Những góp ý của cộng đồng doanh nghiệp tạo ra hệ sinh thái đóng vai trò bà đỡ và bệ phóng cho sự phát triển bứt phá của doanh nghiệp, doanh nhân và nền kinh tế nước nhà.
Cuộc vận động "Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” vừa được chính thức phát động ngày 3/9.
Cuộc vận động thể hiện sự đổi mới trong cách thức phổ biến, tuyên truyền, quán triệt các chủ trương đường lối của Đảng đến với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Báo Diễn đàn Doanh nghiệp trích đăng phát biểu của TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động.
Đảng ta xác định trong giai đoạn phát triển mới của Đất nước: xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trung tâm. Trong sự nghiệp xây dựng kinh tế: doanh nghiệp, doanh nhân đóng vai trò đội quân chủ lực. Bác Hồ bảo: “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thượng nghiệp thịnh vượng”. Đại tướng Võ Nguyễn Giáp nói: “doanh nghiệp doanh nhân là nhạc trưởng tiên phong”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị …”.
Ban tổ chức cuộc vận động gồm các cơ quan: Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam…
Doanh nghiệp, doanh nhân là chủ thể thực thi chính sách kinh tế đồng thời cũng là nguồn cảm hứng, là chủ thể quan trọng góp ý xây dựng thể chế, chính sách phát triển kinh tế nước nhà. Doanh nghiệp, doanh nhân góp ý xây dựng thể chế chính sách phát triển kinh tế không phải là việc làm mới. Suốt hành trình cải cách hơn 3 thập kỷ qua, cộng đồng doanh nghiệp đã chung tay với Đảng, Nhà nước trong những nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.
Dù vậy, cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” được phát động lần này vẫn là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt. Bởi lẽ, đây là lần đầu tiên Đảng và Nhà nước ta tổ chức cuộc vận động quy mô lớn và rộng khắp để lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cả nước, góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách trong thời gian tới. Cuộc vận động này diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt, đúng vào dịp chúng ta kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Bác Hồ, và chúng ta đang trong quá trình chuẩn bị các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XIII – một đại hội được kỳ vọng sẽ thúc đẩy làn sóng cải cách lần thứ 2 trong nền kinh tế Việt Nam.
Hy vọng cuộc vận động này sẽ có ý nghĩa như một Hội nghị Diên hồng về kinh tế để lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, như Bác Hồ hằng mong mỏi.
Hơn 30 năm đổi mới với “làn sóng cải cách đầu tiên” chúng ta đã tạo nên kỳ tích, ghi tên Việt Nam trên bản đồ thế giới như một mẫu hình chuyển đổi thành công từ kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường và cũng là mẫu hình thành công đưa một đất nước đói nghèo, bị chiến tranh tàn phá, trở thành một nước có thu nhập trung bình (dù còn ở trình độ thấp). Bây giờ, công cuộc cuộc đổi mới đang lan toả “làn sóng cải cách lần thứ 2” nhằm xây dựng được một nền kinh tế thị trường hiện đại và đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, để bước vào hàng ngũ các quốc gia phát triển hùng cường, trong tầm nhìn 2045, đúng vào dịp chúng ta kỷ niệm 100 năm thành ngày thành lập Nước.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã nêu yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo các chuẩn mực phổ biến của các nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước cũng nhấn mạnh yêu cầu cải thiện môi trường kinh kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quyết đưa Việt Nam lọt vào nhóm 4 nền kinh tế dẫn đầu ở ASEAN trước năm 2021, và nhóm 3 trước năm 2030. Vì chúng ta hiểu sâu sắc rằng: Đất nước sẽ không thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình nếu không vượt khỏi tình trạng chất lượng thể chế (kinh tế) ở mức trung bình.
Tuy vậy, trong tương quan so sánh khu vực và quốc tế, thủ tục hành chính ở Việt Nam còn phiền hà, thời gian và chi phí cho thủ tục hành chính vẫn còn cao, chi phí không chính thức còn lớn. Hệ thống pháp luật kinh doanh vẫn còn những điểm thiếu minh bạch, thiếu nhất quán, chưa bình đẳng… đang cản trở và trói buộc những nỗ lực phát triển của các địa phương và doanh nghiệp. Vì vậy, thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh vẫn là dư địa và động lực quan trọng bậc nhất cho sự phát triển kinh tế ở Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
16:09, 03/09/2019
05:18, 03/09/2019
11:00, 29/08/2019
Cộng đồng doanh nghiệp rất vui mừng và chân thành cảm ơn các cơ quan tổ chức có liên quan đã phát động cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” lần này. Với tinh thần trách nhiệm cao nhất đối với sự phát triển của Đất nước, cộng đồng doanh nghiệp, thông qua tổ chức đầu mối là VCCI sẽ triển khai nghiêm túc cuộc vận động thông qua mạng lưới gần hơn 500 các hiệp hội doanh nghiệp, ở tất cả các ngành nghề, các địa phương và đơn vị.
Quá trình góp ý chính sách với Đảng và Nhà nước cũng sẽ là quá trình cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam định vị lại chính mình, thực hiện tái cấu trúc, tăng cường liên kết, nâng cấp quản trị và công nghệ, thực hiện chuyển đổi số và quốc tế hoá,nâng cao đạo đức và văn hoá kinh doanh, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh hướng tới các chuẩn mực phát triển bền vững và đề cao trách nhiệm xã hội.
Sự đồng điệu và đồng hành của các nỗ lực cải cách thể chế kinh tế ở cấp vĩ mô và nỗ lực nâng cấp từ cấp vi mô doanh nghiệp sẽ quyết định năng lực cạnh tranh và năng suất của nền kinh tế Việt Nam.
Chúng tôi hy vọng những góp ý kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, trong thời gian tới, sẽ được các cơ quan Đảng, Nhà nước nghiên cứu, tham khảo trong quá trình xây dựng thể chế chính sách để tạo ra hệ sinh thái đóng vai trò bà đỡ và bệ phóng cho sự phát triển bứt phá của doanh nghiệp, doanh nhân và nền kinh tế nước nhà. Để chúng ta lại một lần nữa, có thể ghi danh trên bản đồ thế giới câu chuyện hoá rồng của Việt Nam khi nền cộng hoà dân chủ của chúng ta tròn tuổi 100.