Chiều ngày 21/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Trồng trọt.
Có thể bạn quan tâm |
Với 7 chương, 82 điều, dự thảo Luật Trồng trọt điều chỉnh đến 10 lĩnh vực từ giống cây trồng, phân bón, canh tác, thu hoạch, mua bán, sơ chế, chế biến, bảo quản đến xuất khẩu, nhập khẩu…
Đặc biệt, những điểm mới được quy định trong Dự thảo Luật, thứ nhất, bổ sung các nguyên tắc quản lý trong lĩnh vực trồng trọt đảm bảo phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường, sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chất lượng, phát triển thị trường quốc tế trên cơ sở khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa người sản xuất, doanh nghiệp, nhà nước và lợi ích cộng đồng.
Thứ hai, bổ sung và luật hoá công tác xây dựng chiến lược phát triển trong lĩnh vực trồng trọt gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Thứ ba, bổ sung và luật hoá các chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư. Hỗ trợ hoặc ưu đãi của Nhà nước cho các hoạt động cần ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phù hợp với yêu cầu phát triển trồng trọt trong giai đoạn mới.
Cụ thể, chính sách bảo vệ chất lượng đất trồng trọt. Phát triển ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chính xác, công nghệ thông tin trong trồng trọt.
Nghiên cứu chọn, tạo giống cây trồng chất lượng, chống chịu sâu bệnh và thích ứng biến đổi khí hậu. Bảo tồn nguồn gen cây trồng quý hiếm. Xây dựng ngân hàng gen cây trồng, liên kết sản xuất theo chuỗi. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng…
Thứ tư, điều chỉnh các quy định quản lý giống cây trồng theo hướng hiện đại, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và năng lực quản lý. Giảm bớt thời gian thủ tục hành chính và kinh phí cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý chặt chẽ, giảm thiểu rủi ro cho sản xuất và người sử dụng, tạo sự công bằng trong kinh doanh.
Từng bước tiêu chuẩn và quy chuẩn hóa các yêu cầu về chất lượng đối với giống cây trồng, chuyển dần từ việc cấp phép sang hậu kiểm đối với các hoạt động có thể hậu kiểm thuận lợi.
Xã hội hóa công tác khảo nghiệm, kiểm nghiệm, chứng nhận phù hợp với các Luật hiện hành, cụ thể, trường hợp một với các giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính: chủ sở hữu giống không cần thực hiện khảo nghiệm mà chỉ cần gửi bản công bố lưu hành giống cây trồng tới cơ quan quản lý cấp Sở, kèm theo tiêu chuẩn về giá trị canh tác, giá trị sử dụng của giống do chủ sở hữu xác định và phải tuân thủ đầy đủ tiêu chuẩn đã công bố, tuân thủ nghiêm các quy định về thông tin và quảng cáo giống cây trồng.
Trường hợp hai với giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính: Rút ngắn quy trình và thời gian khảo nghiệm. Theo đó, khảo nghiệm qua một giai đoạn, bỏ giai đoạn sản xuất thử nghiệm. Thu hẹp vùng khảo nghiệm công nhận giống từ 7 vùng theo vùng sinh thái xuống còn 3 vùng phân theo điều kiện nhiệt độ, thời tiết có ảnh hưởng trực tiếp đến giống cây trồng.
Bổ sung hình thức quản lý vật liệu nhân giống cây trồng (hạt giống, cành giống, cây giống, hom giống v.v..) bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Bổ sung các quy định về trình tự thực hiện khảo nghiệm để có thể sử dụng kết quả khảo nghiệm cho cả hai mục đích công nhận và bảo hộ giống. Quy định một giống cây trồng đã được công nhận giống lưu hành thì được thừa nhận quyền sở hữu đối với giống cây trồng đó.
Bổ sung quy định quản lý chặt chẽ mấu giống chuẩn phục vụ đối chứng, kiểm định, kiểm nghiệm, hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra.
Thứ năm, luật hóa các quy định về quản lý phân bón, bổ sung quy định để quản lý chặt chẽ đối với các phân bón vô cơ hỗn hợp, ưu tiên phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ (không phải khảo nghiệm).
Thứ sáu, luật hóa quy định về hoạt động canh tác nhằm từng bước điều chỉnh hoạt động của các nhà quản lý, doanh nghiệp và người sản xuất theo hướng thay đổi quan hệ sản xuất, thiết lập mối liên kết sản xuất bền vững theo hình thức sản xuất có hợp đồng, tạo điều kiện để phát triển một nền sản xuất hàng hóa, có giám sát và cấp chứng nhận sản phẩm.
Thứ bảy, bổ sung các quy định bảo quản, sơ chế, chế biến, thương mại, quản lý chất lượng để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong chuỗi sản xuất, sản phẩm trồng trọt.
Trước đó, Thảo luận tại phiên họp thứ 23 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Trồng trọt, các thành viên Ủy ban nhất trí cho rằng, việc ban hành Luật Trồng trọt là cần thiết nhằm tạo bước phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp.
Góp ý vào dự án luật này, các đại biểu đề nghị làm rõ các nội dung: định nghĩa về giống cây trồng chủ lực và các quy định về quản lý giống cây trồng. Trong đó, dự thảo luật cần quy định rõ hơn về giống cây trồng thuần chủng của địa phương để giữ gìn nguồn gen.
Các ý kiến cũng cho rằng, hoạt động mua bán, bảo quản, chế biến sản phẩm trồng trọt là một khâu quan trọng để nâng cao giá trị của ngành trồng trọt, do đó dự thảo luật cần quy định rõ, chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trong quá trình trồng trọt như loại thuốc, mức độ sử dụng, tránh tình trạng sử dụng tràn lan, không kiểm soát được.
Canh tác hữu cơ là định hướng lớn trong nông nghiệp, phục vụ đắc lực cho việc tái cơ cấu ngành, giúp nâng cao giá trị của sản phẩm, đồng thời cải thiện đời sống cho nông dân.
Vì vậy, ý kiến các đại biểu cho rằng nên cân nhắc bổ sung các quy định mang tính chất quyết định với một nền nông nghiệp hữu cơ như việc ban hành các quy chuẩn về sản phẩm hữu cơ, công nhận sản phẩm, nhãn hiệu, hỗ trợ kinh doanh…
Ngoài ra, từ thực tế, điệp khúc “giải cứu” nông sản, nhiều ý kiến cho rằng, cần gắn sản xuất, bảo quản, chế biến và thị trường thành một hệ thống.