Sống chung với ô nhiễm, thậm chí luôn phải sống trong bất an bởi những hiểm họa rình rập hàng ngày, đó là những gì mà người dân đang sống cận kề các mỏ than ở nhiều nơi phải chịu đựng...
Vài năm trở lại đây, hoạt động khai thác ở nhiều địa phương đã và đang gây tác động xấu, để lại những hệ lụy cho môi trường và nỗi ám ảnh cho người dân xung quanh…
Những bài học nhãn tiền
Năm 2006, một số vùng của tỉnh Quảng Ninh bị ô nhiễm đến mức báo động như Mạo Khê, Uông Bí, Cẩm Phả... khiến dư luận không khỏi quan ngại về ngành công nghiệp khai thác than…
Năm 2016, mỏ than Bắc Bàng Danh, khu vực vỉa 13,14 Công ty Than Hòn Gai bắt đầu đóng cửa, tuy nhiên nhiều năm sau đó, tình trạng ô nhiễm nguồn nước từ khu vực hầm lò tại mỏ than này vẫn không chấm dứt khiến người dân Hạ Long vô cùng hoang mang. Suốt một thời gian dài, mặc dù các cơ quan chức năng đã khắc phục bằng cách tẩy rửa, nạo vét, khơi thông dòng chảy hay bịt điểm rò rỉ, nhưng tàn dư của tình trạng ô nhiễm vẫn chưa chấm dứt…
Tại xã Phục Linh, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) năm 2012, hàng nghìn khối đất đá từ bãi thải của mỏ than Phấn Mễ bất ngờ sạt lở vùi lấp 16 ngôi nhà và 4 ha đất nông nghiệp, 6 người thiệt mạng. Nhận định về vụ sạt lở mỏ vô cùng nghiêm trọng này, lãnh đạo Bộ Tài nguyên – Môi trường và Bộ Công Thương đã thừa nhận đây là bài học lớn trong công tác quản lý nhà nước về cấp phép và kiểm tra sau khai thác khoáng sản.
Mỏ than Phấn Mễ đã không nghiêm túc thực hiện yêu cầu của Bộ Tài nguyên – Môi trường trong việc đánh giá tác động môi trường và khai thác mỏ. Trong khi đó Bộ cũng thiếu cương quyết trong vấn đề này, nếu cương quyết đình chỉ khai thác thì sẽ không xảy ra hậu quả đau lòng như vậy.
Hoang mang trong hiện tại
Những bài học nhãn tiền vẫn còn đó, nhưng vài năm trở lại đây dư luận lại tiếp tục phải lo lắng bởi những gì đang diễn ra tại nhiều mỏ than trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Điển hình như năm 2018 tại huyện Đại Từ, bãi thải mỏ Minh Tiến - Phú Cường từ trên sườn núi Hồng bất ngờ sạt lở vùi lấp 5ha đất cấy lúa của 40 hộ dân, một tuyến mương dẫn nước dài 700m cũng bị vùi lấp hoàn toàn. Năm 2019, thêm 6 ha đất canh tác của 57 hộ dân tiếp tục bị “xóa sổ”.
Đặc biệt vào tháng 11/2019, tại khu vực dưới moong khai thác than và chân bãi thải mỏ than Minh Tiến - Phú Cường xảy ra tình trạng sụt, lún vô cùng nguy hiểm, đe doạ tính mạng và tài sản của nhiều hộ dân xung quanh. Đáng nói, trong quá trình khai thác, Công ty CP Yên Phước nổ mìn gây ảnh hưởng đến kết cấu, nứt nhà ở, công trình xây dựng của hàng chục gia đình ở xóm Ao Soi.
Mỏ than Khánh Hòa là một trong những mỏ than lớn với diện tích khai thác và bãi thải lên đến hơn 300ha nằm trên địa bàn các xã Sơn Cẩm, Phúc Hà, TP Thái Nguyên. Việc nổ mìn khai thác than diễn ra liên tục khiến các hộ dân sống cận kề điểm mỏ luôn phải sống trong sợ hãi, bất an
Hay giữa trung tâm tỉnh Thái Nguyên suốt nhiều năm qua, người dân các xã Phúc Hà, Sơn Cẩm (TP. Thái Nguyên) luôn bị “tra tấn” bởi tình trạng ô nhiễm từ quá trình hoạt động của Công ty than Khánh Hòa. Đáng nói, một số hộ dân sống gần khu vực khai thác của doanh nghiệp này đang “thấp thỏm”, bất an từng giờ bởi mùa mưa bão đang cận kề, trong khi đó những bãi đổ thải cứ “sừng sững” như những ngọn núi cao luôn trực chờ để ập xuống khu dân cư.
Quá trình khai thác than của doanh nghiệp này còn rung chấn gây nứt tường nhà, người dân nơi đây luôn phải sống trong lo lắng với những nguy cơ “rình rập” mỗi ngày. Đáng chú ý, cũng theo người dân nơi đây, mặc dù những nguy cơ tiềm ẩn đang hiện hữu nhưng họ lại chưa hề được cơ quan chức năng nào cảnh báo về môi trường và mức độ an toàn bằng các thông số cụ thể để chủ động phòng tránh!
Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Sỹ Bình – Chủ tịch UBND xã Sơn Cẩm, TP Thái Nguyên cho biết, phản ánh của người dân là hoàn toàn có cơ sở, thực trạng này diễn ra đã lâu.
“Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan cấp trên, Thành phố cũng đã trả lời cử tri và đang xử lý vấn đề này”, ông Bình thông tin.
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như nguy cơ mất an toàn cho người dân đang sống cận kề mỏ than Khánh Hòa, trả lời phản ánh từ DĐDN, ông Trịnh Việt Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết “sẽ chỉ đạo kiểm tra, xử lý ngay”.
Cần phải nói, thảm cảnh kinh hoàng tại mỏ than Phấn Mễ vẫn luôn ám ảnh nhiều người. Chỉ vì thiếu quan tâm trước những lời kêu cứu của người dân mà 16 căn nhà và 6 mạng người đã bị vùi lấp dưới bùn than. Hiện nay những diễn biến tại nhiều mỏ than trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã và đang rơi vào tình trạng tương tự, hiểm nguy luôn rình rập trên đầu.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!