Nhiều bệnh viện ngần ngại thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị y tế là một nguyên nhân đẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.
>>Lo sai phạm trong đấu thầu: Nhiều bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế
Thực tế đúng như lo ngại khi nhiều bệnh viện ở nhiều địa phương và cả bệnh viện tuyến cuối đã xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, ảnh hưởng hiệu quả khám, chữa bệnh và quyền lợi của người bệnh.
Bên cạnh giấy đăng ký lưu hành, các cơ sở y tế không dám mua sắm thuốc, trang thiết bị, ảnh hưởng của dịch COVID-19 và mua sắm thuốc theo hình thức đấu thầu tập trung chậm có kết quả... cũng gây thiếu thuốc.
Cá nhân tôi cũng thấy điều đó. Mới hôm 9/6, tôi có một người bạn ở Hà Nội đưa mẹ già và cháu đi khám bệnh nhưng có tình trạng: Hoặc là quá tải bệnh viện dẫn đến việc phải di chuyển đến 2-3 bệnh viện mới tìm được. Hoặc là đến khi tới lượt khám thì có tình trạng khám qua loa vì thiếu thiết bị, vật tư y tế. Cuối cùng ba bà cháu đi về giữa trưa hè nắng gắt của Hà Nội với cái lịch hẹn khám lại vào ngày khác.
Nhìn nhận một cách khách quan để thấy một vấn đề đang rất nhức nhối, làm cho cả xã hội ưu tư. Đó là sau đại dịch, hàng loạt các vụ thanh kiểm tra, xử lý sai phạm về y tế làm cho không chỉ người trong ngành mà bên ngoài cũng e dè, dẫn đến việc ngại mua sắm, ngại đầu tư, làm thiếu thuốc men, hóa chất, trang thiết bị y tế. Từ đó, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe, điều trị.
Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó có việc nhiều Giám đốc bệnh viện ngần ngại thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị y tế là một nguyên nhân đẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.
Nói cách khác, với thực tế những gì đang xảy ra, mọi người cho rằng vì bây giờ nhiều cán bộ y tế gặp sai phạm, từ cấp nhỏ như trưởng khoa cho tới cấp giám đốc bệnh viện, thậm chí lên đến cả Thứ trưởng, Bộ trưởng Bộ Y tế, vì vậy dẫn đến, cán bộ y tế sợ không dám làm.
Thậm chí, vấn đề này đã được nói ra ở Diễn đàn Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu trong phát biểu gần đây nhất tại Nghị trường đã lo lắng thốt lên: “Sau nhiều vụ việc tiêu cực được xử lý những khó khăn trước đây như thu nhập của nhân viên y tế, mua sắm đấu thầu trang thiết bị, vật tư thuốc men không được cải thiện mà còn tệ hơn.”
Còn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí tâm tư: “Tôi nhận thấy nguyên nhân sâu xa là trong hệ thống pháp luật của chúng ta vẫn còn nhiều chỗ còn thiếu, bất cập, không cập nhật kịp với tình hình. Bên cạnh đó, cũng có yếu tố nhiều cán bộ sai phạm khi làm, đặc biệt trong quá trình chống dịch, dẫn đến chuyện này chuyện kia… Bởi vậy, những người làm quản lý phải nhìn nhận lại.”
“Tôi nghĩ họ không sợ, mà thấy rằng đang bị thiếu nhiều yếu tố và nếu cố tình làm sẽ dẫn tới vi phạm. Do vậy, để an toàn, họ đang chờ đợi một sự thay đổi, sự bổ sung, cập nhật hành lang pháp lý đầy đủ. Cái gốc rễ của vấn đề là ở chỗ đó”, Đại biểu Nguyễn Anh Trí nói tiếp.
>>“Trị bệnh” loạn giá trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế
Đây là điều đáng quan ngại khi để tình trạng thiếu thốn thuốc men, vật tư y tế kéo dài sẽ tác động xấu đến người bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh. Gây tốn kém cho người bệnh vì họ phải mua vật tư, thuốc men ở ngoài và không quản lý được chất lượng thì sẽ rất nguy hiểm.
Theo đó, cần có những giải pháp ngay để khắc phục như: Các cơ quan quản lý từ cấp Bộ đến Chính phủ phải nhanh chóng bổ sung, sửa chữa, điều chỉnh các vấn đề dựa trên cơ sở của Nghị quyết 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết 43 của Quốc hội, tháo gỡ ngay các khúc mắc, tạo sự yên tâm cho các cán bộ quản lý của ngành y tế triển khai các việc để có thuốc phục vụ cho người bệnh, để có hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác xét nghiệm.
Bên cạnh đó, phải rà soát lại tất cả hệ thống, văn bản pháp luật đã có để kịp thời bổ sung quy định để người làm công tác quản lý trong ngành y yên tâm làm việc. Để đạt được mục tiêu đó đòi hỏi phải là cả một quá trình, vì rất nhiều vấn đề liên quan về Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm, Luật Đấu thầu mua sắm, Luật về giá, Luật Y học dự phòng… cần phải sửa chữa lại.
Dù nói gì đi chăng nữa, các bệnh viện không thể, không nên vì khó khăn mà khiến việc mua sắm bị ách tắc, làm thiếu thuốc, vật tư, phương tiện, làm công tác chăm sóc sức khỏe không đạt chất lượng.
Nếu để việc thiếu thốn này làm ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng người dân, thì đó là điều không cho phép, chí ít là về phương diện bổn phận, trách nhiệm của ngành Y.
Có thể bạn quan tâm
Lo sai phạm trong đấu thầu: Nhiều bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế
00:20, 04/06/2022
“Trị bệnh” loạn giá trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế
04:00, 12/02/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Khẩn trương thanh tra chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19
22:01, 10/02/2022
Xử nghiêm hành vi tiêu cực trong mua sắm vật tư y tế
21:48, 19/12/2021