“Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 5 – Dẹp bỏ nhóm lợi ích “Quan - Doanh”

NGUYỄN GIANG 21/05/2024 03:00

Các chuyên gia đánh giá, phòng, chống tham nhũng ở khu vực tư cần thiết để loại bỏ tình trạng “sân trước”, “sân sau”, chặn đứng những “liên minh ma quỷ, các nhóm lợi ích “Quan - Doanh”…

Theo đó, kể từ khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới đến nay, khu vực kinh tế tư nhân đã có những bước phát triển mạnh mẽ và dần trở thành một động lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp quan trọng, khu vực này cũng tồn tại nhiều vấn đề, trong đó có tham nhũng, tiêu cực.

>>“Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 4 – Liêm chính trong kinh doanh

IHIHIH

Các bị cáo: Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN; Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế và Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á tại phiên tòa hồi tháng 1/2024.

Minh chứng điển hình là hàng loạt vụ việc liên quan đến nhận hối lộ mới bị phát hiện ở các tỉnh Lâm Đồng, Vĩnh Phúc, Bình Thuận, Bắc Giang... hay vụ án liên quan đến chuyến bay giải cứu, Việt Á trong đại dịch Covid-19. Điểm chung trong các vụ việc này là sự cấu kết giữa những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền với doanh nghiệp để trục lợi. Các vụ việc được phát hiện chủ yếu liên quan đến những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như đất đai, đầu tư công, mua sắm trang thiết bị…

Những vụ án đã bị điều tra, truy tố, xét xử và những vụ việc mới bị phát hiện, đang trong quá trình điều tra cho thấy, sự câu kết, móc ngoặc của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền với doanh nghiệp đang diễn ra rất phổ biến, làm tổn hại uy tín của Đảng, làm thiệt hại lớn tài sản của Nhà nước, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Ngày 6/4/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó, một yêu cầu quan trọng được đề ra đó là “Từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước”.

Chia sẻ quan điểm về nội dung Kết luận số 12 của Bộ Chính trị, nhiều ý kiến chuyên gia đã đánh giá là hết sức cần thiết để loại bỏ những “liên minh ma quỷ, các nhóm lợi ích “Quan - Doanh”, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.

Nói như ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, việc mở rộng phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước từng nhận định với báo chí là rất cần thiết. Bởi tham nhũng giờ đây không chỉ là những vụ việc lẻ tẻ, mà còn “dây mơ rễ má”, với những mối quan hệ nhằng nhịt, như “vòi bạch tuộc” giữa quan chức và doanh nghiệp.

Có những doanh nghiệp hình thức là tư nhân nhưng thực tế lại là “sân sau” của quan chức. “Là sân sau nên doanh nghiệp luôn được ưu ái, kiếm được các hợp đồng, dự án béo bở, gây thiệt hại cho Nhà nước và Nhân dân”, ông Sửu nói.

Việc mở rộng phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước chính là làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo sự cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và công bằng. Đây chính là biện pháp để bảo vệ các doanh nghiệp tư nhân làm ăn chân chính trước các “sân trước”, “sân sau” của quan chức. Nếu không dẹp được “sân trước”, “sân sau” thì doanh nghiệp chân chính làm sao mà cạnh tranh nổi”, ông Sửu nói.

Theo ông Sửu, tình trạng “sân trước”, “sân sau” đã được Đảng cảnh báo từ lâu, thậm chí cách đây nhiều năm có lãnh đạo cao cấp từng nói thẳng có ông có đến 13- 14 “sân trước”, “sân sau”. Tuy nhiên, việc xử lý vẫn chưa được triệt để.

Điều hết sức nguy hiểm là các “sân sau” sau khi kiếm được tiền thì lại “tài trợ” cho các quan chức để “chạy chọt” lên các chức vụ cao hơn, hoặc tác động vào các chính sách để tiếp tục trục lợi. Đây là những điều cực kỳ nguy hại, cần phải có các giải pháp hữu hiệu để xử lý triệt để tình trạng này”, ông Sửu kiến nghị.

>>“Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 1 – Nhức nhối “cơ chế ngầm”

IHIHIIH

Các bị cáo hầu tòa trong vụ “chuyến bay giải cứu”

Thực tế cho thấy, tham nhũng đang là một nguyên nhân cản trở sự phát triển lành mạnh và thách thức đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng: Tham nhũng trong khu vực tư đang ngày càng phát triển và có nguy cơ gây ra hệ lụy nghiêm trọng đối với sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội.

Đáng chú ý, ngay trong nội bộ các doanh nghiệp cũng có vô số kiểu tham nhũng, nhằm trục lợi từ chức vụ quyền hạn trong doanh nghiệp. Các vị Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, rồi Kế toán, Thủ kho… đều có thể tham nhũng bằng các thủ đoạn như: đòi hoa hồng, gửi giá, lại quả, đòi nhận lợi ích bất chính từ đối tác của mình để mang lợi cho họ và gây thiệt hại cho doanh nghiệp của mình, tạo điều kiện thanh toán thuận lợi để vụ lợi, gian lận trong kê khai tăng chi phí tiêu hao vật tư, gian lận trong thu mua nguyên liệu đầu vào, gian lận giá bán đầu ra; nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp mình vì vụ lợi.

Có thể thấy, hành vi tham nhũng trong khu vực tư làm tăng chi phí và giảm đáng kể lợi nhuận của doanh nghiệp, hình thành môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh, không minh bạch, làm méo mó bản chất các quan hệ kinh tế.

Trở lại nội dung Kết luận số 12 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó yêu cầu mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước; khẩn trương rà soát, khắc phục những sơ hở bất cập trong đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, chứng khoán…, đã được nhiều ý kiến chuyên gia đánh giá là cần thiết để loại bỏ tình trạng “sân trước”, “sân sau”, chặn đứng các liên minh ma quỷ, dẹp bỏ các nhóm lợi ích “Quan – Doanh”, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.

Như chia sẻ của TS. Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: “Khi chúng ta chưa khắc phục, ngăn chặn và đẩy lùi được tham nhũng ở khu vực công thì vẫn còn mảnh đất dung dưỡng cho tham nhũng ở khu vực tư. Sự móc nối giữa công và tư để tham nhũng không phải bây giờ mới có mà nó đã xuất hiện từ lâu, chỉ có điều trước kia chúng ta chưa có đủ năng lực, còn bây giờ, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của đồng chí Tổng Bí thư, của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng thì chúng ta mới tìm ra”.

Cũng theo TS. Nguyễn Đình Quyền, việc chống tham nhũng, tiêu cực tại khu vực tư cần đồng bộ với việc tăng cường các thiết chế của khu vực công, cũng như hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật của cả khu vực công và khu vực tư, trong đó cần lưu ý vấn đề mở rộng các đối tượng của khu vực tư và kiểm soát tài sản, thu nhập của toàn xã hội.

Có thể bạn quan tâm

  • “Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 4 – Liêm chính trong kinh doanh

    “Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 4 – Liêm chính trong kinh doanh

    03:00, 17/05/2024

  • “Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 3 – Chiếc phong bì … thông lệ “bôi trơn”

    “Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 3 – Chiếc phong bì … thông lệ “bôi trơn”

    03:00, 03/04/2024

  • “Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 2 – Chiêu trò “lũng đoạn”

    “Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 2 – Chiêu trò “lũng đoạn”

    03:00, 30/03/2024

  • “Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 1 –p/Nhức nhối “cơ chế ngầm”

    “Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 1 – Nhức nhối “cơ chế ngầm”

    03:00, 29/03/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 5 – Dẹp bỏ nhóm lợi ích “Quan - Doanh”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO