Bất cập quy hoạch thăm dò, khai thác quặng bô xít

GIA NGUYỄN 21/04/2024 03:20

Được cho là chủ trương quan trọng của ngành khoáng sản, thế nhưng, thực tế triển khai Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản lại đang phát sinh những hạn chế...

>> Thanh Hóa: Dân sống nơm nớp dưới đập chứa bùn thải mỏ khai thác quặng

Theo đó, ngày 18/7/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 866/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch khoáng sản).

Quy hoạch này được xây dựng trên 6 quan điểm phát triển, trong đó, trọng tâm là việc thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia và tương thích với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, vùng, địa phương và hài hòa với yêu cầu bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và đời sống của người dân.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 866/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Ảnh minh họa: ITN

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 866/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Ảnh minh họa: ITN

Về định hướng bố trí sử dụng đất trong cả nước, giai đoạn 2021 - 2030 phát triển khai thác khoáng sản khoảng 190.000 ha và khoảng 305.000 ha trong giai đoạn 2031 - 2050, được cho phù hợp với chỉ tiêu phân bổ đất trong Nghị quyết số 39/2021/QH51, để đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế.

Đặc biệt, Quy hoạch khoáng sản được xây dựng nhằm thực hiện 3 mục tiêu lớn là tài nguyên khoáng sản được quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hòa carbon. Đẩy mạnh đầu tư, hình thành ngành khai thác, chế biến đồng bộ, hiệu quả với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại phù hợp với xu thế của thế giới.

Thế nhưng, bên cạnh những mặt tích cực, thực tế triển khai Quy hoạch này tại một số địa phương đã và đang phát sinh những tồn tại, hạn chế cần được xem xét một cách thấu đáo.

>> Nghệ An: Xử lý nghiêm nạn khai thác khoáng sản trái phép

Tuy nhiên, quá trình triển khai Quy hoạch khoáng sản đã và đang cho thấy những tồn tại, hạn chế cần được cân nhắc, xem xét một cách thấu đáo - Ảnh minh họa: ITN

Tuy nhiên, quá trình triển khai Quy hoạch khoáng sản đã và đang cho thấy những tồn tại, hạn chế cần được cân nhắc, xem xét một cách thấu đáo - Ảnh minh họa: ITN

Cụ thể, quá trình triển khai Quy hoạch khoáng sản tại tỉnh Đắk Nông đã phát sinh việc có hơn 1.000 dự án xây dựng ở địa phương này bị quy hoạch bô xít trùm lên, trong đó có nhiều dự án trọng điểm.

Thông tin với báo chí tại thời điểm này, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông cho biết, theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, diện tích quy hoạch bô xít chiếm 27% diện tích tự nhiên toàn tỉnh Đắk Nông. Đáng chú ý, quy hoạch khai thác bô xít đang chồng lên 1.062 dự án xây dựng của địa phương.

Đồng thời cho rằng, Quy hoạch này đang gây lãng phí cơ hội đầu tư cho các hoạt động phát triển khác, và là lực cản rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nên đã kiến nghị các bộ, ngành Trung ương liên quan cùng đồng hành để trình Chính phủ tháo gỡ.

Không chỉ tại Đắk Nông, quá trình triển khai Quy hoạch khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cũng phát sinh không ít bất cập. Và thực tế cho thấy, Quy hoạch này hiện đang áp gần như nguyên vẹn vào trung tâm của TP. Bảo Lộc và Huyện bảo Lâm.

Thực trạng đã nêu không chỉ khiến cả 2 địa phương kể trên vướng mắc trong việc xây dựng và phát triển các dự án, các khu đô thị, mà còn khiến các ngành sản xuất đình trệ mọi hoạt động để bám theo Quy hoạch.

Phản ánh đến Diễn đàn Doanh nghiệp, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cho hay, từ khi Quy hoạch khoáng sản được UBND tỉnh triển khai trên địa bàn theo quyết định của Thủ tướng, ngoài khó khăn của các dự án bất động sản đã được quy hoạch trên địa bàn, các công trình trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng phải dừng triển khai, khiến không chỉ các nhà đầu tư mà các doanh sản xuất, kinh doanh cũng đình trệ vì vướng mắc mặt bằng, đứt gãy nguồn cung... 

