BẤT ĐỘNG SẢN CUỐI TUẦN: "Dự án treo” vẫn là căn bệnh mãn tính

LÊ SÁNG 21/03/2021 05:14

Thường trực HĐND TP. Hà Nội vừa quyết định tái giám sát việc thực hiện kết luận giám sát của HĐND về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn.

Dự án KĐT Kim Chung - Di Trạch (H.Hoài Đức) từng bị

Dự án KĐT Kim Chung - Di Trạch (H.Hoài Đức) từng bị "treo" nhiều năm trước khi được rục rịch triển khai trở lại gần đây

Theo Quyết định số 21/QĐ-HĐND ngày 8/3/2021 của HĐND TP Hà Nội về việc thành lập Đoàn giám sát của Thường trực HĐND Thành phố tái giám sát việc thực hiện kết luận giám sát của HĐND Thành phố về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nội dung giám sát tập trung vào việc khảo sát trực tiếp một số dự án chậm triển khai, chậm khắc phục vi phạm theo kết luận giám sát của HĐND Thành phố (năm 2018).

Từ năm 2018, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã có giám sát về nội dung này, theo kết luận khi đó, Hà Nội có 383 dự án chậm triển khai, chưa GPMB, chưa hoàn thành quy hoạch, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, sử dụng sai mục đích… Các vi phạm này không mới, một số dự án chậm tiến độ kéo dài đã được cảnh báo, kiến nghị từ nhiều năm trước, song chưa được tập trung giải quyết triệt để, ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân, nhận được nhiều kiến nghị của cử tri, kết luận nêu rõ.

Nguyên nhân treo dự án

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng “treo” các dự án trên cả nước nói chung và tại Hà Nội nói riêng trong thời gian qua, các chuyên gia cho rằng có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Nguyên nhân chủ quan là do chính bản thân các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi có nhiều đơn vị “tay không bắt giặc” lập, trình xin dự án quá sức với thực lực dẫn đến việc thiếu nguồn lực để triển khai dự án. Bên cạnh đó, tình trạng này cũng được cho là một phần đến từ việc một số doanh nghiệp nhanh nhảu triển khai dự án khi chưa hoàn thiện đủ các thủ tục pháp lý, khi đang triển khai thì bị phát hiện, xử phạt, thậm chí đình chỉ kéo dài khiến dự án cũng bị “treo”.

Bên cạnh đó, nguyên nhân khách quan được cho là chủ yếu do quy hoạch, bởi nếu điều chỉnh quy hoạch thì dự án cũng phải điều chỉnh theo. Ngoài ra, chính sách đất đai thay đổi dẫn đến thủ tục phê duyệt dự án, quy hoạch, giấy phép xây dựng phức tạp, kéo dài.

Thực tế theo phản ánh của các doanh nghiệp cho thấy thì hiện nay quy định của pháp luật về quản lý đất đai còn có sự xung đột hoặc các văn bản dưới luật còn một số nội dung chưa đầy đủ, rõ ràng, chậm được các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ gây khó khăn trong việc thực hiện, nhất là đối với các trường hợp xử lý chuyển tiếp…

Một nguyên nhân nữa là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng hay thị trường bất động sản có giai đoạn "đóng băng", năng lực chủ đầu tư yếu kém cũng là nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ kéo dài.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa đã từng được chính lãnh đạo UBND TP. Hà Nội chỉ ra khi giải trình về kết luận giám sát của HĐND thành phố năm 2018 là việc các cơ quan quản lý nhà nước trong tổ chức xử lý dự án “treo” còn chưa sâu sát và kiên quyết, chưa kịp thời, nể nang, né tránh, chưa làm hết trách nhiệm; công tác phối hợp giữa các sở ngành với quận, huyện, thị xã còn hạn chế. Bên cạnh đó thì các sở, ngành cũng chưa tham mưu, cập nhật theo dõi các dự án, công tác hậu kiểm còn hạn chế.

Căn bệnh mãn tính

Chính việc yếu kém trong việc xử lý trên địa bàn thành phố Hà Nội đã và đang khiến cho dự án “treo” ngày càng trở thành căn bệnh trầm kha của thủ đô.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND TP. Hà Nội kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh hơn 300 dự án

Sau phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND TP. Hà Nội kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh hơn 300 dự án "treo", "bỏ hoang" ở các địa bàn quận, huyện thành phố Hà Nội gây lãng phí tài nguyên đất.

Theo khảo sát, dự án “treo” xuất hiện khắp nơi tại Hà Nội, trong đó nổi lên một số địa phương như quận, huyện như Hoài Đức với 51 dự án, Mê Linh 47 dự án, Nam Từ Liêm 48 dự án, Hoàng Mai 25 dự án, Bắc Từ Liêm 23 dự án.

Chẳng hạn như tại huyện Mê Linh, hàng loạt dự án nổi lên từ “cơn sốt” đất nhưng năm 2010-1012 như  Hà Phong, Cienco 5, Tiền Phong, Quang Minh, Việt Á và một số dự án khác đến nay vẫn án đắp chiếu sau nhiều năm.

Tại quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm còn có chủ đầu tư được giao đất nhưng không liên hệ với địa phương để tiến hành các thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng như: Dự án mở rộng vườn ươm Cổ Nhuế, Trung tâm Ngôn ngữ Việt Lào, Khu nhà ở kinh doanh Đầm Liễng, Trường huấn luyện và đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ, Trường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật, Chợ lâm sản...

Một điểm đáng chú ý nữa là, dự án “treo” không phải chỉ là đặc sản của các quận huyện ngoại thành mà ngay tại các quận nội đô “tấc đất, tấc vàng” thì tình trạng trên cũng không phải là hiếm. Một số dự án được phê duyệt đến hàng chục năm nhưng đến nay vẫn ì ạch, thậm chí trên giấy như: Dự án tại số 6 Đào Duy Anh (quận Đống Đa); KĐT An Dương và dự án Sông Hồng City (quận Tây Hồ); Trung tâm thương mại Đền Lừ, Bệnh viện đa khoa Quang Trung (quận Hoàng Mai); khu văn phòng và nhà ở số 2 - 4 phố Đội Nhân (quận Ba Đình); "siêu" dự án tổ hợp chung cư Booyoung Vina (quận Hà Đông)...

Cần thuốc đắng để... giã tật

Theo nhận định của một chuyên gia quy hoạch thì dự án “treo” vốn không tự nhiên sinh ra và tất nhiên nó cũng không sẽ tự nhiên mất đi, việc còn để dự án “treo” ở đó ngoài những nguyên nhân như chủ đầu tư yếu kém, vướng quy hoạch, thủ tục thì cũng có thể có sự nể nang, thậm chí “lợi ích nhóm” trong việc chậm, trễ xử lý các dự án treo.

Cũng theo vị này, thì để xử lý dứt điểm dự án “treo” không phải là câu chuyện có thể là trong một sớm một chiều mà cần giải pháp đồng bộ kèm quyết tâm mạnh từ những cấp cao nhất và điều quan trọng là phải đừng để phát sinh dự án “treo” mới khi mà danh sách dự án cũ vẫn còn dài lê thê.

Theo đó, vị chuyên gia nhận định để tháo “treo” có thể xem xét đến những giải pháp sau.

Thứ nhất, là dự án bị “treo” ở đâu thì gỡ ở đó, quyết liệt, vào cuộc thật sự chứ không chỉ dừng ở việc đưa ra chủ trương trong cuộc họp còn thực hiện đến đâu thì không ai giám sát.

Thứ hai, cần xem xét rà soát, bổ sung, chỉnh sửa hệ thống các quy phạm pháp luật liên quan để tránh việc các dự án bị “treo” một cách khách quan do vướng thủ tục, bất cập chính sách.

Thứ ba, là phải gắn trách nhiệm với người đứng đầu các cấp, ngành, đơn vị tại địa phương để dự án bị “treo” lâu năm mà không tháo gỡ nhằm tránh tình trạng nể nang, xin cho “treo” để đợi chuyển đổi mục đích dự án.

Có thể bạn quan tâm

  • Bắt buộc thu hồi dự án treo

    Bắt buộc thu hồi dự án treo

    10:32, 09/11/2020

  • BẤT ĐỘNG SẢN TUẦN TỪ 25/10-01/11: Sẽ thanh tra các dự án treo

    BẤT ĐỘNG SẢN TUẦN TỪ 25/10-01/11: Sẽ thanh tra các dự án treo

    06:00, 01/11/2020

  • Bộ TN&MT lên kế hoạch thanh tra việc sử dụng đất tại các

    Bộ TN&MT lên kế hoạch thanh tra việc sử dụng đất tại các "dự án treo"

    06:34, 31/10/2020

  • Hàng chục dự án treo sổ hồng do “tắc” tiền sử dụng đất

    Hàng chục dự án treo sổ hồng do “tắc” tiền sử dụng đất

    15:00, 10/09/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
BẤT ĐỘNG SẢN CUỐI TUẦN: "Dự án treo” vẫn là căn bệnh mãn tính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO