Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, bên cạnh dòng vốn FDI vào Việt Nam liên tục gia tăng thì dòng vốn giải ngân cũng tăng mạnh không kém.
Phát biểu tại Hội nghị Bất động sản Quốc tế IREC 2018: “Việt Nam - Thế giới của cơ hội” diễn ra mới đây, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đánh giá cao vai trò tích cực, chủ động vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế hoạt động trong thị trường bất động sản Việt Nam, hoan nghênh Hiệp hội Bất động sản Việt Nam về nỗ lực đăng cai tổ chức Hội nghị bất động sản Quốc tế IREC 2018 lần này.
“Đây không những là cơ hội kết nối, xúc tiến đầu tư, trao đổi kinh nghiệm và đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa cộng đồng các nhà phát triển bất động sản Việt Nam với quốc tế, mà còn là một cơ hội tốt để chúng ta giới thiệu, quảng bá về tiềm năng phát triển, về đất nước con người Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản Việt Nam nói riêng" - Bộ trưởng Hà nói.
Bộ trưởng cho biết, sự phát triển của thị trường bất động sản trong thời gian qua đã tạo ra những đóng góp tích cực vào sự phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế và an sinh xã hội của Việt Nam; góp phần quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa và công tác thực hiện các chiến lược quốc gia về nhà ở và thị trường bất động sản; về phát triển đô thị, du lịch, tăng trưởng xanh… Đồng thời, góp phần tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ của các thị trường tài chính - chứng khoán, lao động, dịch vụ và nhiều ngành công nghiệp liên quan như xây dựng, vật liệu xây dựng…
Nhằm hoàn thiện nền kinh tế thị trường và ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của thị trường bất động sản, trong những năm qua Chính phủ Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng đồng bộ hành lang pháp lý cho thị trường bất động sản.
Cũng theo Bộ trưởng Hà, là một lĩnh vực có tác động trực tiếp, giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, thị trường bất động sản trong 10 năm vừa qua có những giai đoạn thăng trầm nhất định tuy nhiên điều đó không phủ nhận sức hút của thị trường đối với các tổ chức, cá nhân nhà đầu tư nước ngoài.
Theo thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối năm 2017, FDI đăng ký tích lũy đạt xấp xỉ 318,72 tỷ USD. Riêng vốn đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực bất động sản đạt 53,2 tỷ USD.
Tính trong 8 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 24,35 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ 2017. Trong đó, tổng vốn đầu tư lĩnh vực bất động sản đạt 5,9 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư đăng ký, đứng thứ 2 trong 17 ngành, lĩnh vực (chỉ đứng sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo).
Điểm đáng chú ý kể từ 2015 trở lại đây, đi cùng với dòng vốn FDI vào Việt Nam liên tục gia tăng thì dòng vốn giải ngân cũng tăng mạnh không kém.
Cụ thể, tính đến hết ngày 20/8/2018, vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 183,62 tỷ USD, bằng 55% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Còn tính riêng 8 tháng 2018, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 11,25 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Điều này cho thấy sự khác biệt của dòng vốn này những năm gần đây so với giai đoạn trước đó là nhắm đến các dự án thực tế được cam kết triển khai hơn là nắm giữ để thu hút các đối tác đầu tư.
Trong đó, các dự án được chú ý đầu tư khá mạnh không chỉ dồn vào các dự án khách sạn, nghỉ dưỡng như trước đây, mà còn tập trung khá mạnh vào dự án phát triển nhà ở và hạ tầng đô thị tại Việt Nam khi các nhà đầu tư nhận thấy tiềm năng của một quốc gia đang trên đà phát triển với tầng lớp dân số trẻ và thu nhập đang tăng lên.
Cũng tại sự kiện, theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, với nền tảng hạ tầng xã hội hoàn thiện, trong những năm gần đây, bất động sản Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đa chiều, tiếp nhận nhiều loại hình sản phẩm mới bắt nhịp cùng thế giới. Đây là yếu tố tất yếu từng bước thay đổi hệ thống hạ tầng cơ sở, bắt kịp với nhịp độ tăng trưởng quốc gia.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, hiện nay các doanh nghiệp đang phát triển độc lập, chưa có định hướng chung để hình thành hệ sinh thái bất động sản đồng nhất về tầm nhìn. Điều này được thể hiện rõ khi dòng vốn đầu tư vào bất động sản những năm gần đây với cường độ cao nhưng chưa thực sự phân bố đồng đều, dẫn đến việc chênh lệch thiên về bất động sản cao cấp, khách sạn nghỉ dưỡng, trong khi chưa thúc đẩy được các phân khúc khác như chung cư bình dân phục vụ nhu cầu số đông.
Chính vì thế, theo ông Sinh, việc tổ chức Hội nghị bất động sản quốc tế lần này được coi là "cơ hội vàng" để nhìn lại, thảo luận và đưa ra các xu hướng phù hợp, đặc biệt là tại quốc gia chủ nhà Việt Nam.
"Với sự hiện diện ngày càng nhiều của các nhà đầu tư ngoại sẽ đem tới thị trường những chuyên môn, kinh nghiệm phát triển theo tiêu chuẩn quốc tế ở tất cả các lĩnh vực và phân khúc" - Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh khẳng định.