Điều bất cập lớn nhất về chính sách thuế trong đất đai là mức thuế suất thấp, lại dựa trên giá không thực tế, nên không có nhiều ý nghĩa trong điều tiết nguồn lực cũng như sử dụng đất.
Đây là chia sẻ của ĐBQH Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Cường khẳng định hai điểm mấu chốt này cần phải sửa đổi trong thời gian tới.
- Theo ông, trong Dự thảo Luật Đất đai còn khía cạnh nào nên tập trung sửa đổi nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai?
Luật Đất đai hiện hành có đề cập đến giá thị trường, nhưng lại không cụ thể hóa như thế nào là giá thị trường, ai là người định giá thị trường này. Do đó, giá đưa ra hiện nay sẽ không đồng nhất, vì nhà nước, doanh nghiệp và người dân đều có thể đưa ra một kiểu giá. Từ đây tạo ra sự bất ổn và mâu thuẫn. Phải có cơ chế để điều tiết sự thay đổi về giá trị đất đai, đặc biệt liên quan đến chính sách thuế. Chính sách thuế phải có đủ hiệu lực để điều tiết vấn đề này.
Hiện nay chúng ta có các loại thuế, phí liên quan đến đất đai nhưng mức thuế còn quá thấp, không có ý nghĩa trong việc điều tiết nguồn lực đó cũng như điều tiết mục đích của người sử dụng đất. Do đó, Luật Đất đai cần tập trung thay đổi vấn đề đó, tất nhiên để thay đổi còn phải liên quan đến quản lý hệ thống thông tin đất đai, như đăng ký thông tin đất, ai sẽ là người quản lý thông tin về kinh tế đất mà không chỉ quản lý thông tin về mặt vật chất đất đai hiện nay. Khi đã có một hệ thống thông tin đầy đủ lúc đó sẽ có cơ sở thực hiện các chính sách kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
16:00, 22/01/2019
12:28, 22/01/2019
12:17, 18/01/2019
05:03, 12/01/2019
-Vậy ông có đề xuất gì về cơ quan định giá đất đai?
Ai cũng nhìn thấy điểm bất cập. Chúng ta nói định giá theo thị trường, có cơ quan tư vấn giá là các doanh nghiệp. Nhưng những người quyết định giá lại phải thông qua một hội đồng định giá, hội đồng này thường là đại diện của các cơ quan ban ngành ngồi bàn để thống nhất mức giá, thậm chí mức giá này đã có một cơ quan nào đó ấn định từ trước. Vậy thực chất giá do hội đồng định giá đấy chẳng qua chỉ là sự thỏa thuận của một số đông để đảm bảo rằng sẽ không quy trách nhiệm cho ai nếu giá này quá thấp hoặc không phù hợp.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy, họ thường quy định một cơ quan định giá độc lập, cơ quan này phải có trách nhiệm về giá khi đã công bố. Nếu bị phát hiện giá công bố thấp và để xảy ra thất thoát thì cơ quan định giá này phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Người dân cảm thấy không thỏa đáng với giá đó và khiếu kiện, thì cơ quan định giá này cũng hoàn toàn phải chịu trách nhiệm, người chịu trách nhiệm giải quyết những thắc mắc trên phải được thông qua tòa án. Như vậy, cơ quan định giá phải có trách nhiệm để làm sao việc định giá phù hợp nhất, làm thỏa đáng giữa các bên, lúc này sẽ không còn xảy ra hiện tượng khiếu kiện.
-Ông có nói đến bất cập về chính sách thuế trong đất đai. Vậy chính sách này có những điểm bất cập lớn nào, thưa ông?
Về hình thức, chúng ta có thuế sử dụng đất. Tuy nhiên, thuế suất hiện nay không phù hợp với mức cần phải điều tiết. Ngoài ra, chúng ta đánh thuế dựa trên giá do nhà nước quy định, mà giá này lại không phù hợp và không phản ánh đúng giá trị đất đai. Do đó, mức thuế suất đã thấp lại dựa trên giá không thực tế đã dẫn đến chính sách thuế hiện nay hầu như không có nhiều ý nghĩa trong việc điều tiết nguồn lực cũng như điều tiết việc sử dụng đất. Như vậy, vấn đề mấu chốt ở đây là định giá và chính sách thuế, đây cũng là trọng tâm của việc sửa đổi Luật Đất đai thời gian tới.
-Vậy ông có đề xuất gì cho việc sửa đổi Luật Đất đai lần tới?
Theo tôi, chúng ta phải xác định rõ như thế nào là giá trị thị trường và chỉ sử dụng một giá duy nhất đó, không nên áp dụng các hình thức như khung bảng giá nhà nước. Tôi đề xuất nên xem xét và thay đổi cách thức này. Về thuế, chúng ta phải xác định rõ thuế phải có khả năng điều tiết với loại đất đai, vị thế cũng như điều kiện sinh lợi khác nhau, đồng thời phải dựa trên cơ sở giá thị trường được định ra bởi một cơ quan độc lập.
-Xin trân trọng cảm ơn ông!