Suốt dọc dài theo hai con sông Vu Gia - Thu Bồn Quảng Nam, những con dân miền đất này sống với cát và chết vùi trong cát của những ngày dâu bể 2 cuộc chiến.
>>34 doanh nghiệp địa ốc trễ hẹn trả nợ trái phiếu
Giờ đây, cát lại là nổi ám ảnh không chỉ người dân đang xây dựng nhà cửa mà ngay các doanh nghiệp đứng ngồi không yên vì giá cát tăng gấp 2 đến 5 lần khiến hàng nghìn người lâm vào cảnh điêu đứng…
Bể dâu đời cát
Đi qua thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn, đến đâu cũng nghe người dân và doanh nghiệp than thở chuyện cát, đất. Nhìn gương mặt nát nhàu của một cán bộ huyện Đại Lộc chạy quanh tìm cát xây nhà, anh bảo: "Sống ở sát mỏ cát lớn nhất tỉnh mà chừ xây dựng cái nhà cần mấy chục m3 cát tìm không ra vì hàng chục mỏ cát lớn nhỏ "sập nguồn" đóng cửa!"
Không chỉ cán bộ xây nhà nơi miền cát xây dựng này thở dài mà hàng trăm nghìn hộ dân cùng hoàng loạt doanh nghiệp xây dựng lớn nhỏ đều điêu đứng vì cát. Nhiều hộ gia đình phải tạm dừng xây nhà.
Cũng vào những ngày này năm 2022, hàng đoàn xe tải trọng lớn nối đuôi nhau vận chuyển cát phủ bạt chạy cuốn bụi mịt mù, nước tràn mặt lộ qua các tuyến đường lớn phía bắc Quảng Nam về các huyện, xuống Đà Nẵng, ra Huế. Còn bây giờ suốt cung đường, từ cầu Mống, qua ĐT609, lên tận Hà Nha đến Đại Sơn, vòng về Nam Phước, đã không còn đoàn "chiến xa" hổ vồ nối đuôi nhau vào các "kho cát" lấy cát.
Người đàn ông tên Xuân đưa tay chỉ xuống triền sông sát nhà, nơi bãi cát hàng trăm nghìn khối bảo từ sau tết đến nay thấy nhớ hàng đoàn xe chở cát hổ vồ đã không còn chạy qua trước nhà vì mỏ cát đã đóng cửa.
Đứng trên cầu Hà Nha, QL 14B, đưa mắt nhìn lên thượng nguồn và quay về hạ nguồn là những bãi khai thác cát với cơ man nào là tàu lớn, xe múc, cần cẩu múc cát từ những bãi cát bồi biến dạng, ăn dần ra giữa sông giờ đây không còn như một đại công trường. Những đội tàu "không số" ken dày dưới chân cầu Hà Nha, Giao Thủy, Vĩnh Điện, Câu Lâu đã dạt trôi về nhiều hướng.
Ngay các bến sông, giữa dòng hay các góc khuất của một vài con lạch nhỏ, vũng nước sâu ven sông bây giờ là nơi tạm trú ken dày những con tàu, thiết bị khai thác cát mà nhìn từ xa như bãi chiến trường thời đánh Mỹ. Xác của những con tàu hút cát như đống sắt nằm ẩn mình trong mưa nắng trái mùa đầu năm.
Trở lại nơi được xem là "tổng kho" cát lớn nhất cung cấp cát xây dựng cho Quảng Nam - Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, nơi bến thủy nội địa dưới chân cầu Giao Thủy nối Đại Lộc với Duy Xuyên chỉ còn vài đụn cát nhỏ mà người dân mót lại để chở về xây nhà.
Hai tổng "đại lý" cung cấp cát lớn là An Lộc Viên và nằm sát bên là Tân Phước Yên không một bóng người, cửa đóng then cài, chỉ còn lại bóng của một bảo vệ già ngồi nhìn khách lạ lang thang nơi bãi cát giữa chiều mưa giá buốt.
Hỏi chuyện mua cát, người bảo vệ già thở dài bảo: "Cát mô mà bán, giá lên đến cả triệu m3 cũng không có. Bây giờ số cát còn sót lại chỉ ưu tiên bán cho người dân địa phương mỗi xe 4 m3 giá 1,2 triệu. Tất cả các mỏ cát lớn trên Giảng Hòa (Đại Thắng), Đại Đồng hay mỏ Pha Lê (Hội Khách, Đại Sơn), Trường Lợi (Đại Hồng) thuộc địa bàn huyện Đại Lộc cũng đã đóng cửa từ trước tết. Chính quyền không cấp mỏ mới và không gia hạn đối với các mỏ đã hết thời hạn khai thác."
Đời người - đời cát
Hầu hết các mỏ cát đồng loạt đóng cửa đã khiến hàng nghìn lao động liên quan đến đất, cát thất nghiệp, doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản. Ông Nguyễn Tấn Thành, chủ một doanh nghiệp vận tải cát có đoàn xe hàng chục chiếc cả hai tháng nay ngừng hoạt động.
"Xe thì không đăng kiểm được, cát thì không có để vận chuyển, cả công ty hơn 50 người phải nghỉ không có việc làm. Nhưng công ty phải trả lương mỗi tháng hơn 60 triệu", ông Thành nói trong nổi âu lo.
Xuôi dòng thu Bồn, nơi bến thủy dưới chân cầu Đen (cũ) không biết Công ty Phú Hương khai thác hay mua cát ở đâu về, loại cát màu xám đen, không vàng như thường thấy ở các mỏ cát hai sông.
Hỏi nhân viên không biết cát ở đâu, họ chỉ biết tuyển rửa, lọc, chuẩn bị cung cấp cho khách hàng đã đặt trước cả tuần qua. Các kho cát lớn ven quốc lộ 1 qua Điện Phương, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ…vẫn còn nhiều đống cát cao như núi. Nhưng họ treo biển không bán cát xe tải lớn, chỉ bán cho xe tải nhỏ 4 m3 trở lại với giá 450 nghìn/m3.
Đến thời điểm này vẫn chưa có số liệu thống kê lượng cát thiếu hụt cho xây dựng trên thị trường, nhưng hầu hết các đại lý cát đều cùng chung điệp khúc không có cát, muốn mua thì mỗi m3 cát 400.000-500.000 đồng.
Chưa thể xác định được có bao nhiêu dự án, công trình đầu tư công phải dừng vì khó tìm kiếm vật liệu xây dựng hoặc giá cao gấp 3 lần giá qui định của nhà nước khiến các nhà thầu phải tạm dừng thi công đã khiến hàng nghìn lao động mất việc làm.
Dọc theo sông Vu Gia-Thu Bồn, nhiều gia đình đã vay tiền ngân hàng đóng tàu vận chuyển cát thuê giờ đây như ngồi trên đồng lửa khi lãi ngân hàng ngày tăng. Còn tàu thì phải nằm bờ.
Đi qua các mỏ cát, bến bãi ven sông, những hàng quán đông người là những thanh niên mất việc làm ngồi uống rượu say nghiêng ngã. Nhiều người bảo: "Sống ven sông chẳng có việc chi làm, chỉ đi chở cát thuê. Bây giờ mỏ cát đóng là thất nghiệp. Đời người chúng tôi cũng như đời cát, nếu đói quá thì đi hút cát trộm về bán kiếm sống qua ngày đến đây hay đến đó dù có phải tội tù…"
Trong cơn say ngất ngưởng, anh Nguyễn Công Hùng - một chủ tàu chỉ tay vào con tàu chở cát thuê vừa đóng mới bảo: "Con tàu ni vay ngân hàng hơn 1,8 tỷ đồng cộng với vốn tích cóp từ gia đình đóng mới và chạy được 4-5 chuyến trước tết chừ phải nằm bờ. Hơn 3 tháng nay, tiền lãi ngân hàng hơn 20 triệu. Nếu mỏ cát không hoạt động trở lại thì nguy cơ tàu bị xiết nợ".
Những ngày sau tết đi dọc các bến sông, nhìn những gương mặt chủ tàu chở cát thuê nhàu nát vì rượu, vì lo lắng mất ngủ… Nhiều chủ tàu hàng đêm thắp hương khấn vái và hy vọng một phép màu nào đó cho các mỏ cát hoạt động trở lại để họ tiếp tục chở cát thuê xuôi Thu Bồn để kiếm sống và trả nợ ngân hàng.
Nhiều người bảo nếu không mở cửa mỏ, giá cát khan hiếm tăng cao, áp lực trả nợ ngân hàng…nguy cơ họ trở thành "cát tặc" là điều khó tránh khỏi. Đời người đời cát thật mong manh. Giờ đây những con dân dọc ven sông Thu Bồn -Vu Gia đứng giữa hai chọn lựa hoặc là trắng tay, thất nghiệp, lâm vào cảnh đói khổ hoặc là phạm tội vì "cát tặc" để sống.
Có thể bạn quan tâm