Sau 03 ngày, Khóa đào tạo Cố vấn và hành trình Mentoring tại khu vực Đông Nam bộ đã chính thức bế giảng vào chiều ngày 12/8.
>>>Khai giảng Khóa Đào tạo cố vấn và hành trình Mentoring tại khu vực Đông Nam bộ
Trong suốt khóa học, hơn 60 học viên là giảng viên các trường Đại học, Cao đẳng, Chuyên gia đã từng tham gia các hoạt động đào tạo, giảng dạy về khởi nghiệp, các doanh nhân, cũng như lãnh đạo các đơn vị có tổ chức các hoạt động khởi nghiệp… đã được các giảng viên của Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia truyền đạt những kiến thức về Mentoring như: Ứng dụng mentoring vào môi trường khác nhau, cá nhân (lãnh đạo, chủ DN, …), doanh nghiệp, giáo dục; Thiết kế chương trình mentoring trong các môi trường khác nhau (cá nhân, tổ chức); Xây dựng lộ trình mentoring: Các giai đoạn của mentoring, Cách thức đánh giá hiệu quả; Bài tập & Thực hành mentoring; Cố vấn kỹ năng pitching gọi vốn; Cố vấn cho chuẩn bị cho gọi vốn; Cố vấn về chuẩn bị cho vòng thẩm định DD…
Kết thúc khóa đào tạo là buổi tọa đàm về kinh nghiệm cố vấn trong thực tiễn; Xây dựng mạng lưới cố vấn khởi nghiệp địa phương, vai trò của cố vấn khởi nghiệp trong hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương, các hoạt động kết nối, hỗ trợ khởi nghiệp địa phương …thông qua những câu chuyện thực tế bổ ích từ các cố vấn, các khách mời là những chuyên gia, doanh nhân cũng như từ chính học viên của khóa học.
TS.Thái Doãn Thanh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TP.HCM đã có những chia sẻ về định hướng phát triển của trường Đại học Công Thương TP.HCM sẽ phát triển theo một sứ mệnh và một tầm nhìn mới đó là trở thành một trường Đại học đổi mới sáng tạo.
Theo TS. Thái Doãn Thanh xu hướng mới hiện nay là từ nghiên cứu chuyển thành thương mại hóa các sản phẩm diễn ra rất nhanh. Bởi hiện, các trường đại học không chỉ thuần túy là nghiên cứu, mà còn kết nối với thị trường, kết nối với doanh nghiệp. Ngay cả đối với người học cũng không chỉ đơn thuần là học, mà còn có thể khởi nghiệp và trở thành doanh nhân.
“Do đó, mục tiêu đào tạo nên con người mới hoàn toàn khác và muốn điều đó xảy ra, thì câu chuyện đầu tiên là đội ngũ giảng viên phải có tinh thần doanh nhân, có tinh thần khởi nghiệp và phải có kỹ năng về khởi nghiệp. Chính vì vậy, nhà trường mong muốn thổi một luồng gió cho tất cả các cá nhân, từ cán bộ quản lý, từ nhân viên, giảng viên, đến người học phải hiểu biết một cách rõ nét về đổi mới sáng tạo, về tinh thần khởi nghiệp và trách nhiệm khởi nghiệp”, TS. Thái Doãn Thanh chia sẻ.
Đồng thời, ông cũng chia sẻ về những kinh nghiệm của nhà trường trong việc xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thông qua việc đưa môn học về đổi mới sáng tạo vào trong chương trình giảng dạy tại trường.
Với vai trò của một doanh nhân, ông Nguyễn Tuấn Khởi – Tổng Giám đốc Công ty The Sharing Group – Chủ tịch mạng lưới lãnh đạo leader Network chia sẻ về kinh nghiệm của bản thân khi thành lập một doanh nghiệp trách nhiệm xã hội, trong bối cảnh, Việt Nam chưa có Luật về Doanh nghiệp trách nhiệm xã hội. Đồng thời, ông cũng chia sẻ những kinh nghiệm để có thể vận hành thành công một doanh nghiệp trách nhiệm xã hội.
Trong khi đó, ông Thái Dũng Linh - Giám đốc Công ty TDL Solutions, cũng là học viên của khóa đào tạo chia sẻ về những trải nghiệm khi tham gia khóa học này. Ông cũng chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân trong quá trình tư vấn cho khách hàng trong lĩnh vực quy hoạch kiến trúc đã mang đến cho ông rất nhiều ý tưởng đầu tư cũng như những phong cách đầu tư. Ông cho rằng, khi tham gia vào hệ sinh thái Mentoring, sẽ mang lại cho mình nhiều cơ hội kết nối với các doanh chủ khác nhau, những ý tưởng khác nhau…
Phát biểu bế mạc khóa đào tạo, Nhà báo Phạm Hùng – Phó Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp chia sẻ, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp rất vinh hạnh là đơn vị tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia.
Theo Nhà báo Phạm Hùng, Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2003, đến nay, Chương trình vừa tròn 20 năm hình thành và phát triển. Trong suốt những năm qua, chương trình luôn cố gắng mang đến cho các học viên tham gia các khóa đào tạo những kiến thức bổ ích về khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Trải qua 3 ngày học tập và trao đổi cùng với các giảng viên hàng đầu của chương trình, đã khẳng định rằng, khóa học này có nhiều ý nghĩa không chỉ đối với các học viên, mà còn đối các trường và các doanh nghiệp.
Ông mong muốn, sau khóa học này, các học viên sẽ trở thành những Mentoring xuất sắc, truyền đạt lại những kiến thức đã tiếp thu được từ các giảng viên cho các thế hệ kế tiếp nhằm xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo một cách hiệu quả và bền vững.
Cũng tại buổi bế giảng khóa học, đã diễn ra Lễ ký kết Hợp tác giữa trường Đại học Công Thương TP.HCM với Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia (VSMA) và Tạp chí diễn dàn Doanh nghiệp. Và Lễ ký kết Hợp tác giữa trường Đại học Công Thương TP.HCM với Mạng lưới nhà lãnh đạo (Leader network). Đồng thời, ban tổ chức cũng đã trao Chứng nhận hoàn thành Khóa đào tạo Cố vấn và hành trình Mentoring cho các học viên đủ điều kiện.
Có thể bạn quan tâm
Khai giảng Khóa đào tạo cố vấn và hành trình Mentoring tại khu vực Đông Nam bộ
09:27, 10/08/2023
Khai giảng Khóa Đào tạo cố vấn và hành trình Mentoring tại khu vực Đông Nam bộ
10:00, 11/08/2023
Đẩy mạnh đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên
14:43, 12/08/2023
MITC STARTUP: Tạo kết nối trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công
14:15, 12/08/2023
Khởi nghiệp từ ý tưởng thương hiệu sơn của người Việt
03:21, 12/08/2023