Theo ông Lê Đức Hưng – Ủy viên Trung Ương hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, các doanh nghiệp và nhà đầu tư trên địa bàn đã khó khăn khi vừa trải qua những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và những bất ổn địa chính trị thế giới trong những năm qua, chưa kịp phục hồi lại vướng phải Quy hoạch khoáng sản dẫn đến “khó chồng khó”. Dự án "dính" vùng quy hoạch phải "nằm im, trong khi lãi vay thì ngày nào cũng phải trả, hơn một năm qua từ khi tỉnh triển khai quy hoạch, đa số các doanh nghiệp trên địa bàn gần như tê liệt bởi hầu hết diện tích đất đều thuộc vùng quy hoạch.

“Nếu không có giải pháp tháo gỡ kịp thời, thiệt hại của các doanh nghiệp, thiệt hại về phát triển kinh tế - xã hội địa phương khó thể nào đong đếm được”, ông Hưng bày tỏ.

Thực tế, tại văn bản số 4357/UBND ngày 26/12/2023 gửi Sở Xây dựng về việc rà soát quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bô xít trên địa bàn của UBND huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng cũng nêu rõ, diện tích quy hoạch chủ yếu thuộc một phần của 9 xã và 01 thị trấn như: xã Lộc Ngãi, xã Lộc Phú, xã B’Lá, xã Lộc Quảng, xã Lộc Lâm, xã Lộc Tân, xã Lộc Đức, xã Lộc Bắc, xã Lộc Bảo và thị trấn Lộc Thắng. Các vị trí khoanh ranh quy hoạch (khu khai thác, thăm dò, khu quy hoạch mỏ) đa phần là toàn bộ khu vực Trung tâm của các xã, thị trấn Lộc Thắng; là khu dân cư đông đúc và là khu vực tập trung khu hành chính của xã, thị trấn, đã đầu tư hạ tầng, công trình: trụ sở UBND xã, trường học cấp 1, cấp 2, trường mầm non, trạm y tế, bưu điện... và chủ yếu là khu vực đất ở.

Và từ kết quả rà soát nêu trên và các quy định hiện hành (Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Khoáng sản ...). UBND huyện Bảo Lâm nhận thấy, việc cập nhật quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản tại Quyết định 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ vào đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Bảo Lâm đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050: Ảnh hưởng đến định hướng phát triển không gian và tác động đến các khu vực sản xuất nông nghiệp ổn định, khu qui hoạch đất ở nông thôn và các điểm dân cư nông thôn, đặc biệt ảnh hưởng đến khu dân cư đông đúc và khu vực trung tâm của các xã.

Đồng thời, sẽ gây khó khăn hạn chế cho định hướng phát không gian, phân vùng của huyện Bảo Lâm giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Và trước các hiện trạng đã nêu, nhiều ý kiến đề xuất, việc triển khai Quy hoạch khoáng sản cần được xem xét một cách thấu đáo để tháo gỡ vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Có thể bạn quan tâm

  • Nghệ An: Xử lý nghiêm nạn khai thác khoáng sản trái phép

    Nghệ An: Xử lý nghiêm nạn khai thác khoáng sản trái phép

    11:00, 30/03/2024

  • Trung Đông

    Trung Đông "chơi lớn" trong khai thác khoáng sản quan trọng?

    02:00, 24/03/2024

  • Hải Dương: Tăng cường kiểm tra khai thác khoáng sản trái phép trong dịp Tết

    Hải Dương: Tăng cường kiểm tra khai thác khoáng sản trái phép trong dịp Tết

    00:06, 04/02/2024

  • Gia Lai: Hợp đồng với dân khai thác khoáng sản có đúng luật?

    Gia Lai: Hợp đồng với dân khai thác khoáng sản có đúng luật?

    08:58, 03/12/2023

  • Phú Yên: Kiên quyết xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản

    Phú Yên: Kiên quyết xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản

    14:00, 23/11/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bất cập quy hoạch thăm dò, khai thác quặng bô xít
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO