Những hạn chế chính sách đối với năng lượng tái tạo khi nguồn cung điện đang dư thừa, đã và đang gây nhiều khó khăn, thách thức đối với Công ty CP Bamboo Capital (HoSE: BCG).
BCG đã và đang tìm cách xoay xở giải bài toán vốn đầu tư trong bối cảnh đầu tư lớn, nợ vay tăng mạnh.
BCG hiện có khoảng 14 dự án năng lượng tái tạo, bao gồm điện mặt trời, điện gió và điện áp mái, rải khắp từ Bình Định, Vĩnh Long… đến Cà Mau. Đây là lĩnh vực đóng vai trò hạt nhân chiến lược của Công ty này.
Do mảng năng lượng tái tạo thuộc về chiến lược trung và dài hạn tạo doanh thu và lợi nhuận ổn định cho BCG, nên chưa đóng góp gì trong tổng doanh thu của doanh nghiệp này trong năm 2020. Các nguồn thu hiện hữu của BCG vẫn chỉ mới đến từ hạ tầng- bất động sản; xây dựng -thương mại và sản xuất-nông nghiệp với tổng doanh thu thuần hợp nhất 1.855 tỷ đồng, tăng hơn 17% so với 2019, và lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 333,2 tỷ đồng, tăng hơn 72% so với cùng kỳ 2019.
Cuối 2020, tổng tài sản của BCG đạt 24.137 tỷ đồng, tăng 232,71% so với năm 2019. Đáng chú ý, BCG có hàng loạt dự án điện mặt trời trọng điểm đã hoàn tất đóng điện trong năm 2020 với tổng vốn đầu tư khủng 6.200 tỷ đồng (Bình Định), 920 tỷ đồng (Vĩnh Long); các dự án điện mặt trời áp mái 720 tỷ đồng cùng một số dự án bất động sản có tổng vốn đầu tư theo thống kê sơ bộ của DĐDN là 10.917 tỷ đồng. Theo đó, các khoản vốn vay của BCG cũng tăng lên đáng kể với tổng giá trị nợ phải trả lên tới 21.174 tỷ đồng.
5.063 tỷ đồng là mức vốn điều lệ dự kiến mà BCG sẽ tăng lên qua việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu.
Tại ĐHĐCĐ 2021, ông Nguyễn Hồ Nam- Chủ tịch HĐQT BCG, cho biết năm 2021, BCG sẽ bắt đầu ghi nhận doanh thu từ các dự án năng lượng tái tạo đã đóng điện, dự kiến sẽ mang về 250 tỷ đồng lợi nhuận cho công ty.
Cùng với đó, một số dự án bất động sản trọng điểm đi vào giai đoạn bàn giao như Radisson Blue Hội An, King Crown Thảo Điền Village… sẽ giúp BCG tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận lớn trong năm 2021. ĐHCĐ của BCG đã thông qua chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất công ty dự kiến tới 1.000 tỷ đồng, tăng 3 lần so với 2020.
Ở góc độ vốn đối ứng, mức vốn điều lệ 1.360 tỷ đồng quả thực còn khiêm tốn và sẽ hạn chế công ty này tiếp cận nguồn vốn với quy mô lớn hơn. Theo đó, BCG đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ gấp gần 4 lần, lên mức 5.063 tỷ đồng thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 2%); Chào bán thêm 148,77 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 2:1 cho cổ đông hiện hữu với giá 12.000 đồng/cp; đồng thời phát hành trái phiếu huy động vốn dài hạn với chi phí vốn rẻ hơn nhằm triển khai các dự án năng lượng tái tạo và bất động sản.
Nhìn chung, với các dự án đầu tư năng lượng tái tạo qua BCG Energy, cách làm của BCG là lúc đầu chấp nhận chi phí vốn cao để thực hiện nhanh dự án, sau đó thỏa thuận với các định chế tài chính lớn để tái tài trợ, hạ lãi suất cho vay xuống. Sau khi hoàn thành dự án, BCG sẽ IPO mảng này trên thị trường quốc tế để giải quyết bài toán vốn. Đây là mục tiêu mà BCG đặt ra cho BCG Energy từ nay đến năm 2025.
Song doanh nghiệp này vẫn đứng trước thách thức cần hóa giải của việc tăng quy mô vốn và tổng tài sản bao gồm cả tăng nợ vay, cân đối vốn chủ sở hữu với nguồn vốn vay để tối đa hóa lợi nhuận.
Có thể bạn quan tâm