng của iPhone 16 có phần “thua” iPhone 15 ra mắt năm ngoái, khi so sánh cùng thời điểm, iPhone 15 thu hút nhiều sự chú ý hơn.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh các quy định bảo mật mới về giao dịch tài chính trực tuyến như Quyết định 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước áp dụng từ ngày 1/7/2024, Thông tư 1818/2024/TT-NHNN sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, để đảm bảo giao dịch thông suốt và an toàn, người dùng đã chủ động tìm kiếm hướng dẫn về cách xác thực sinh trắc học. Theo đó, lượng tìm kiếm của từ khoá “xác thực sinh trắc học” đã tăng trưởng lên đến 19,91 lần so với quý trước.
Một sự kiện công nghệ trong nước đáng chú ý khác trong quý này là Việt Nam sẽ chính thức tắt sóng 2G kể từ ngày 15/10/2024. Theo Thông tư số 10/2024/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 13/09/2024, hệ thống 2G sẽ ngừng hỗ trợ các thuê bao sử dụng thiết bị 2G-Only từ ngày 15/10/2024 (lùi 01 tháng so với lịch dự kiến trước đó để người dân kịp thời khắc phục hậu quả bão Yagi) và ngừng hoạt động hoàn toàn vào ngày 15/09/2026. Đây là sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa hạ tầng viễn thông của Việt Nam, hướng tới phổ cập các công nghệ tiên tiến hơn như 4G và 5G. Với sự thay đổi này, từ khoá “tắt sóng 2g” đã tăng trưởng 4,62 lần về lượng tìm kiếm so với quý trước.
Quý III/2024 chứng kiến sự “trỗi dậy” của hàng loạt từ lóng. Đáng chú ý nhất là cụm từ “check VAR”, với mức tăng 8,43 lần so với quý trước.
Ban đầu xuất phát từ bóng đá, “check VAR” giờ đây được Gen Z sử dụng rộng rãi để ám chỉ việc kiểm tra, xác minh độ chính xác của thông tin. Cùng với đó, cụm từ “phông bạt” – chỉ những người thích khoe mẽ, phóng đại sự thật – cũng tăng đáng kể với mức tăng 3,47 lần.
Trào lưu mạng xã hội còn trở nên sôi động hơn với các cụm từ như “ai sợ thì đi về” và “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới”. Đây là những từ lóng bắt nguồn từ các sự kiện văn hóa đại chúng, truyền tải tinh thần của giới trẻ: tự do, cá tính và không ngại thể hiện bản thân.
Trong lĩnh vực giải trí, các chương trình truyền hình thực tế như “Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai” và “Anh Trai Say Hi” tiếp tục thu hút sự chú ý lớn. Đồng thời, trò chơi “Black Myth: Wukong” gây bão thị trường game khi đạt doanh số 10 triệu bản chỉ trong 3 ngày đầu ra mắt, với lượng tìm kiếm về tựa game này tăng gấp 31,08 lần so với quý trước.
Thể thao chứng kiến sự gia tăng tìm kiếm ấn tượng, đặc biệt là với bộ môn Pickleball, một môn thể thao “lai” giữa tennis, bóng bàn và cầu lông. Sự quan tâm về Pickleball đã tăng gấp 4,26 lần so với quý trước, nhờ vào sự lăng xê của người nổi tiếng và những tranh cãi về trang phục thi đấu. Bên cạnh đó, các sự kiện thể thao lớn như Euro 2024 và Copa America cũng nhận được sự chú ý lớn, với lượng tìm kiếm tăng lần lượt 8,94 lần và 58,13 lần.
Người dùng Cốc Cốc tìm kiếm nhiều hơn về các điểm du lịch miền Bắc, với “rừng quốc gia Cúc Phương” và “Mù Căng Chải” tăng trưởng đáng kể. Đặc biệt, lượng tìm kiếm về vé máy bay quốc tế cũng tăng mạnh, với từ khóa “vé máy bay đi Mỹ” và “vé máy bay đi Bali” dẫn đầu xu hướng.
Mùa thu luôn đi liền với những món ăn truyền thống, và bánh trung thu là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất, tăng gấp 2,23 lần so với quý trước. Bên cạnh đó, món cốm Hà Nội cũng thu hút sự quan tâm với mức tăng 0,42 lần.
“Báo cáo Xu hướng Tìm kiếm Quý III/2024 phản ánh rõ nét những thay đổi trong quan tâm của người dùng, từ các sự kiện thiên tai như bão Yagi, đến xu hướng tiêu dùng công nghệ với sự ra mắt của iPhone 16 và các giải pháp bảo mật sinh trắc học. Đồng thời, sự xuất hiện và lan truyền của các cụm từ lóng cũng cho thấy sự tác động mạnh mẽ của văn hóa mạng xã hội trong đời sống hiện đại. Bằng việc phát hành những báo cáo xu hướng tìm kiếm định kỳ, đội ngũ chuyên gia phân tích dữ liệu của Cốc Cốc không chỉ chia sẻ một bức tranh đa dạng về hành vi tìm kiếm, mang đến cái nhìn toàn diện về mối quan tâm và xu hướng tiêu dùng thông tin của người dùng, mà còn mong muốn cung cấp công cụ hữu ích, trở thành nguồn dữ liệu uy tín giúp các tổ chức và doanh nghiệp hiểu rõ hơn nhu cầu, nắm bắt kịp thời những thay đổi trong sở thích và mối quan tâm của cộng đồng người dùng, từ đó đưa ra các chiến lược phù hợp” - Bà Mai Thị Thanh Oanh, Phó Tổng giám đốc Trình duyệt và Công cụ tìm kiếm Cốc Cốc, nhận định.
Báo cáo Xu hướng tìm kiếm Quý III/2024 được xây dựng dựa trên các truy vấn có được trên công cụ tìm kiếm Cốc Cốc. Tất cả những thông tin trong báo cáo này là không định dạng danh tính, không làm ảnh hưởng tới an toàn thông tin của người dùng. Với những thống kê hữu ích, bản báo cáo của Cốc Cốc thể hiện đúng các vấn đề, sự kiện, những chuyển biến trong các lĩnh vực và trong chính suy nghĩ, hành vi của người dùng Việt trên không gian mạng.