Sở hữu đường biên giới dài với nhiều cửa khẩu lớn nhỏ, Nghệ An có rất nhiều lợi thế để phát triển thương mại vùng biên.
Tuy nhiên, “mỏ vàng” này vẫn chưa được khai khác tối đa. Việc giao thương, trao đổi, lưu thông hàng hoá qua các cửa khẩu còn trầm lắng, cơ sở hạ tầng còn thua thiệt khá nhiều so với các địa phương có điều kiện tự nhiên tương tự.
Tiềm năng bị bỏ ngỏ…
Tỉnh Nghệ An có 468.281 km đường biên giới quốc gia trên đất liền, tiếp giáp với 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay của nước CHDCND Lào, có 1 cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, 1 cửa khẩu chính Thanh Thủy và 3 cặp cửa khẩu phụ là Thông Thụ, Tam Hợp, Cao Vều. Bên cạnh đó, địa phương còn có 4 lối mở chủ yếu dành cho cư dân biên giới 2 bên qua lại thăm thân, mua bán, trao đổi hàng hóa thiết yếu, phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Lợi thế là vậy, tuy nhiên đến nay, ngoại trừ Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn được các cấp chính quyền đầu tư khá bài bản, còn lại các cửa khẩu khác giữa Nghệ An và nước bạn Lào hiện vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Hoạt động ngành nông, lâm nghiệp, thủy điện, khai thác khoáng sản, du lịch và đặc biệt là phát triển thương mại ở vùng biên Nghệ An chưa được địa phương này khai thác một cách triệt để.
Đơn cử như Cửa khẩu Thanh Thủy, huyện Thanh Chương, cơ sở hạ tầng quanh vùng cửa khẩu này tuy đã có quy hoạch xây dựng, song vẫn chưa triển khai trên thực tế. Hai bên vùng cửa khẩu ngoài kiểm soát về an ninh thì hoạt động giao thương, trao đổi hàng hoá lại chưa diễn ra nhiều. Khi nhắc đến Cửa khẩu Thanh Thủy, doanh nghiệp và người dân vùng biên không khỏi ngán ngẩm bởi khung cảnh đìu hiu, vắng vẻ nơi đây.
Trong khi đó, tại khu vực biên giới huyện Kỳ Sơn, chợ biên giới Nậm Cắn mặc dù được tổ chức với mục đích thành nơi giao thương, trao đổi hàng hóa của dân cư 2 nước Việt Nam – Lào. Tuy nhiên, số lượng và giá trị còn nhỏ lẻ, đa phần là phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho người dân vùng biên. Bên cạnh đó, hoạt động vận chuyển hàng hoá qua cửa khẩu Nậm Cắn còn nhiều khó khăn, hàng hóa xuất nhập khẩu chỉ là hàng nông sản, quặng,…
Theo đánh giá của Sở Công Thương Nghệ An, nhìn chung kinh tế - xã hội các vùng biên giới, cửa khẩu còn chậm phát triển so với mặt bằng chung của tỉnh. Cơ cấu kinh tế khu vực này còn chậm chuyển dịch, vẫn dựa vào nông nghiệp là chính. Thu hút đầu tư công nghiệp - thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu vẫn hết sức khó khăn, nhất là các dự án FDI. Chưa có nhiều dự án sản xuất công nghiệp lớn, tạo đột phá trong phát triển kinh tế của khu vực.
Kim ngạch xuất, nhập khẩu qua biên giới chiếm tỷ trọng khiêm tốn, khoảng 3 - 4% trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh. Mối liên kết giữa sản xuất với lưu thông phân phối, giữa bán buôn với bán lẻ chưa gắn kết lâu dài, thiếu tính ổn định. Sản phẩm hàng hóa đặc sản, đặc trưng của khu vực biên giới, cửa khẩu đa dạng nhưng còn nhỏ lẻ.
“Thức tỉnh” các cửa khẩu
Đối với Cửa khẩu Thanh Thuỷ, nhiều chuyên gia đánh giá, đây là cửa khẩu có ý nghĩa vượt tầm, gắn với bước đi, cách làm nhằm hiện thực hóa sự phát triển kinh tế vùng này và tạo ra động lực phát triển cho Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung, kết nối hành lang kinh tế Đông – Tây, bao gồm: Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar.
Do vậy, Nghệ An đã và đang tập trung triển khai thực hiện các bước nâng cấp Cửa khẩu phụ Thanh Thủy thành cửa khẩu chính, xa hơn nữa sẽ tiếp tục nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế. Trong đó, động thái gần đây nhất là việc chính quyền 2 tỉnh Nghệ An và Bôlykhămxay hoàn thiện thủ tục, công bố cặp cửa khẩu phụ Thanh Thủy – Nậm On được phép thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới.
Ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng từng nhấn mạnh rằng, tỉnh Nghệ An có dân số hơn 3,4 triệu người, nếu hàng hoá của Bôlykhămxay và các huyện, tỉnh lân cận của nước bạn Lào thông thương qua cửa khẩu sẽ được tiếp cận thị trường đầy tiềm năng ở Nghệ An. Đồng thời, với quỹ đất đai rộng lớn của Bôlykhămxay sẽ là tiềm năng lớn để giao lưu phát triển kinh tế nông nghiệp, dịch vụ, du lịch.
Tương tự Cửa khẩu Thanh Thuỷ, mới đây Nghệ An cũng đã ban hành Quyết định số 3392/QĐ-UBND công bố danh mục cửa khẩu phụ Thông Thụ, huyện Quế Phong được phép thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới với nước bạn Lào. Điều này được kỳ vọng sẽ góp phần làm thay đổi hoạt động thương mại vùng biên Nghệ An, mở ra nhiều cơ hội làm ăn cho người dân, doanh nghiệp, giúp tăng thu ngân sách, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh việc mở cửa, nâng cấp các cặp cửa khẩu phụ, nhiều ý kiến cho rằng, Nghệ An nên ưu tiên nguồn lực để tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu thông thương hàng hóa của người dân và doanh nghiệp. Qua đó, góp phần tối ưu hóa lợi ích từ các hoạt động thương mại vùng biên.
“Đối với dịch vụ vận tải liên vận, do số lượng hàng hóa đi về giữa 2 nước Việt Nam và Lào rất lớn, song cơ sở hạ tầng cửa khẩu ở Nghệ An chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Do vậy, chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền sớm đầu tư, hoàn thiện hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đồng thời phát triển dịch vụ hậu cần, logistics, kho bãi… tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp” – đại diện một đơn vị vận tải liên vận tuyến Việt Nam – Lào cho hay.