Xoay quanh những bất ổn của thị trường xăng dầu thời gian qua, không ít ý kiến cho rằng, nguyên nhân của việc đứt gãy chuỗi cung ứng cục bộ tại một số tỉnh, thành xuất phát từ… nguồn cung.
>> Bình ổn thị trường xăng dầu: Cần đồng bộ các giải pháp
Ngày 12/11, Bộ Công Thương vừa có công điện gửi Tổng cục Quản lý thị trường và các Cục Quản lý thị trường về giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm và ký cam kết với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu, Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; phối hợp chặt chẽ với sở công thương và lực lượng chức năng tăng cường việc kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình.
Đồng thời, tiến hành ký biên bản cam kết về việc đảm bảo cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đối với tất cả các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối trên địa bàn, hoàn thành xong trước ngày 16/11/2022.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu các cơ quan quản lý thị trường tập trung giám sát cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang hoạt động trên địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm; kiến nghị thu hồi giấy phép nếu vi phạm dù bất kể thương nhân ở loại hình nào; thực hiện áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
Ngoài ra, các thủ trưởng cơ quan quản lý thị trường chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo, tổ chức công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
>> Bất ổn thị trường xăng dầu: Cần thay đổi toàn diện về cơ chế, cách thức điều hành
Trước chỉ đạo đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, việc áp dụng mệnh lệnh hành chính để giải quyết những bất ổn của thị trường xăng dầu hiện nay khó khả thi, khi nguồn cung xăng dầu đã và đang được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đứt gãy thời gian qua.
Liên quan đến những vướng mắc, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp xăng dầu thời gian qua, chuyên gia cho rằng, vấn đề hiện nay, sau khi các chi phí được điều chỉnh, nằm ở chỗ hạn mức tín dụng dành cho các doanh nghiệp xăng dầu trong năm 2022 vẫn còn, nhưng không dễ để doanh nghiệp có thể sử dụng được. Về bản chất, để dùng được hạn mức này, các doanh nghiệp phải đảm bảo được tài sản thế chấp và các phương án kinh doanh phải có lãi. Trong khi thực tế, các doanh nghiệp đang chịu lỗ nặng, nên rất khó để sử dụng được hết hạn mức vì nguyên tắc khi cho vay ngân hàng sẽ cần có tài sản đảm bảo để tránh rủi ro.
Thực tế, việc nhập khẩu xăng dầu hiện nay thực sự khó khăn khi khủng hoảng năng lượng toàn cầu diễn ra, trong khi mùa đông bắt đầu ở châu Âu khiến nhu cầu dầu tăng nhanh, cùng với lệnh cấm vận đối với các sản phẩm của Nga đã tạo ra sự khan hiếm nguồn cung xăng dầu trên thị trường quốc tế. Sự khan hiếm này sẽ khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn cung, mặt khác làm chi phí tạo nguồn của doanh nghiệp, bao gồm premium (một loại phí phải trả cho người bán) nhập khẩu, bị đẩy lên rất cao.
Một thống kê không chính thức cho thấy, đến tháng 11/2022, các hợp đồng đã ký kết thậm chí có mức premium lên tới 11 - 12 USD/thùng. Đây có thể được coi là mức đỉnh trong hàng chục năm nay, chưa kể khi nguồn hàng tại các thị trường ASEAN không có nhiều, các doanh nghiệp chuyển sang nhập khẩu ở các thị trường khác thì lại phải chịu thuế tối huệ quốc (MFN) cao hơn, chi phí tạo nguồn đội lên nhiều lần doanh nghiệp sẽ càng thêm lỗ.
Trước đó, thông tin với báo chí, TS. Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng từng đánh giá, hiện nay, “câu chuyện” xăng dầu chủ yếu mắc ở nguồn cung. Cung xăng dầu không đáp ứng nhu cầu lại có nhiều nguyên nhân, cần cơ quan quản lý phải kịp thời vào gỡ vướng.
Không chỉ các chuyên gia, trên diễn đàn Quốc hội, một số đại biểu cũng đã đề nghị Bộ Công Thương sớm vào cuộc, tìm gốc rễ nguyên nhân để từ đó có giải pháp phù hợp.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực của Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội cho rằng, với xăng dầu hiện nay rõ ràng nguồn nhập khẩu, nguồn cung đầu vào không thiếu mà "tắc nghẽn", nguyên nhân chính là do khâu quản lý.
“Có rất nhiều biện pháp, công cụ quản lý hiện nay đều nằm trong tay Bộ Công Thương, vấn đề là Bộ lựa chọn công cụ nào, giải pháp ra sao để tính toán, cho cả trước mắt và lâu dài”, ông Lâm cho hay.
Cũng theo ông Lâm, về biện pháp hành chính, Bộ Công Thương đang có đầy đủ công cụ pháp lý, cơ sở pháp lý, lực lượng để kiểm tra, kiểm soát cả chuỗi cung ứng xăng dầu từ bán buôn đến bán lẻ, vì tất cả các đầu mối nhập khẩu đều phải được cấp phép của Bộ Công Thương, tất cả các cửa hàng kinh doanh bán lẻ đều phải có giấy phép bán lẻ của Bộ Công thương cấp phép thì mới được hoạt động.
“Bộ Công Thương cần phải rà soát, kiểm tra nguyên nhân "tắc nghẽn" xăng dầu hiện đang diễn ra là gì để có biện pháp xử lý hiệu quả. Trước mắt có thể là vẫn bằng biện pháp hành chính, về lâu dài thì phải là giải pháp kinh tế”, ông Lâm bày tỏ.
Và sau hàng loạt các chỉ đạo, mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ - Lê Minh Khái tiếp tục ký Công điện số 1085/CĐ-TTg của Chính phủ gửi các Bộ trưởng: Công Thương, Tài chính, Thông tin và Truyền Thông, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các giải pháp không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội.
Bộ Công Thương hỏa tốc lấy ý kiến sửa đổi quy định về xăng dầu Bộ Công Thương vừa có văn bản hỏa tốc gửi các bộ ngành và UBND các tỉnh, thành phố liên quan đến việc sửa đổi quy định về kinh doanh xăng dầu. Bộ Công Thương cho biết, tại cuộc họp ngày 12/11, Bộ này đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp rà soát và bước đầu đưa ra một số vấn đề cần đề xuất, sửa đổi đối với các Nghị định liên quan đến kinh doanh xăng dầu. Cụ thể như, vấn đề về chu kỳ điều hành giá xăng dầu; về quy định mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu; đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn. Bên cạnh đó, còn có quyền và nghĩa vụ của các thương nhân phân phối xăng dầu; quyền và nghĩa vụ của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Việc thống nhất đầu mối quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu; việc quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu; việc sửa đổi, bổ sung các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh xăng dầu… cũng đã được rà soát. Đây là động thái để thực hiện Nghị quyết số 143 ngày 04/11/2022 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022, Công điện số 1085 ngày 11/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu. |
Có thể bạn quan tâm
Tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống
07:10, 12/11/2022
Bình ổn thị trường xăng dầu: Cần đồng bộ các giải pháp
04:05, 12/11/2022
Chính phủ tổ chức họp khẩn về điều hành xăng dầu
13:09, 11/11/2022
Có nên tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu?
00:00, 11/11/2022
Điều chỉnh giá xăng dầu theo ngày: "Để giá xăng trong nước bắt nhịp giá xăng thế giới"
07:11, 10/11/2022