Trên thực tế, người tiêu dùng và doanh nghiệp không thể lên kế hoạch mua sắm quan trọng vì giá cả có thể thay đổi hơn 25% chỉ sau một đêm, khiến việc lập kế hoạch trở nên bất khả thi.
Các khảo sát cho thấy tâm lý người tiêu dùng đang rơi vào trạng thái tê liệt. Dù dữ liệu về đơn đặt hàng của nhà máy và doanh số bán lẻ vẫn duy trì ổn định, nhưng có dấu hiệu cho thấy các nhà quản lý mua hàng đang gấp rút đặt đơn trước khi giá cả tăng lên, có thể bắt đầu từ ngày 2/4, ngày mà Tổng thống Donald Trump gọi là “Ngày Giải phóng.”
Các chiến lược gia phố Wall từ lâu đã tin rằng các tập đoàn Mỹ có thể tìm cách duy trì lợi nhuận trong bất kỳ bối cảnh kinh tế nào, miễn là các quy tắc rõ ràng. Như câu nói nổi tiếng ở Phố Wall: “Thị trường ghét sự bất ổn.”
Những người tiêu dùng dự định mua ô tô cũng rơi vào tình trạng bất ổn. Vào thứ Tư tuần trước (26/3), chính quyền Trump tuyên bố sẽ áp thuế 25% lên tất cả các loại xe nhập khẩu. Điều này có thể khiến xe hơi châu Âu và châu Á trở nên quá đắt đỏ đối với hầu hết người tiêu dùng Mỹ, trừ khi các hãng sản xuất quyết định mở rộng sản xuất tại Mỹ.
Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn không biết liệu các hãng xe Mỹ có tăng giá nhẹ hay tăng mạnh do giá nguyên liệu đầu vào bị ảnh hưởng bởi thuế kim loại hoặc các biện pháp trả đũa từ các đối tác thương mại của Mỹ.

Những bất ổn liên quan đến thuế quan và tác động tiềm tàng đến giá tiêu dùng đã bắt đầu gây ảnh hưởng kinh tế rõ rệt. Chỉ số niềm tin tiêu dùng do Conference Board công bố đã giảm xuống mức thấp nhất trong 12 năm.
Điều đáng nói là trong 12 năm đó có cả giai đoạn đại dịch khiến hơn một nửa nền kinh tế Mỹ phải đóng cửa trong nhiều tuần. Điều này cho thấy sự bất ổn có thể hủy hoại nền kinh tế đến mức nào. Ít nhất, trong thời kỳ phong tỏa vì COVID-19, doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn có thể nắm rõ các quy tắc kinh tế.
Một khảo sát gần đây của công ty bảo hiểm Allianz Life Insurance cho thấy hơn 70% người Mỹ tin rằng thuế quan sẽ khiến chi phí sinh hoạt tăng cao trong vòng 12 tháng tới.
Một số chuyên gia nhận định rằng nỗi sợ suy thoái đôi khi có thể trở thành "lời tiên tri" tự ứng nghiệm, nhưng những lo ngại này thường nhanh chóng qua đi.
Oliver Pursche, Phó chủ tịch cấp cao tại Wealthspire, nhận định, nếu một nhà sản xuất Mỹ có thể dự đoán chính xác chi phí phát sinh khi tiếp tục mua đồng từ các mỏ châu Phi so với chuyển sang nhà cung ứng nội địa, họ có thể điều chỉnh đơn đặt hàng một cách hợp lý.
Tuy nhiên, khi kế hoạch thuế quan của chính quyền Trump vẫn chưa rõ ràng, các doanh nghiệp không thể thực hiện các điều chỉnh dài hạn, chẳng hạn như tái cấu trúc chuỗi cung ứng – một quá trình phức tạp và tốn kém.
Thay vào đó, khi gần như chắc chắn sẽ có thuế quan, các nhà sản xuất có thể tích trữ nguyên liệu, điều đã được phản ánh trong số liệu đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền của tháng Hai.
Như Chủ tịch Fed Jerome Powell đã chỉ ra trong một cuộc họp báo, người tiêu dùng Mỹ đôi khi nói với các nhà khảo sát rằng họ lo lắng về nền kinh tế, nhưng vẫn mạnh tay mua ô tô và nhà cửa.
Tuy nhiên, sự mờ nhạt của các dữ liệu kinh tế gần đây đã khiến các chiến lược gia tại UBS Global Wealth Management cảnh báo về sự biến động dai dẳng trên thị trường chứng khoán.
Một cuộc suy thoái là viễn cảnh đáng lo ngại đối với hầu hết các nhà đầu tư. Ngay cả sau đợt điều chỉnh gần đây, chỉ số S&P 500 vẫn chỉ thấp hơn khoảng 5% so với mức cao kỷ lục, giao dịch quanh mức 5.700 điểm. Nhưng nếu lo ngại suy thoái tiếp tục gia tăng, chỉ số này có thể giảm thêm 15% và rơi xuống dưới mốc 5.000 điểm, theo cảnh báo từ các chiến lược gia kỹ thuật tại Bank of America Global Research.
Có lẽ vào ngày 2/4, các quy tắc của chế độ thương mại toàn cầu mới sẽ trở nên rõ ràng. Nhưng đối với nền kinh tế và thị trường vốn dựa vào đà tăng trưởng, điều đó có thể đã là quá muộn.